Đề xuất quy định ‘cứng’ bữa ăn ca cho người lao động vào luật

1/12/23 9:29 AM

Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Phan Linh đề xuất quy định bữa ăn ca cho người lao động vào luật, không quy ra tiền mặt.

Ông Lê Phan Linh – chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

Chiều 30-11, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức diễn đàn Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc.

Quy định “cứng” bữa ăn ca, chế tài nặng nếu không tuân thủ

Ông Lê Phan Linh – chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – bày tỏ đối thoại, thương lượng hiệu quả đòi hỏi cán bộ công đoàn phải có trình độ, kỹ năng.

Ví dụ, để đòi tiền ăn ca tăng từ 20.000 lên 40.000 đồng, cán bộ phải nêu rõ căn cứ lạm phát, trượt giá để thuyết phục doanh nghiệp.

Vị chủ tịch công đoàn này cho rằng ngoài tiền lương, điều kiện làm việc thì ăn ca rất quan trọng để người lao động duy trì sức khỏe. Ông đề xuất quy định cụ thể chính sách ăn ca.

Theo đó, ăn ca là một chế độ được thụ hưởng theo quy định của pháp luật và thống nhất có mức ăn ca tối thiểu bao nhiêu calo, chi phí tối thiểu.

Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn cần có chế tài để đảm bảo mọi người lao động có quyền lợi như lao động ngành hàng hải theo Công ước Lao động hàng hải 2006. “Nếu không thực hiện, tàu sẽ ngừng chạy, tuabin ngừng quay”, ông Linh nói.

Theo vị này, khâu kiểm tra, giám sát rất quan trọng vì có trường hợp thương lượng tăng tiền ăn ca, lương cho người lao động thì người lao động đòi lấy tiền chênh lệch để làm việc khác.

“Tôi dứt khoát không đồng ý, dứt khoát phải dành khoản đó để cải thiện bữa ăn, đảm bảo dinh dưỡng. Không có chuyện ăn 25 đồng, để 10 đồng làm việc khác. Dứt khoát tôi không đồng ý, không thỏa hiệp”, ông Linh nêu rõ và cho rằng phải quy ra bữa ăn thực tế, không cho phép đổi sang tiền mặt.

Bà Trần Thị Thanh Hà chủ trì diễn đàn Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc - Ảnh: HÀ QUÂN

Bà Trần Thị Thanh Hà chủ trì diễn đàn Tập trung nguồn lực thúc đẩy đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc

Giải pháp tối ưu, hạn chế đình công

Bà Vi Hồng Minh – đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – nêu rõ qua đối thoại nơi làm việc sẽ giảm tranh chấp lao động tập thể, hạn chế đình công, thể hiện văn hóa doanh nghiệp, thu hẹp khoảng cách giữa người lao động và chủ sử dụng lao động.

Song việc đối thoại có thể khiến doanh nghiệp tăng chi phí như bố trí thời gian, địa điểm, điều kiện cho cuộc đối thoại. Một bộ phận cán bộ công đoàn cơ sở còn hạn chế, chưa đủ khả năng đại diện cho lao động dẫn tới khó khăn, thiếu kỹ năng khi đối thoại đòi tăng lương, thiết kế bảng lương.

“Nếu người lao động được đóng góp ý kiến thường xuyên và tham gia vào các kế hoạch hay sáng kiến cải tiến doanh nghiệp, thì việc thực hiện các sáng kiến hay cải tiến này sẽ trở nên hiệu quả hơn và lâu bền hơn”, bà Vi Hồng Minh bày tỏ.

Bà Trần Thị Thanh Hà – trưởng ban quan hệ lao động – Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – đánh giá trên 99% doanh nghiệp nhà nước và gần 68% doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.

Trong 5 năm qua, có khoảng 15.800 bản thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp được ký mới, trong đó có 3 thỏa ước lao động tập thể ngành mang lợi ích cao hơn luật cho trên 7 triệu lao động.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trưởng ban quan hệ lao động mong muốn các đại biểu, chuyên gia đóng góp ý kiến để ban tổ chức diễn đàn ghi chép, báo cáo tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 1-12 đến 3-12 tới tại Hà Nội.

Báo Tuổi trẻ