VIMC vượt thách thức, tăng trưởng mạnh mẽ

7/01/23 12:11 PM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Năm 2022, VIMC tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch đề ra và là điểm sáng về hoạt động tăng trưởng trong 19 Tập đoàn, Tổng công ty của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023

Chiều 6/1 tại Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2023. Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Cao Lục – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Hoàng Hồng Giang – Phó Cục Trưởng Cục Hàng hải Việt Nam; cùng đại diện các bộ, ban ngành Trung ương. Về phía VIMC có các thành viên HĐQT, Ban điều hành và lãnh đạo các ban chuyên môn Tổng công ty; đại diện các đoàn thể, chính trị, lãnh đạo các đơn vị thành viên trong Tổng công ty

Hoàn thành vượt kế hoạch cả hai chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận

Trong bối cảnh ngành hàng hải gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chiến tranh Nga – Ukraine kéo dài, chính sách “zero COVID” của Trung Quốc, lạm phát tăng cao…, nhưng cả hai chỉ tiêu kinh doanh quan trọng nhất của VIMC là doanh thu, lợi nhuận năm 2022 đều vượt kế hoạch đề ra.

Trong năm 2022, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển VIMC vận chuyển đạt 21,8 triệu tấn, sản lượng hàng thông cảng qua đạt 124 triệu tấn, doanh thu hợp nhất ước đạt 15.041 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.129,5 tỷ đồng (vượt 124% so kế hoạch). Trong đó, lợi nhuận khối vận tải biển năm 2022 chiếm tỷ trọng cao nhất, ước đạt 1.869 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp khối vận tải biển đã tận dụng tốt các cơ hội thị trường để đàm phán, ký kết được các hợp đồng dài hạn tránh được các biến động giá vận tải của những tháng cuối năm. Tiếp tục tăng trưởng ổn định và đã phát triển thêm được 10 tuyến dịch vụ container mới về các cảng bao gồm: Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng, Cảng Quy Nhơn, Cảng SSIT, Cảng CICT. Ngoài ra, VIMC đã nghiên cứu, phát triển các tuyến vận tải mới, đã triển khai và thử nghiệm tuyến vận tải container kết nối trực tiếp cảng Cửa Lò với Ấn Độ, Bangladesh, đưa tàu container trọng tải lớn vào cảng Cái Cui – Cần Thơ.

Trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics, VIMC đã phối hợp với hãng tàu container lớn nhất thế giới – MSC trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics tại Cần Giờ TP Hồ Chí Minh. VIMC cũng đã tổ chức thành công chương trình làm việc của Lãnh đạo Tổng công ty, Chủ tịch hãng tàu với Thủ tướng Chính phủ, để lại ấn tượng sâu sắc với đối tác cũng như nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Ủy Ban QLVNN  và Chính phủ.

Tổng giám đốc VIMC, Nguyễn Cảnh Tĩnh phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết: Để có được những kết quả đáng khích lệ trên, VIMC đã thường xuyên theo dõi, cập nhật, nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường vận tải biển, cảng biển và logistics trong nước và quốc tế; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các tuyến vận tải mới. Khối vận tải biển kịp thời tận dụng cơ hội thị trường, đàm phán tăng giá, giành được các hợp đồng tốt nhất; kết nối với các doanh nghiệp cảng biển để tăng sức cạnh tranh cũng như tạo chuỗi dịch vụ khép kín và cung cấp giải pháp tổng thể cho khách hàng…

Tuy nhiên, Tổng giám đốc VIMC cũng thừa nhận những khó khăn mà ngành vận tải biển bắt đầu phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức trong năm 2022 như chỉ số thuê tàu hàng của thị trường đi xuống; thị trường tàu container quốc tế, giá cước vận tải liên tục giảm mạnh; thị trường vận chuyển container nội địa sản lượng hàng hóa luôn ở mức thấp trong khi nguồn cung tàu tuyến nội địa gia tăng; tuổi tàu VIMC cao khó cạnh tranh hãng tàu nước ngoài.

Chủ động nhận diện khó khăn, tiếp tục đặt mục tiêu lãi lớn.

Năm 2023, VIMC nhận định, thị trường tàu hàng rời, tàu container sẽ suy giảm mạnh do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều.

Lĩnh vực cảng biển của VIMC sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi do nguồn hàng có nguy cơ suy giảm bởi các yếu tố đầu vào của thị trường và số lượng đơn hàng sụt giảm khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa; xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại bắt đầu từ quý 4/2022.

Với những phân tích này, VIMC đưa ra kịch bản điều hành sản xuất kinh doanh của năm 2023 bao gồm sản lượng vận tải biển dự kiến 17,7 triệu tấn; sản lượng khối cảng biển 134,7 triệu tấn; doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2.330 tỷ đồng.

Mục tiêu của VIMC năm nay là hoàn thiện hệ sinh thái với trọng tâm phát triển hệ thống cảng nước sâu làm cơ sở hình thành và phát triển chuỗi dịch vụ cho hàng container và hàng rời; nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư trọng điểm: dự án đầu tư bến 3,4 Lạch Huyện, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Đánh giá cao VIMC đã vượt qua mọi thách thức, đoàn kết nỗ lực và đạt thành tích đáng ghi nhận, phát biểu chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết năm 2022, VIMC duy trì đà tăng trưởng 20% cả doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch đề ra và là điểm sáng về hoạt động tăng trưởng trong 19 Tập đoàn, Tổng công ty của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

“Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đi bằng cả “2 chân” (vận tải biển, cảng biển), nếu phát huy được bổ trợ lẫn nhau giữa 2 lĩnh vực này thì sự tăng trưởng và phát triển bền vững của VIMC theo đúng chỉ đạo của Chính phủ thời gian tới phải tăng trưởng xanh, bền vững và tăng trưởng tuần hoàn” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.

Cho rằng trong năm 2023 còn nhiều biến động, rủi ro khó lường, Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh yêu cầu VIMC chủ động, sáng tạo đưa dự báo kịp thời để tháo gỡ ngay lập tức khó khăn để điều hành sản xuất không bị gián đoạn phù hợp với thị trường thực tiễn. Cả 3 đề án gồm chiến lược phát triển, tái cơ cấu, kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023-2025 đã được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cơ quan Trung ương cho ý kiến và cơ bản đồng thuận và sẽ sớm hoàn thiện phê duyệt. Do đó, VIMC bám sát chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đi vào hoạt động đảm bảo đạt được mục tiêu chiến lược đề ra thời gian tới./.

Tại hội nghị cũng đã công bố và trao các quyết định khen thưởng năm 2022, và vinh danh, khen thưởng các cá nhân, tập thể tiêu biểu đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của VIMC trong năm 2022:

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho: ông Phạm Hữu Tấn – Chủ tịch HĐQT Cảng Cam Ranh; ông Nguyễn Huy Phương – Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch Cảng Cam Ranh; ông Trần Văn Đạt – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao Cờ thi đua Chính phủ cho Cảng Đà Nẵng và Công ty vận tải biển Vinaship

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho ông Hoàng Hữu Hùng – Phó Tổng giám đốc công ty cổ phần vận tải biển Vinaship

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh trao Cờ thi đua Ủy ban cho các tập thể xuất sắc của VIMC

Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Anh Sơn và Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh tặng hoa và Cờ thi đua VIMC cho 05 tập thể xuất sắc của VIMC

Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh chúc mừng 12 gương mặt tiêu biểu của VIMC trong năm 2022

Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Anh Sơn và Tổng giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh, trao thưởng Cúp đổi mới sáng tạo,Kaizen cho các doanh nghiệp VIMC.