Tháng 4/2025, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) chính thức bước qua dấu mốc 30 năm hình thành và phát triển. Trải qua giai đoạn đầy thách thức từ khủng hoảng tài chính toàn cầu đến quá trình tái cơ cấu đầy táo bạo, VIMC đã vững vàng vươn lên, một lần nữa khẳng định vị thế trong ngành hàng hải và logistics. Ngày 10/5 tới, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, VIMC sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, ghi dấu thành tựu rực rỡ và khởi đầu cho hành trình mới bứt phá.
Chặng đường 30 năm: vượt sóng
Trải qua 3 thập kỷ, VIMC không tránh khỏi những giai đoạn thăng trầm. Cuối thập niên 2000, dù đã đạt đỉnh cao về đội tàu, Tổng công ty bất ngờ đối mặt với khủng hoảng sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2008. Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ: “Khi thị trường sụp đổ, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế năm 2008 đã phá nát tất cả. Cước vận tải biển khi ấy rơi tự do, tất cả đội tàu mà VIMC vừa dồn lực đầu tư với tổng tải trọng hơn 3 triệu DWT bỗng trở thành một gánh nặng khổng lồ. Việc phải tiếp nhận thêm các doanh nghiệp thua lỗ từ TCT Công nghiệp tàu thủy Việt Nam càng như một đòn giáng liên hoàn. Thu không đủ bù chi, tất cả những nguồn lực dự trữ khi đó đều đã cạn kiệt”.
Từng bước, VIMC thực hiện tái cơ cấu toàn diện. Đội ngũ cán bộ nhân viên với tinh thần “bản lĩnh, kiên cường” đã thay đổi chiến lược quản trị, đồng thời thực hiện đồng bộ cổ phần hóa và tái cấu trúc tài chính, giúp doanh nghiệp từng bước hồi phục.
Container VIMC tại các bến cảng
Vượt qua khủng hoảng, VIMC không chỉ hồi phục mà còn vươn lên mạnh mẽ. Đến nay, tổng công ty đã đạt vốn chủ sở hữu dương hơn 17.000 tỷ đồng, lọt top 10 tập đoàn tổng công ty Nhà nước có tỷ suất ROE, ROA tốt nhất. Ghi dấu ấn từ chiến lược tập trung vào ba trụ cột chính: vận tải biển, khai thác cảng và dịch vụ logistics. Hệ thống cảng biển của VIMC gồm hơn 16 cảng lớn, chiếm khoảng 30% sản lượng hàng hóa qua cảng biển cả nước. Bên cạnh đó, các trung tâm logistics tại Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM không chỉ phục vụ hiệu quả thị trường trong nước mà còn mở rộng kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sự phát triển của VIMC còn thể hiện ở tầm vóc quốc tế, khi nhiều tập đoàn đa quốc gia như Maersk, MSC hay CMA-CGM… chủ động tìm đến hợp tác và ký kết thỏa thuận mở ra nhiều triển vọng kinh doanh tích cực. Những thỏa thuận chiến lược với các “ông lớn” này minh chứng rõ nét cho uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.
Hướng tới tương lai vươn xa và hội nhập quốc tế
Bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo, VIMC hướng tới đổi mới sáng tạo không ngừng và sự bền vững. Tổng công ty ưu tiên ứng dụng công nghệ cao trong quản lý cảng biển và logistics: tự động hóa quy trình, số hóa nền tảng và sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu chuỗi cung ứng. Đặc biệt, các giải pháp vận tải xanh và nâng cấp đội tàu đang được triển khai mạnh mẽ, nhằm giảm phát thải và nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ngày 10/5, VIMC sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì
Song song với đổi mới công nghệ, VIMC đẩy mạnh chiến lược mở rộng toàn cầu. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Lê Anh Sơn và Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh, tổng công ty đầu tư vào các cảng nước sâu, đón đầu xu hướng chuyển dịch của ngành hàng hải thế giới. Những dự án như cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đang được xúc tiến, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ hàng hải khu vực.
Nhìn lại chặng đường 30 năm, VIMC đã khẳng định vai trò như một trụ cột vững chắc của ngành hàng hải Việt Nam, với nhiều đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội. Lễ kỷ niệm 30 năm và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì ngày 10/5 sắp tới là ghi nhận xứng đáng cho những thành tựu đó.
Như Tổng Giám đốc Nguyễn Cảnh Tĩnh chia sẻ: “Chúng tôi như những người thủy thủ, không thể thay đổi được hướng gió nhưng có thể điều chỉnh cánh buồm”. Với niềm tin và chiến lược rõ ràng, VIMC bước sang tuổi 30 với nhiều mục tiêu và hoài bão to lớn để chinh phục.