Ngày 21/10/2020, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã tổ chức Hội thảo khai thác tàu biển năm 2020 với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp vận tải biển thành viên. Đồng chí Đỗ Hùng Dương, Ủy viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Hảng hải Việt Nam đã tham dự Hội thảo.
Đồng chí Bùi Việt Hoài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty chủ trì Hội thảo
Hội nghị đã thảo luận về các giải pháp thực hiện để đối phó với dịch bệnh Covid-19 trong công tác thị trường và khai thác tàu. Tùy tình hình thực tế của mỗi đơn vị, các doanh nghiệp vận tải biển đã triển khai một số giải pháp cụ thể để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh như: theo dõi chặt chẽ diễn biến của thị trường và dịch bệnh, tập trung rà soát đàm phán với các nhà cung ứng nhằm cắt giảm chi phí, lựa chọn phương thức thay thế thuyền viên, điều chỉnh giảm giá cước trên các tuyến để đồng hành, chia sẻ cùng khách hàng, nghiên cứu, đàm phán, trao đổi với các cảng biển để giảm biểu phí xếp dỡ và các chi phí khác liên quan, đánh giá các lĩnh vực kinh doanh mới khả thi…
Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp vận tải biển cũng thảo luận, đánh giá và chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động thuê tàu ngoài trong thời gian qua của các doanh nghiệp và những giải pháp nhằm tăng cường hoạt động này trong thời gian tới.
VIMC hiện đang quản lý và khai thác một đội tàu biển có tổng trọng tải khoảng 2 triệu tấn, gồm các tàu vận chuyển hàng rời, tầu chở dầu và tàu container. Đội tàu của VIMC chiếm khoảng 20% tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia, hàng năm chuyên chở tới 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam góp phần vào việc mở rộng giao thương của Việt Nam tới rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Định hướng phát triển đến năm 2030:
Chuyển hướng kinh doanh và tập trung vào phân khúc thị trường sinh lời như vận tải nội địa hoặc thị trường mang lại hoạt động ổn định và phát triển bền vững cho doanh nghiệp như thực hiện các Dự án COA.
– Mở rộng hoạt động trên các tuyến liner trong khu vực; đáp ứng yêu cầu feeder cho các tàu mẹ vào cảng trung chuyển khu vực Cái Mép – Thị Vải và đến các trung tâm trung chuyển khác trong khu vực.
– Phát triển thị trường có tiềm năng như: vận tải bằng xà lan khu vực đồng bằng sông Cửu Long, vận tải Ro-Ro góp phần giảm tải cho Quốc lộ 1 và đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng, các xe chở container, làm tăng lựa chọn cho người có nhu cầu vận chuyển.
– Phát triển dịch vụ quản lý tàu thuê cho các công ty bên ngoài.
TGTT