Về Tây Nguyên, lắng nghe tiếng nói từ các buôn làng (Bài 3)

6/07/23 3:13 PM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Để hiểu cuộc sống đồng bào Tây Nguyên thì phải do chính người Tây Nguyên cảm nhận. Tháng 7, ít tuần sau vụ khủng bố xảy ra, nhóm phóng viên chúng tôi đã trở lại xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin cũng như nhiều buôn làng khác ở Tây Nguyên để ghi nhận thực tiễn, trò chuyện, tìm hiểu tâm tư, tình cảm của các già làng, chức sắc, bà con nơi đây…

Tại sao quê hương đang yên bình lại đi nghe kẻ xấu, gây tội ác?

Trước sự thay đổi to lớn của quê hương mình, già làng Y Bâm Ksơr, buôn Đliê Ya B, xã Đliê Ya, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) nói với chúng tôi rằng, đời sống bây giờ khác trước nhiều, “bọn nhỏ đứa nào cũng được tới trường, đường sá đều được bê tông hóa, đèn điện đến từng nhà…”.

image001.png -0

Già làng Y Pri Niê

Theo già làng Y Bâm Ksơr, mấy chục năm trước, bà con địa phương còn nghèo khó lắm. Có gia đình làm tới 2, 3ha rẫy mà quanh năm vẫn đói ăn. Nay nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào được hỗ trợ vay vốn làm ăn, được hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nên các hộ trong buôn đã khá lên nhanh chóng. Nay bà con thi đua làm giàu, nhiều gia đình xây được biệt thự khang trang, cuộc sống dư dả.

“Nghe tin bọn xấu đập phá trụ sở UBND xã, sát hại cán bộ, chúng tôi hết sức bất ngờ, căm phẫn. Bà con đều tự hỏi, tại sao quê hương đang yên bình, đất nước đang phát triển, buôn làng giàu đẹp từng ngày mà họ lại gây tội ác, hành động man rợ, mất nhân tính như vậy? Đảng, Nhà nước luôn có nhiều chính sách, chủ trương ưu đãi cho đồng bào, chăm lo cuộc sống cho bà con rất tốt.

Hành động của những kẻ khủng bố kia khiến bà con chúng tôi hết sức căm phẫn” – già làng Y Bâm Ksơr bức xúc.

Khi nói về nhóm người dùng vũ khí tấn công trụ sở cơ quan nhà nước ở huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), sát hại cán bộ, chiến sĩ Công an và người dân, ông Y Mơi Chinh, nguyên Trưởng phòng Dân tộc Tôn giáo, Ban Dân vận Tỉnh ủy Đắk Nông đã bật khóc vì quá đau lòng.

Ông Y Mơi Chinh cho biết, trong kháng chiến chống quân xâm lược, các dân tộc đã đoàn kết chiến đấu, biết bao người đã hy sinh để giành được độc lập, trong đó có bà con vùng đất Tây Nguyên. Sau ngày đất nước thống nhất, đời sống đồng bào được chính quyền chăm lo, ưu đãi hơn người Kinh. Nhiều thầy cô giáo bỏ quê hương, bản quán vào vùng rừng thiêng nước độc này mang ánh sáng con chữ tới cho đồng bào. Cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm… chỗ nào cũng được Nhà nước quan tâm đầu tư, người dân được hỗ trợ vốn làm ăn, trẻ con được đi học, không ai bị phân biệt đối xử, không ai bị bỏ lại phía sau.

“Tôi khuyên đồng bào không nghe, không theo lời dụ dỗ của bọn phản động để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, vi phạm pháp luật” – ông Y Mơi Chinh bày tỏ.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông sạch đẹp nối liền các buôn làng Ê Đê, già làng Y Pri Niê (SN 1940, trú tại buôn Sút Mđưng, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) vui mừng cho biết, xã có 11 thôn, buôn, với dân số hơn 11.800 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 60%.

Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cùng với sự chung tay của người dân, đến nay, xã Cư Suê là một trong những xã đầu tiên đạt chuẩn xã nông thôn mới của huyện và là một trong sáu xã nông thôn mới tốp đầu của tỉnh. “Cốt lõi là sự đoàn kết, chung tay góp sức của nhân dân, sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã Cư Suê mới được bộ mặt tươi mới như hôm nay” – ông Y Pri Niê khẳng định.

Già làng Ka Să Ha Tang (phải)

Lên án vụ việc vào ngày 11/6 vừa qua, già Y Pri Niê mong muốn Nhà nước sớm trừng trị các đối tượng này nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

“Trong những năm qua, bản thân mình thường xuyên dạy bảo con cháu, người thân trong gia đình và người dân trong buôn làng tuyệt đối không nghe, không tin những lời dụ dỗ, kích động, lừa bịp lôi kéo của kẻ xấu. Hãy sinh sống, lao động theo Hiến pháp, pháp luật, yên tâm lao động sản xuất, học tập để mai này góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh” – già Y Pri Niê nói.

Những ai đang bị kẻ xấu xúi giục, lôi kéo cần sớm tỉnh ngộ

Trong căn nhà đối diện với trụ sở UBND xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk – nơi xảy ra vụ khủng bố vào rạng sáng 11/6, ông Y Luyện Niê Kđăm, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk ngồi lặng im nhìn xa xăm, rưng rưng nước mắt. Ông đau xót vì chính những người gây ra tội ác vào cái đêm định mệnh ấy hầu hết là người đồng bào dân tộc của mình, vì nghe theo kẻ xấu mà hành động mất nhân tính.

Ông tâm sự, cách đây hơn 20 năm, tại Đắk Lắk cũng từng xảy vụ việc một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số bị bọn phản động FULRO lưu vong và các thế lực thù địch xúi giục, lôi kéo tham gia gây rối, biểu tình, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự.

“Khi đó, đang là Bí thư Tỉnh uỷ, chứng kiến bà con mình nghe theo lời kẻ xấu xúi giục, mình buồn lắm. Đảng, Nhà nước ta luôn chăm lo đời sống cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng một số ít người vì lợi ích cá nhân, nghe theo lời dụ dỗ của kẻ xấu mà làm điều trái với lương tâm, trái với chính truyền thống tốt đẹp của đồng bào mình” – ông Y Luyện Niê Kđăm lên án và cho rằng, nhiều người vì kém hiểu biết, nghe theo lời dụ dỗ rồi cửa mất nhà tan, vợ chồng, con cái ly tán, bản thân dính vào tù tội.

Những năm qua, cuộc sống của đồng bào ngày càng khá lên, rất nhiều người vươn lên làm giàu, cớ sao lại nghe theo những lời xúi giục rồi đi gây rối, giết người, làm những việc nhẫn tâm như vậy? Ông Y Luyện Niê Kđăm cũng khuyên bà con hãy tập trung chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế.

“Xuất phát từ truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, Đảng, Nhà nước ta có chính sách nhân đạo, khoan hồng với những người lầm đường, lạc lối. Do đó, những ai đang bị kẻ xấu xúi giục, lôi kéo cần sớm tỉnh ngộ, hối cải, kiên quyết không nghe theo, sớm dứt bỏ để trở thành người có ích cho xã hội” – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk chia sẻ.

Trò chuyện với chúng tôi, nhiều bà con dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo phát triển kinh tế – xã hội cho vùng Tây Nguyên, nhờ đó cuộc sống người dân vùng cao ngày càng phát triển, no ấm.

“Chưa bao giờ quê hương lại giàu đẹp, khang trang, sạch sẽ như lúc này. Bà con đồng bào Kho mình bây giờ không còn gia đình nào phải chạy vạy từng bữa ăn. Cuộc sống ấm no, đầy đủ. Bây giờ chỉ lo lao động sản xuất cho giỏi mà làm giàu thôi” – ông Lơ Mu Ha Djô (sinh năm 1960, trú tại thôn 6, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) tự hào khi nói về sự đổi thay mạnh mẽ của quê hương.

Ông kể rằng, thời kỳ mới giải phóng, đất nước vừa thống nhất, hầu hết bà con còn thiếu đói, mù chữ, bệnh tật không có thuốc chữa, không được chăm sóc y tế đầy đủ. Đã vậy, các thế lực thù địch còn thường xuyên kích động, xuyên tạc chính sách của Đảng, Nhà nước, dụ dỗ bà con đi theo chúng, làm những việc xấu, vi phạm pháp luật, gây tổn hại tới khối đại đoàn kết dân tộc. Ngày nay, đất nước, quê hương, buôn làng đã khởi sắc từng ngày, đời sống người dân nâng cao…

Để chứng minh cho sự đổi thay to lớn trên quê hương mình, ông Lơ Mu Ha Djô vẫy tay, ra hiệu cho tôi rời khỏi căn nhà khang trang của gia đình để bước ra con đường lớn. Ông chỉ về bên phải và nói: “Đó là hội trường văn hóa của thôn. Dưới nữa là nhà thờ Tin lành vừa được xây dựng. Trên kia có cái nhà thờ lớn nữa. Con đường này Nhà nước mới mở rộng gấp đôi, bà con hiến đất, Nhà nước bỏ vốn đầu tư. Con gái mình làm ở trạm y tế xã, con rể vừa lên rẫy chăm cây cà phê. Vợ chồng mình già rồi, ở nhà trông cháu, lo việc nhà”.

Thấu hiểu giá trị của cuộc sống an lành, yên ổn

Đến thăm già Ka Să Ha Tang (sinh năm 1949, già làng thôn 1, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) khi ông đang đăm chiêu ngồi trước cửa. Ông lộ rõ sự đau xót, hụt hẫng khi nói về việc một nhóm người có vũ trang tấn công, sát hại các chiến sĩ Công an, cán bộ UBND xã và dân thường ở Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin. “Quá tàn ác! Không thể chấp nhận được” – già làng Ka Să Ha Tang bắt đầu câu chuyện bằng việc kịch liệt lên án hành động khủng bố, giết người dã man của nhóm đối tượng trên.

Là người nặng lòng với bà con đồng bào dân tộc thiểu số và có nhiều đóng góp cho sự phát triển ở địa phương từ ngày đất nước thống nhất tới nay, hơn ai hết, già làng Ha Tang thấu hiểu được sự quý giá không gì có thể so sánh được với nền độc lập, tự do, hạnh phúc, cuộc sống an lành, đồng bào yên ổn làm ăn.

Già làng Ka Să Ha Tang là người đã đồng hành cùng chính quyền địa phương thu phục, kêu gọi, giáo dục nhiều người lầm đường lạc lối đi theo kẻ xấu trở về hướng thiện sau năm 1975. Được sự che chở của già làng Ha Tang, sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước, những người nhẹ dạ, trót đi theo kẻ xấu trở về làng nay đã có cuộc sống no đủ, con cháu sum vầy, gia đình hạnh phúc, chấp hành tốt các quy định của pháp luật…

Theo thống kê, trong tổng số 7.800 thôn, buôn, tổ dân phố toàn vùng Tây Nguyên thì đã có tới 2.800 thôn, buôn, tổ dân phố có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Có đi suốt chiều dài Tây Nguyên hôm nay, từ triền núi Ngọc Linh phía Bắc đến thung lũng đầu nguồn sông Đồng Nai phía Nam, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh tươi mới, khởi sắc của những buôn làng…

Chỉ có tận mắt chứng kiến và dõi theo qua nhiều giai đoạn mới có thể cảm nhận hết sự đổi thay trên các buôn làng một thời chưa xa còn tập quán du canh du cư, cuộc sống vô cùng đói nghèo, cơ cực như thế nào. Đương nhiên, trong sự phát triển vẫn còn đó những tồn tại, nhất là những yếu tố khách quan khiến tiềm lực Tây Nguyên chưa thể phát huy đúng mức và vẫn còn những cán bộ, đảng viên chưa làm trọn bổn phận, để người dân bức xúc. Tuy nhiên, những tồn tại, hiện tượng tiêu cực đang được chấn chỉnh để xây dựng Tây Nguyên ổn định, phát triển.

Chúng ta thấy rằng, trong kháng chiến, cán bộ, đảng viên đã sống chung với đời sống hạt muối, củ khoai của đồng bào để cùng dân bám buôn, bám làng, bám núi rừng đánh giặc, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Ngày nay, tổ chức Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để xây dựng một Tây Nguyên phát triển bền vững, xây dựng những buôn làng kiên cường, bất khuất trong chiến tranh trở thành những vùng quê no ấm, hạnh phúc như hôm nay. Đó là sự thật, là minh chứng thực tiễn sống động qua những chuyến đi.

Báo CAND