Vận tải biển Việt Nam: Nhiều thuyền viên bỏ biển lên bờ

7/08/19 8:42 AM

Sorry, this entry is only available in Vietnamese.

Nghề đi biển được đánh giá là một công việc nặng nhọc, vất vả, thường xuyên xa nhà, lênh đênh trên biển, trong khi thu nhập không cạnh tranh được với các công việc trên bờ đã và đang làm “đau đầu” đối với những nhà hoạch định chiến lược về phát triển kinh tế biển.

Không còn tha thiết với nghề 

Các chủ tàu hiện nay ngày càng khó khăn trong khâu tuyển dụng thuyền viên, đặc biệt là những người có kinh nghiệm, tay nghề cao. Nhiều thuyền viên có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn (GCNKNCM) đã bỏ nghề, chuyển sang các công việc khác trên bờ; giới trẻ ngày càng ít quan tâm theo học tại các cơ sở đào tạo thuyền viên. Ngành Hàng hải nói chung, nghề làm việc trên tàu biển nói riêng đã không còn sức hấp dẫn.

Theo TS.Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải Cục Hàng hải Việt Nam, lượng thuyền viên trong tuổi lao động, được cấp GCNKNCM để làm việc trên tàu biển, đã giảm rõ rệt, cũng như đầu vào của các cơ sở đào tạo thuyền viên cũng giảm nghiêm trọng. Gần đây, quy mô đào tạo suy giảm gần 1/3. Các trường đại học, cao đẳng ngành HHVN không đủ nguồn tuyển sinh, các sinh viên, học viên sau khi ra trường cũng ưu tiên tìm kiếm công việc trên bờ, không thiết tha theo nghề đi biển.

Áp lực về nhu cầu thuyền viên đã phá vỡ quy định về tiêu chuẩn chất lượng thuyền viên trong tuyển dụng của các công ty đã áp dụng trong nhiều năm, nhiều công ty nước ngoài đã bắt đầu chuyển sang hoạt động ở các thị trường thuyền viên khác. Các doanh nghiệp trong nước thì phải tính toán đến các phương án và thực tế đã phải thuê thuyền viên nước ngoài (Ấn Độ, Indonesia, Myanmar,) để duy trì hoạt động của đội tàu. Vấn đề đặt ra nghiêm trọng hơn khi sỹ quan, thuyền viên kế cận sẽ thiếu hụt khi lớp thuyền viên hiện nay đến tuổi nghỉ hưu.

Thuyền viên được coi là “linh hồn của những con tàu”. Chất lượng thuyền viên được coi là yếu tố quyết định sự vận hành an toàn của tàu. Thế nhưng, chất lượng thuyền viên Việt Nam (TVVN) cũng chưa được các chủ tàu nước ngoài cũng như chủ tàu trong nước đánh giá cao.

Qua đánh giá của các chủ tàu trong và ngoài nước, TVVN nhìn chung thông minh, nhanh nhẹn tháo vát, chịu khó học hỏi nghề nghiệp, dễ tiếp thu kiến thức, nắm bắt nhanh việc vận hành các máy móc thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, TVVN còn rất nhiều hạn chế, như: kinh nghiệm thực tiễn, sức khoẻ, trình độ ngoại ngữ; ý thức và tác phong làm việc chưa chuyên nghiệp, sự hợp tác, và đặc biệt là chưa thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề.

“Thu nhập không bằng chạy xe Grab”

TS.Bùi Thiên Thu, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, vấn thuyền viên quan tâm khi chọn nghề đi biển là tiền lương. “Bây giờ thu nhập của sỹ quan thuyền viên tàu biển mà không bằng anh chạy xe Grab thì sao mà thu hút được”, ông Thu nói.

Nghề đi biển vẫn được đánh giá là công việc nặng nhọc, vất vả, thường xuyên xa nhà, lênh đênh trên biển, trong khi thu nhập lại không cạnh tranh được với các công việc trên bờ đang làm “đau đầu” đối với những nhà hoạch định chiến lược kinh tế biển.

TVVN đặc biệt là thuyền viên tàu ven biển bị ép trả lương thấp, chế độ ăn ở, đời sống, y tế trên tàu không đảm bảo. Tình trạng các chủ tàu Việt Nam nợ lương, thậm chí quỵt lương thuyền viên diễn ra đáng lo ngại.

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, từ cuối năm 2017 đến nay, lương của thuyền viên đã có dấu hiệu nhích dần lên, nhưng lương bình quân của bậc thủy thủ vẫn trong khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập này là dành cho thuyền viên khi làm việc trên tàu, còn khi nghỉ ngơi, nghỉ phép thì hầu như không có thu nhập.

Do thu nhập thấp, cơ cấu gia đình đã thay đổi theo hướng ít con do vậy các gia đình ngày càng có tâm lý chung không muốn con cái học và làm nghề đi biển xa, vất vả, nguy hiểm. Các cơ chế, chính sách của Nhà nước hiện nay hầu như chưa có ưu đãi đặc biệt gì để thu hút lao động như thuyền viên.

Đây là những nguyên nhân cơ bản gây ra mối lo ngại về thiếu hụt sỹ quan thuyền viên cho ngành vận tải biển Việt Nam. Đáng tiếc câu chuyện lao động trên tàu biển chưa được các bộ, ngành liên quan quan tâm, các báo cáo về thực trạng này vẫn đang nằm trong “ngăn kéo”.

Báo Pháp luật Việt Nam