Phân cấp phân quyền mạnh cần đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra giám sát đối với NDDPV nhà nước của VIMC tại doanh nghiệp

23/02/21 10:42 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 18/8/2020. Bước sang hoạt động theo mô hình mới, VIMC cần xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, đổi mới hệ thống quản lý nhằm đáp ứng các thông lệ tốt trên thế giới về quản trị doanh nghiệp. Quy chế quản lý và hoạt động Người đại diện phần vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP tại doanh nghiệp có vốn góp (NĐDPV) được sửa đổi theo hướng tăng quyền tự quyết, phân quyền mạnh mẽ sẽ giúp cho NĐDPV đưa ra các quyết định nhanh chóng, kịp thời, giảm thiểu các thủ tục hành chính nhằm tăng cường tính hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, song song với việc phân cấp, phân quyền cho NĐDPV thì công tác kiểm tra, giám sát đối với NĐDPV cần phải được nâng cao, chú trọng hơn trước nhằm đảm bảo những NĐDPV thực thi đúng chức trách, nhiệm vụ của mình trên cơ sở chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước và tuân thủ theo các quyết định của chủ sở hữu là Tổng công ty.

Nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát đối với NĐDPV

1. Kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của NĐDPV trên các lĩnh vực: quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước; sắp xếp, đổi mới, kiện toàn tổ chức, hoạt động của doanh nghiêp; Tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động, đánh giá, khen thưởng, kỉ luật, chính sách, tiền lương, tiền thưởng và các chế độ chính sách khác đối với người quản lý doanh nghiệp, người đại diện và người lao động tại các doanh nghiệp…

2. Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quyết định của NĐDPV đối với chủ sở hữu là Tổng công ty: thực hiện các chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đã được phê duyệt; Phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ, tăng giảm vốn điều lệ, mua bán tài sản, góp vốn…; Tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể, yêu cầu phá sản…; Các giải pháp phát triển thị trường, tiếp thị, công nghệ; tuyển dung, quản lý, sử dụng, thực hiện chế độ, chính sách, đánh giá hoạt động, khen thưởng, kỉ luật đối với người quản lý doanh nghiệp và người lao động…

3. Những nội dung khác theo yêu cầu của Tổng công ty..

Một số giải pháp chủ yếu cần thực hiện đồng bộ

1. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát đối với NĐDPV của Tổng công ty. Các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ cần chủ động, tích cực phối hợp với nhau để phát hiện, phòng ngừa và ngăn chặn khả năng sai sót, vi phạm nếu có của NĐDPV.

2. Xây dựng, hoàn thiện, bổ sung các quy chế, quy định, quy trình, biểu mẫu, công cụ, sổ tay, hướng dẫn nghiệp vụ, chỉ tiêu… phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát..

3. Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, tăng cường nhân lực thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, chế độ chính sách theo quy định…

4. Hoạt động kiểm tra, giám sát NĐDPV và các doanh nghiệp cần được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, khoa học dựa trên nguyên tắc minh bạch, kịp thời, đầy đủ và chính xác của thông tin ở mọi cấp độ và theo thông lệ quốc tế phù hợp để hỗ trợ lãnh đạo Tổng công ty trong quá trình ra quyết định và chỉ đạo.

5. Để đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát cần tiến hành xây dựng mục tiêu kiểm tra, các hạng mục kiểm tra, tiêu chí kiểm tra, đánh giá, xây dựng các chỉ số đo lường kết quả, chấm điểm và đánh giá hiệu quả… Xây dựng kế hoạch và lộ trình hiện đại hóa, công nghệ hóa công tác kiểm tra, giám sát…

Toàn văn Nghị quyết số 286/NQ-ĐU ngày 22/02/2021 của Đảng ủy Tổng công ty Hàng hải Việt Nam về công tác kiểm tra, giám sát đối với Người đại diện phần vốn góp của Tổng công ty tại các doanh nghiệp có vốn góp của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – CTCP xem tại đây

TGTT