Phát triển chuỗi logistics gom hàng cho cụm cảng Cái Mép – Thị Vải

28/11/18 6:51 AM

Theo đánh giá của Tạp chí Hàng hải Alphaliner cụm cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam) có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2016, đạt mức 35.3%. Nằm trong cụm cảng này, Cảng SP-PSA (liên doanh giữa Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Cảng Sài Gòn, PSA, Singapore), Cảng SSIT (liên doanh giữa Vinalines, Cảng Sài Gòn, Carrix/SSA, Hoa Kỳ) và Cảng CMIT (liên doanh giữa Vinalines, Cảng Sài Gòn, APMT – Đan Mạch) đều là những liên doanh với hãng tàu, nhà khai thác cảng lớn trên thế giới.

Với mục tiêu chung trở thành nhà cung cấp các giải pháp tối ưu trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trọn gói, Vinalines đã triển khai phương thức vận tải thủy nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và quốc tế đi Campuchia đồng thời gom hàng cho ba cảng nước sâu nói trên.

Đẩy mạnh “Khơi dòng Cửu Long”

Theo số liệu dự báo của Viện Chiến lược phát triển giao thông vận tải, vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 hệ thống giao thông đường thuỷ nội địa sẽ vận chuyển khoảng 36 triệu tấn, chiếm tỷ trọng hơn 33% khối lượng hàng hoá vận chuyển toàn vùng, trong khi đường bộ chỉ chiếm hơn 23 triệu tấn, chiếm tỷ trọng gần 22%. Một tấn hàng hóa từ ĐBSCL vận chuyển về các cảng TP HCM để xuất khẩu chi phí khoảng 10USD, trong khi chi phí vận tải bằng đường bộ cao hơn 10 – 60%. Tuy nhiên, so với đường bộ, giá cước vận tải trọn gói từ cửa đến cửa trên đường biển lại cao hơn do chi phí xếp dỡ chiếm tới 35 – 40% tổng chi phí. Cùng đó, thời gian vận chuyển nhiều hơn 5 lần. Đó là lý do vận tải biển ở ĐBSCL không thu hút được nguồn hàng có yêu cầu chất lượng vận tải cao.

Tại khu vực ĐBSCL, Vinalines đang khai thác 4 bến cảng gồm: Cái Cui, Hoàng Diệu (Cần Thơ); cảng tổng hợp Hậu Giang, cảng Sóc Trăng mới đưa vào khai thác từ năm 2018. Năm 2017, tổng sản lượng vận chuyển của cảng Cần Thơ là hơn 1,9 triệu tấn. Các sà lan của Công ty vận tải biển Vinalines Container cũng được khai thác với tần suất khoảng 4 – 5 ngày/chuyến theo lộ trình “Cần Thơ – Vĩnh Long – TP HCM” với sản lượng bình quân 270 teus/tháng. Để tăng năng suất khai thác các bến cảng, Vinalines đang tích cực làm việc với Cảng PPAP (Campuchia) thiết lập tuyến container từ cảng Phnom Penh về cảng Cần Thơ. Đồng thời, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng lập tuyến container từ cảng Cái Cui đi Singapore; Phối hợp với Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) vận chuyển than cho các nhà máy của PV Power với sản lượng lên đến 7 triệu tấn/năm.

Phát triển tuyến vận tải thủy với Campuchia gom hàng cho Cái Mép

Theo đánh giá của Cục Đường thủy nội địa, sau hơn 8 năm thông thương tuyến vận tải thủy qua biên giới Việt Nam – Campuchia, hoạt động vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường thủy qua sông Mekong ngày càng nhộn nhịp. Hàng ngày, các phương tiện thủy chở hàng hóa, chở khách du lịch theo tuyến sông Tiền, sông Hậu chạy thẳng qua biên giới, đến tận Thủ đô Phnompenh của Campuchia. Tuyến vận tải này được mở theo Hiệp định vận tải thủy giữa hai nước Việt Nam – Campuchia. Trung bình hàng năm có hơn 1 triệu tấn hàng hóa (chủ yếu là xăng, dầu, bê tông, thức ăn chăn nuôi, phân bón, bột mì, thiết bị, đậu tương, lúa mì, thép, bã đậu nành và nhập khẩu mì lát, bắp hạt, đường, phế liệu) được vận chuyển giữa hai nước. Trong đó, hàng hóa xuất khẩu bằng container đến nay đã tăng hơn 2,5 lần so với năm đầu tiên (2009) mở tuyến, đạt mức hơn 10 nghìn Teus/năm. Nhiều chuyên gia vận tải nhận định, tuyến vận tải này kết nối với cụm cảng biển Cái Mép – Thị Vải nên tiềm năng phát triển còn rất lớn. Tuyến vận tải thủy bằng container sang Campuchia có tiềm năng khoảng 100 nghìn TEUs/năm, nhưng chính sách về quản lý hàng hóa quá cảnh không cho phép một số mặt hàng đi qua, nên hàng hóa phải đi vòng bằng đường biển rồi đường bộ qua nước khác để vào Campuchia. Nếu chính sách về hàng hóa quá cảnh cho phép, sẽ tạo được nguồn hàng ổn định từ Campuchia, qua đường thủy và vận chuyển đến cảng biển.

Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông nêu rõ “Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa, giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường biển, đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt trên các hành lang vận tải chính. Ưu tiên phát triển mạnh vận tải ven biển, vận tải sông pha biển, nhằm vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho đường bộ, đồng thời tận dụng hiệu quả điều kiện tự nhiên sẵn có về sông, biển để kết nối vận tải hàng hóa giữa hàng hải, đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác..Thực hiện các giải pháp thu hút, phân luồng hàng hóa để khai thác có hiệu quả khu bến cảng Cái Mép – Thị Vải…”