Cảng nước sâu Lạch Huyện – Cửa ngõ quốc tế của khu vực phía Bắc

30/11/18 7:51 AM

Ngày 25/8/2018, Thường trực Chính phủ đã nhất trí cho phép Cảng Hải Phòng thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được đầu tư xây dựng bến số 3 và số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện). Theo quy hoạch, Cảng biển Hải Phòng đến năm 2020 thông qua lượng hàng từ 109-114 triệu tấn/năm, đến năm 2030, khoảng 178,5-210 triệu tấn/năm. Riêng container dự kiến đạt khoảng 5,84-6,2 triệu teu/năm vào năm 2020, 11,2-12,5 triệu teu/năm vào năm 2030. Khu bến cảng Lạch Huyện sẽ phát triển thành khu cảng hiện đại, là cảng duy nhất ở miền Bắc đón được các tàu mẹ đến 150.000 tấn, đáp ứng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế, kết hợp phục vụ mục tiêu trung chuyển quốc tế.


Đầu tư để tiến ra biển lớn

Cảng Hải Phòng có khu vực Hoàng Diệu nằm sâu trong nội đô bên bờ sông Cấm. Là bến cảng chính một thời và là tiền thân cho sự hình thành của Cảng Hải Phòng hàng trăm năm, khu cảng Hoàng Diệu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó khi thành phố Hải Phòng có chủ trương di dời bến cảng này để xây dựng và phát triển đô thị. Việc xây dựng các bến cảng mới ở khu vực Lạch Huyện với mớn nước sâu để thay thế và đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa trong tương lai là hết sức cấp thiết.

Sau giai đoạn tái cơ cấu thành công và đã có đủ nguồn lực, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép Tổng công ty thông qua Công ty CP Cảng Hải Phòng đầu tư xây dựng 02 bến cảng container số 3 và 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện). Hai bến này có tổng chiều dài 750m, có khả năng tiếp nhận tàu có sức chở đến 100.000 dwt (8.000 Teu) khả năng thông qua từ 1-1,1 triệu teus, tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Vinalines và Cảng Hải Phòng đẩy mạnh quá trình hợp tác đầu tư và khai thác trung tâm logistics khoảng 250ha để tối ưu hóa hoạt động bốc xếp, lưu kho, chế biến và phân phối ngũ cốc phục vụ nhu cầu khu vực. Dự án đầu tư hai bến số 3 và 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng nằm trong chiến lược hướng tới mục tiêu đến năm 2020, hệ thống cảng biển thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ đảm nhận khoảng 30% sản lượng hàng hóa thông qua cảng của cả nước và duy trì giữ vai trò là các cảng nòng cốt chủ lực tại các khu vực Bắc, Trung, Nam.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển hàng đầu tại Việt Nam. Vinalines có nhiều kinh nghiệm về đầu tư và quản lý khai thác các cảng lớn do đã tham gia góp vốn đầu tư các cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu đến 14.000 teu (SP-PSA, SSIT, CMIT) tại Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng như CICT tại Quảng Ninh. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Cảng Hải Phòng đặt mục tiêu bắt đầu triển khai xây dựng trong giai đoạn 2018-2020 và đưa vào khai thác hai bến số 3 và 4 Cảng quốc tế Hải Phòng – Lạch Huyện sau năm 2020.

Lạch Huyện – Cửa ngõ để nâng cao vị thế của đất nước

Miền Bắc đang dần trở thành cửa ngõ của lĩnh vực điện tử, tự động và cơ khí chính xác. Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đã xây dựng nhà máy điện thoại di động tại khu vực này. Khu công nghiệp Deep C gần cảng Lạch Huyện thu hút khoảng 80% công ty Việt Nam và quốc tế. Nghi Sơn, nhà máy lọc dầu thứ hai của Việt Nam, đi vào hoạt động giữa năm 2018. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Bắc Mỹ và Châu Âu hiện đi qua Singapore hoặc Hong Kong. Mitsui O.S.K. Lines, công ty vận tải biển Nhật Bản, dự kiến mở tuyến hàng hải trực tiếp từ Lạch Huyện tới Bắc Mỹ. Nhiều công ty đã bố trí cơ sở quanh cảng Lạch Huyện, Vingroup đang xây nhà máy ôtô tại khu kinh tế cách đó không xa. Tập đoàn này dự kiến bán 100.000 đến 200.000 xe trong năm 2019 và xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á. Sự trỗi dậy của các thành phố cảng ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam có thể tác động đến ngành công nghiệp logistics trên bộ ở Đông Nam Á. Hành lang Kinh tế Đông – Tây, tuyến đường bộ dài 1.500 km kết nối Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar, đi vào hoạt động đã mở ra con đường để Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Lào, miền Đông Thái Lan và các nơi khác.

Hệ thống cao tốc Hải Phòng – Hà Nội, Hải Phòng – Quảng Ninh, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lạng Sơn.. hoàn thành đã tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, hiện đại của Bắc Bộ, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh phía Bắc tới Khu Công nghiệp Đình Vũ (Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải) và cảng quốc tế tại đây. Có thể khẳng định, Cảng Lạch Huyện giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Đây là cảng tổng hợp đáp ứng nhu cầu bốc xếp hàng hoá vận tải bằng đường biển ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là vùng tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Về lâu dài, Cảng Lạch Huyện sẽ thu hút một phần lớn hàng trung chuyển quốc tế và khu vực.