Nói về khó khăn thị trường của các doanh nghiệp vận tải biển, người trong cuộc cũng như các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập hơn chục năm nay. Dẫn chứng số liệu sản xuất kinh doanh chỉ làm chúng ta đặt thêm câu hỏi “Tại sao đến giờ này các doanh nghiệp vận tải biển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vẫn còn sống sót được trước những con sóng lớn đến thế?”
Muốn tái cơ cấu đội tàu tuổi cao cũng không dễ
Nói thị trường vận tải biển khó khăn, điều này chỉ đúng một phần và mang tính thời điểm. Khi thị trường xuống một mức mới thì cũng tạo lập một suất đầu tư mới phù hợp với mặt bằng cước và chi phí của nó. Đội tàu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam được đầu tư vào thời điểm nóng của thị trường hàng hải giai đoạn 2005 – 2010, kể cả những con tàu phải đầu tư để “cứu Vinashin”, nên giá trị khấu hao còn lại rất lớn.
“Ôm” một đống tài sản có giá trị sổ sách khủng này, chẳng có phép thần nào có thể mang lại sự cân bằng tài chính, nói gì đến lãi khi mà cước vận tải biển giảm trung bình hơn một nửa so với trước. Một con tàu là tài sản của doanh nghiệp có vốn nhà nước bán đi đã khó huống hồ nó được hình thành từ vốn vay có nhiều điều kiện ràng buộc với tổ chức tín dụng, chưa kể giá trị sổ sách còn lại không tương ứng với giá trị thực tế trên thị trường. Và như thế, bán tàu để cắt lỗ rồi đầu tư tàu khác là việc không dễ thực hiện trong thực tế hiện nay đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Cái khó ló cái khôn
Trước đây, các doanh nghiệp vận tải tư nhân không thể so được với các doanh nghiệp nhà nước cả về con người và tài sản. Giờ đây, tình hình đã thay đổi, các doanh nghiệp tư nhân với cơ chế linh hoạt, nguồn tài chính mạnh có thể quyết định rất nhanh mọi vấn đề phù hợp với sự biến động của thị trường, nhất là thị trường vận tải biển vốn lên xuống thất thường. Các doanh nghiệp có vốn nhà nước do vướng cơ chế, xoay sở chậm chạp hơn nên bắt buộc phải tìm một hướng đi cho riêng mình nếu như không muốn “chết chìm”.
Phương thức thuê tàu ngoài đã được các doanh nghiệp vận tải biển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thực hiện khá hiệu quả trong vài năm gần đây. Có hai yếu tố quan trọng có tính cốt lõi để triển khai hiệu quả phương thức này đó là “thương hiệu” và kinh nghiệm khai thác tàu biển.
Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) – “anh cả đỏ” một thời của vận tải biển trong nước, là một trong số những đơn vị tiêu biểu cho cách làm ấy. Hiện nay, VOSCO đang khai thác đội tàu hàng khô và hàng rời chuyên dụng gồm 14 chiếc với trọng tải từ 6.500 DWT đến 56.472 DWT trong đó những tàu cốt lõi gồm 4 tàu cỡ Supramax, 5 tàu Handysize… phần lớn được đóng ở các xưởng đóng tàu của Nhật Bản, hoạt động trên phạm vi toàn thế giới.
Những năm qua, VOSCO đã áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện doanh thu và kiểm soát chi phí như tăng khả năng quay vòng vốn, giảm thời gian chạy rỗng. Bên cạnh đó còn tăng cường kiểm soát chi phí nhiên liệu, phụ tùng, vật tư, sửa chữa nhằm nâng cao hiệu quả khai thác chung cho toàn đội tàu.
Ngoài đội tàu hiện có, thời gian qua VOSCO thường xuyên thuê ngoài từ 5 – 7 tàu để khai thác theo nhiều hình thức như: thuê định hạn, thuê tàu trần, thuê chuyến… với nhiều loại tàu (tàu hàng khô, tàu hàng rời supramax, tàu container…). Đẩy mạnh phương thức thuê tàu ngoài đã giúp Công ty tăng doanh thu đáng kể. Việc tăng doanh thu không những đem lại lợi nhuận mà còn gia tăng quỹ lương, đảm bảo thu nhập cho đội ngũ thuyền viên, duy trì được hệ thống quản lý cùng các cán bộ có bề dày kinh nghiệm tiếp tục gắn bó với Công ty. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu trong bất kỳ một công ty vận tải biển nào.
Theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị VOSCO Bùi Việt Hoài cho biết “Thực hiện chủ trương chung của Công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, VOSCO tiếp tục tái cơ cấu tài chính, sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh giảm và chuyên môn hóa cao. Công ty tập trung tìm kiếm các hơp đồng COA, vận tải hai chiều, liên kết các doanh nghiệp vận tải biển theo mô hình Consortium với phương châm làm bài bản, chắc chắn. Trong đó, phương thức thuê tàu ngoài sẽ được Công ty đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới”.