Việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động cảng biển là một xu hướng không thể thiếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ngày càng phát triển. Để nắm bắt được những cơ hội và thách thức trong việc chuyển đổi số, ngày 19/5, dưới sự trủ chì của Phó Tổng giám đốc Lê Quang Trung, Tổng công ty hàng hải Việt Nam (VIMC) đã tổ chức cuộc họp, thảo luận về áp dụng công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động cảng biển VIMC. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Ban Cảng biển và Dịch vụ Hàng hải, Giám đốc Trung tâm CNTT, đại diện từ các cảng biển trực thuộc VIMC; Các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin là Mobifone và Huawei.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc Lê Quang Trung cho biết, với việc đang quản lý hệ thống 16 cảng biển trải dài trên cả nước, VIMC đã chủ động thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cảng biển, thích ứng với tình hình biến động thời gian qua. Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao hiệu suất hoạt động cảng và đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng, việc tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ và chuyển đổi số là đặc biệt quan trọng. Hiện VIMC đã có kế hoạch và chiến lược để thực hiện việc chuyển đổi số một cách toàn diện và hiệu quả.
Chia sẻ thông tin về những ứng dụng và hình thức chuyển đổi số đã được VIMC triển khai, Giám đốc Trung tâm CNTT VIMC Lê Đông cho biết, VIMC đã xây dựng chương trình Chuyển đổi số triệt để, đồng bộ với mục tiêu là phát triển hệ sinh thái tích hợp kết nối hoạt động vận tải biển, cảng biển và dịch vụ logistics thông qua chuyển đổi số. Điều này thể hiện qua việc VIMC áp dụng hệ thống báo cáo thông minh MIS-BI, giúp đánh giá, cải thiện và tối ưu hóa khả năng cũng như quy trình hoạt động của tổ chức trên các lĩnh vực tài chính, kinh doanh, khách hàng, sản xuất, lao động, đầu tư. Triển khai phần mềm cảng điện tử E-Port (Dịch vụ cảng điện tử) tại các đơn vị thành viên như: Cảng Hải Phòng, Đà Nẵng; cổng Online Booking (hệ thống đặt chỗ trực tuyến) cho các đơn vị kinh doanh vận tải, khai thác tàu container…; số hóa hoàn toàn nghiệp vụ như quản lý thông tin chỗ, báo cước, tra cứu thông tin hàng hóa, chăm sóc khách hàng… Hiện tại VIMC đang tập trung vào xây dựng hệ thống tổng hợp và khai thác dữ liệu lớn (Big data) và phát triển nguồn lực công nghệ thông tin theo hướng tập trung và chuyên môn hóa trong tương lai.
Tại cuộc họp, đại diện Huawei chia sẻ các giải pháp và ví dụ minh họa cụ thể tại các cảng đã áp dụng chuyển đổi số thành công. Công nghệ Huawei áp dụng hướng đến tự động hóa, giảm chi phí, tăng hiệu quả khai thác cảng và hướng tới cảng xanh, thông minh. Với những năng lực về công nghệ của mình, Huawei mong muốn hợp tác với VIMC thực hiện nhanh chóng chiến lược chuyển đổi số cho lĩnh vực cảng biển và logistics.
Đại diện từ các cảng VIMC, đã đặt ra các câu hỏi về hệ thống mạng 5G và thiết bị Huawei trong hoạt động cảng biển, khả năng tương thích khi áp dụng vào hệ thống cảng VIMC. Đại diện Cảng Đà Nẵng đề xuất Mobifone triển khai hệ thống mạng 5G tại cảng Đà Nẵng để tạo ra một cơ sở hạ tầng mạng thông tin mạnh mẽ, hỗ trợ các hoạt động vận hành và quản lý của cảng. Đai diện Mobifone cho biết sẽ sớm khảo sát thực địa tại cảng Đà Nẵng và Cảng Hải Phòng để triển khai hệ thống mạng 5G tại cảng.
Cuộc họp đã giúp các bên nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số trong hoạt động cảng biển và sẵn sàng cùng nhau hợp tác để đạt được mục tiêu chung: “Tạo ra một hệ thống cảng VIMC hiện đại, thông minh và hiệu quả trong việc vận chuyển hàng hóa và phục vụ khách hàng”. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng VIMC đang nỗ để trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực cảng biển và logistics tại Việt Nam.