Mua bảo hiểm cho thuyền viên nhưng không thể lơ là an toàn lao động

1/03/22 10:31 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Theo ông Dương Ngọc Tú, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Vinaship, dù mua bảo hiểm đầy đủ cho thuyền viên nhưng nếu không đảm bảo an toàn lao động thì sẽ ảnh hưởng đến ngày tàu vận doanh do các vấn đề quy trình thủ tục, làm lỡ kế hoạch của khách khàng và uy tín của Công ty.

Vừa qua, Công ty CP Vận tải biển Vinaship đã tổ chức Hội nghị Người lao động với sự tham dự của 71 đại biểu, trong đó 56 đại biểu dự trực tiếp, 15 đại biểu tham dự bằng hình thức trực tuyến.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Dương Ngọc Tú, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Năm 2021, tuy chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Công ty đã hoàn thành tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh, điều chỉnh tăng tiền lương cho người lao động, trong đó đặc biệt dành sự quan tâm hơn nữa đối với đội ngũ sĩ quan, thuyền viên – lực lượng lao động chủ chốt, đặc thù.

Mua bảo hiểm cho thuyền viên nhưng không thể lơ là an toàn lao động

Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Vinaship Dương Ngọc Tú báo cáo tại Hội nghị Người lao động

Trong công tác khai thác, Công ty đã làm tốt phương châm “lấy khách hàng làm trung tâm” nên đã duy trì được những khách hàng truyền thống và bổ sung những khách hàng mới. Về kỹ thuật – vật tư đã rút ngắn ngày tàu lên đà, góp phần làm tăng ngày tàu vận doanh và tăng cường tự sửa chữa trên tàu do thuyền viên thực hiện. Trong công tác tài chính kế toán đã nỗ lực làm việc với các tổ chức tài chính, ngân hàng để thực hiện hiệu quả tái cơ cấu…”.

Đóng góp vào kết quả chung, đội ngũ sĩ quan, thuyền viên của Công ty đã nỗ lực, quyết tâm vận hành an toàn, hiệu quả những con tàu, từ đó mang lại kết quả cao cho đơn vị. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình vừa chống dịch Covid-19, vừa vận chuyển hàng hóa, thuyền trưởng Vương Tuấn Anh – đại diện Khối Thuyền viên cho biết: “Nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao nhất là khâu làm thủ tục cho tàu cập cảng. Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, Ban chỉ huy tàu luôn yêu cầu thuyền viên tuân thủ nguyên tắc phòng, chống dịch khi tàu cập cảng. Ban chỉ huy tàu nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh tại khu vực tàu cập cảng thông qua đại lý. Mặc dù Cảng vụ cam kết khu vực tàu neo đỗ không có ca lây nhiễm nhưng tàu vẫn luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh. Ban chỉ huy tàu luôn nhắc nhở thuyền viên thực hiện nghiêm quy tắc 5K khi tiếp xúc với hoa tiêu, công nhân cảng, không lơ là, chủ quan”.

Mua bảo hiểm cho thuyền viên nhưng không thể lơ là an toàn lao động

Thuyền trưởng Vương Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị Người lao động của Công ty CP Vận tải biển Vinaship

Thuyền trưởng Vương Tuấn Anh cũng cảm ơn sự quan tâm kịp thời của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Công ty CP Vận tải biển Vinaship trong mùa dịch đã đồng hành, hỗ trợ sĩ quan, thuyền viên để anh em yên tâm công tác. Thuyền trưởng Vương Tuấn Anh cũng kiến nghị một số chế độ chính sách của công ty cho sĩ quan, thuyền viên như điều chỉnh tăng mức tiền ăn trên tàu theo từng tuyến tàu; sự chênh lệch về tiền lương của sĩ quan, thuyền viên đi tàu trong nước với đi tàu nước ngoài hoặc đi “đánh thuê”… Đặc biệt, Thuyền trưởng Vương Tuấn Anh kiến nghị cần xem xét đảm bảo bảo công bằng cho thuyền viên đi bờ tại các cảng cũng phải được đối xử như khách du lịch tại sân bay.

Mua bảo hiểm cho thuyền viên nhưng không thể lơ là an toàn lao động

Thuyền viên của Công ty CP Vận tải biển Vinaship sau khi hết hạn cách ly

Trong năm 2022, công ty đề ra 3 nhóm giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh gồm: Giải pháp về thị trường; giải pháp về tài chính, quản trị, đổi mới doanh nghiệp và giải pháp về nguồn nhân lực. Đối với các kiến nghị của đoàn viên, người lao động, sĩ quan, thuyền viên, lãnh đạo Công ty tiếp thu, ghi nhận, xem xét giải quyết và sẽ sớm có câu trả lời thỏa đáng để người lao động yên tâm công tác, gắn bó.

Theo Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Phan Linh, bên cạnh những nỗ lực, kết quả đạt được, Công ty cần thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục.

Đồng chí Lê Phan Linh đề nghị lãnh đạo Công ty cần chủ động, quyết liệt nhưng cũng phải linh hoạt trong thực hiện những nhóm giải pháp đã đề ra, trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề nguồn nhân lực sĩ quan, thuyền viên để đảm bảo vận hành đội tàu của công ty an toàn, hiệu quả. Trong các nội dung đó cần chú trọng đảm bảo an toàn lao động, an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Mua bảo hiểm cho thuyền viên nhưng không thể lơ là an toàn lao động

Đồng chí Lê Phan Linh – Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đồng chí yêu cầu Ban Chấp hành Công đoàn Công ty CP Vận tải biển Vinaship cần nhanh chóng nghiên cứu tổ chức những hoạt động thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tính chất lao động của công ty và diễn biến của dịch Covid-19 chứ không phải chỉ tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao. Công đoàn cần nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của sĩ quan, thuyền viên để cùng với chuyên môn giải quyết hài hòa, đảm bảo quyền lợi cho anh em.

Đối với người lao động, đồng chí mong muốn khi đã nhận nhiệm vụ là tư tưởng phải thông, luôn quyết tâm cao nhất để hoàn thành.

Đồng tình với những ý kiến của Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, ông Dương Ngọc Tú, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Vinaship còn xác định, đảm bảo an toàn lao động trên những con tàu sẽ là một trong những nhóm giải pháp được quyết liệt thực hiện trong năm 2022. Bởi lẽ, các tàu cho dù mua bảo hiểm đầy đủ cho thuyền viên nhưng nếu xảy ra tai nạn lao động (bất kể nặng hay nhẹ) chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ngày tàu vận doanh do các vấn đề về quy trình thủ tục, làm lỡ kế hoạch của khách hàng, ảnh hưởng đến uy tín của công ty.

Trong năm 2021, Công đoàn Công ty CP Vận tải biển Vinaship được Tổng LĐLĐ Việt Nam trao tặng Cờ thi đua xuất sắc.

CSAT