Chi phí đầu vào tạo áp lực tới kinh doanh vận tải

19/11/19 7:58 AM

Chi phí đầu vào tăng khiến các doanh nghiệp vận tải đang gánh nặng khó khăn. Nhiều doanh nghiệp trong ngành cho rằng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để qua đó hạ được giá thành vận chuyển, tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.

chi phí hàng đầu đối với doanh nghiệp vận tải là chi phí nhiên liệu, phí cầu đường, chi phí không chính thức, chi phí lãi vay và lương lái xe.

Cần xây dựng khung giá sàn

Theo đánh giá của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân tác động làm cho giá cước vận tải của doanh nghiệp tăng. Trong đó có những yếu tố khách quan như giá xăng dầu tăng cao (chiếm đến 45% chi phí vận chuyển) và một số khoản phụ phí đi kèm như phí cầu đường chiếm 10-20%, các chi phí dịch vụ cảng biển như phí CFS (hàng lẻ), phí lưu kho bãi, lưu container, phí nâng hạ container, phí điều hành bến bãi, phí vệ sinh container, phí đại lý… Bên cạnh đó, tình trạng hạ tầng giao thông có nơi còn yếu kém, có nhiều đoạn tuyến bị quá tải và tắc nghẽn khiến việc lưu thông của xe chậm hơn, đồng thời cũng làm hao phí nhiên liệu, xe xuống cấp nhanh, khấu hao cao.

Ông Phạm Đình Thăng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải và Dịch vụ Decam cho biết, nguyên tắc của tính cước vận tải là nếu giá xăng dầu tăng, giảm 10% thì cước vận tải sẽ tăng, giảm 3% – 4% tương ứng. Hiện nay đối với từng đơn hàng, doanh nghiệp thường chỉ chào hàng giá tổng thể trong đó đã bao gồm tất cả các chi phí phụ phí như xăng dầu, phí cầu đường. Do cách tính giá dịch vụ vận chuyển gộp cả giá xăng dầu nên rất dễ bị động, bởi không phải cứ giá xăng dầu tăng thì doanh nghiệp có thể điều chỉnh cước phí vận tải được ngay lập tức. Nhiều đơn vị rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” khi tăng giá thì dễ mất khách hàng, không tăng thì chịu lỗ do sức ép từ giá xăng dầu lên chi phí đầu vào.

Rất nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn cách vận chuyển quá tải trọng để giảm chi phí, tuy nhiên điều này cũng đi kèm với việc gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên đường và ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của hàng hóa. Đây là hành động thể hiện tinh thần cạnh tranh không lành mạnh trong doanh nghiệp, vô tình tạo nên một “cuộc chiến” không lành mạnh trong bối cảnh thị trường vận tải vẫn luôn chật chội và đông đúc.

Để giảm chi phí cho doanh nghiệp vận tải mà vẫn đảm bảo được sự cạnh tranh lành mạnh, chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên cho rằng, đối với các doanh nghiệp vận tải có đầu tư bài bản, có lượng phương tiện nhiều thì cần có sự đầu tư về nhân sự, quản lí để cải thiện chất lượng dịch vụ được tốt hơn. Bên cạnh đó cần đưa giá sàn áp dụng vận tải hàng hóa vào hoạt động, triển khai xây dựng khung giá cước của từng phương thức vận tải và đưa ra các tiêu chí đảm bảo kết nối giữa các phương thức vận tải, tránh tình trạng đầu tư ồ ạt, phong trào… Có như vậy, doanh nghiệp vận tải mới tăng được sự cạnh tranh và chủ động về giá.

Liên kết để nối chuyến

Một thực trạng nữa hiện nay khiến chi phí của doanh nghiệp vận tải cao là do đa số doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa quy mô còn nhỏ lẻ, thực hiện giao dịch qua trung gian khiến nhiều chi phí phát sinh. Kết quả khảo sát của Ngân hàng Thế giới (WB) về tăng cường ngành vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam thực hiện khảo sát với 150 công ty vận tải đường bộ và hơn 1.400 lái xe cho thấy, 5 chi phí hàng đầu đối với doanh nghiệp vận tải là chi phí nhiên liệu, phí cầu đường, chi phí không chính thức, chi phí lãi vay và lương lái xe.

Hàng loạt yếu tố đầu vào tăng đã khiến giá cước vận tải tăng, trong khi đó quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún. Số lượng xe tải trung bình của mỗi công ty vào khoảng 5 xe và có gần 80% trong tổng lượng xe tải trên toàn quốc là xe từ 5 đến 10 tấn cũng là nguyên nhân gây ách tắc giao thông và gia tăng chi phí. Bởi theo tính toán, xe tải nhỏ kém hiệu quả hơn 75% so với xe tải hạng nặng xét về chi phí vận hành và lượng phát thải khí nhà kính…

Ngoài ra, việc thiếu một thị trường trung gian môi giới trên phạm vi toàn quốc nhằm kết nối hiệu quả các dịch vụ vận tải hiện có với nhu cầu của khách hàng tiềm năng. Do đó, tỷ lệ xe tải chạy không chiều về lên tới 50%. Tình trạng này, được gọi là “xe chạy không tải chiều về”, có tác động trực tiếp đến chi phí vận chuyển. Hơn nữa, hiện nay việc sử dụng công nghệ để kết nối cung với cầu còn hạn chế.

Sự biến động của thị trường dẫn đến việc các doanh nghiệp vận tải phải đối mặt với việc cắt giảm chi phí để phát triển một cách toàn diện hơn, chính vì vậy đối với các doanh nghiệp vận tải nhỏ, có chi phí đầu tư ít thường sẽ tính đến việc liên kết và ghép tuyến với nhau để tận dụng được hết các chi phí.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Công ty Vận tải và Dịch vụ Anh Đức cho biết, ưu thế sẽ nghiêng về doanh nghiệp vận tải nào có chất lượng dịch vụ tốt và giá cả hợp lí,… Do vậy, thông thường chúng tôi sẽ sắp xếp các đơn hàng vận chuyển nối chuyến với nhau để tránh tình trạng “xe rỗng” khi trở về nhất là đối với một số tuyến dài như Hà Nội – Tây Nguyên hay Hà Nội – Điện Biên… Nhờ đó giá dịch vụ vận chuyển của các tuyến sẽ được giảm đáng kể.

Báo Hải quan