Tập trung phát triển cảng cửa ngõ quốc tế tại Lạch Huyện

4/09/18 6:54 AM

Ngày 25/8/2018, Thường trực Chính phủ đã nhất trí cho phép Cảng Hải Phòng, thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được đầu tư xây dựng bến số 3 và số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện).


 Càng Hải Phòng sẽ được đầu tư mở rộng nâng công suất bốc dỡ hàng hóa

Theo quy hoạch, Cảng biển Hải Phòng đến năm 2020 thông qua lượng hàng từ 109-114 triệu tấn/năm, đến năm 2030, khoảng 178,5 – 210 triệu tấn/năm. Riêng container dự kiến đạt khoảng 5,84 – 6,2 triệu tấn/năm vào năm 2020, và 11,2-12,5 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Khu bến cảng Lạch Huyện sẽ phát triển thành khu cảng hiện đại, là cảng duy nhất ở miền Bắc đón được các tàu mẹ đến 150.000 tấn, đáp ứng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế, kết hợp phục vụ mục tiêu trung chuyển quốc tế.

Đầu tư có tầm nhìn, từng bước tiến ra biển lớn

Là doanh nghiệp cảng lớn nhất miền Bắc, Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, trong quá trình phát triển đã liên tục đầu tư, hiện đại hóa, từng bước tiến dần ra phía biển. Giai đoạn trước những năm 2000, khi cảng Hoàng Diệu còn đóng vai trò chính thì Cảng Chùa Vẽ đã được nghiên cứu đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ODA – JBIC (Nhật Bản) với những bến container được khai thác bằng cần trục giàn cầu tàu hiện đại đầu tiên.

Sau đó, cảng Tân Vũ được đầu tư xây dựng trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2015. Với cách thức đầu tư theo kiểu “cuốn chiếu” đó, cảng Hải Phòng đã tích lũy được nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Hiện nay, cảng Tân Vũ đã trở thành bến cảng chủ lực của cảng Hải Phòng, chuyên khai thác hàng container với 5 cầu tàu tổng chiều dài gần 1.000m, có khả năng tiếp nhận tàu đến 55.000 tấn (giảm tải) neo cập, 6 cần trục giàn cầu tàu hiện đại, sức nâng đến 50 tấn, hệ thống quản lý và khai thác cảng Terminal Opperating System (TOS) thực hiện quản lý toàn bộ nghiệp vụ khai thác (kế hoạch, khai thác tàu, giao nhận, xếp dỡ,…).

Vừa qua, TOS đã kết nối thành công với hệ thống thông quan điện tử của cơ quan Hải quan. Kể từ nay, toàn bộ hàng hóa xuất nhập khẩu ra vào khu vực kho, bãi, cảng biển được giám sát quản lý hải quan trên hệ thống điện tử. Đối với từng lô hàng, từng container đủ điều kiện, người khai hải quan chỉ cần đến một địa điểm là bộ phận thủ tục một cửa của cảng Hải Phòng tại Tân Vũ mà không phải đến làm thủ tục tại cơ quan hải quan như trước đây, thời gian làm thủ tục đã giảm đáng kể.

Cảng Hải Phòng tiến về phía Lạch Huyện

Cảng Hải Phòng có khu vực Hoàng Diệu nằm sâu trong nội thành bên bờ sông Cấm. Là bến cảng chính một thời và là tiền thân cho sự hình thành của cảng Hải Phòng hàng trăm năm.

Khu cảng Hoàng Diệu đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó khi thành phố Hải Phòng có chủ trương di dời bến cảng này để xây dựng và phát triển đô thị. Việc xây dựng các bến cảng mới ở khu vực Lạch Huyện với mớn nước sâu để thay thế và đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa trong tương lai là hết sức cấp thiết.

Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, công ty mẹ nắm 65% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, trước đây cũng đã triển khai bước nghiên cứu, đầu tư hợp phần B – Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Cảng Lạch Huyện).

Tuy nhiên, để tập trung vào việc tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ, Vinalines đã chuyển giao giai đoạn khởi động (Bến 1 và 2) của dự án cho Tổng công ty Tân Cảng. Sau giai đoạn tái cơ cấu thành công và đã có đủ nguồn lực, Vinalines đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép Tổng Công ty thông qua Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng đầu tư xây dựng 02 bến cảng container số 3 và 4 tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện).

Hai bến này có tổng chiều dài 750m, có khả năng tiếp nhận tàu có sức chở đến 100.000 dwt (8.000 Teus) khả năng thông qua từ 1-1,1 triệu teus, tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Vinalines và Cảng Hải Phòng đẩy mạnh quá trình hợp tác đầu tư và khai thác trung tâm logistics khoảng 250ha đối diện khu bến cảng ngũ cốc để tối ưu hóa hoạt động bốc xếp, lưu kho, chế biến và phân phối ngũ cốc phục vụ nhu cầu khu vực. Dự án đầu tư hai bến số 3 và 4 cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng nằm trong chiến lược hướng tới mục tiêu đến năm 2020, hệ thống cảng biển thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sẽ đảm nhận khoảng 30% sản lượng hàng hóa thông qua cảng của cả nước và duy trì giữ vai trò là các cảng nòng cốt tại các khu vực Bắc, Trung, Nam.

Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết: “Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam là doanh nghiệp kinh doanh khai thác cảng biển hàng đầu tại Việt Nam. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm về đầu tư và quản lý khai thác các cảng lớn do đã tham gia góp vốn đầu tư các cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận tàu đến 14.000 teu (SP-PSA, SSIT, CMIT) tại Cái Mép – Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng như CICT tại Quảng Ninh. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và cảng Hải Phòng đặt mục tiêu bắt đầu triển khai xây dựng trong giai đoạn 2018-2020 và đưa vào khai thác hai bến số 3 và 4 cảng quốc tế Hải Phòng – Lạch Huyện sau năm 2020”.