Ngày 24 tháng 9 năm 2024, tại Hà Nội, Hiệp hội chủ tàu Việt Nam (VSA) đã có buổi làm việc với Đại sự quán Đan Mạch, tiếp đoàn có Phó Tổng giám đốc VIMC Lê Quang Trung; Phó Tổng Thư ký hiệp hội chủ tàu Việt Nam Trần Mạnh Hà và đại diện lãnh đạo các Ban CMNV của VIMC.
Về phía Đại Sứ quán Đan Mạch có Ngài Lasse Pedersen Hjortshøj, Tham tán thương mại; Bjarke Wiehe Bøtcher, Giám đốc quan hệ quốc tế của Hiệp hội Hàng hải Đan Mạch và Phan Tôn Nữ Khánh Trâm, Cố vấn thương mại và đầu tư.
Trong buổi tiếp, Phó Tổng giám đốc Lê Quang Trung bày tỏ sự vui mừng khi đón tiếp đoàn Đại sứ quán Đan Mạch và Hiệp hội Hàng hải Đan Mạch đến thăm VIMC. Phó Tổng giám đốc Lê Quang Trung đã chia sẻ về chiến lược phát triển tổng thể của VIMC giai đoạn 2021-2035, nhấn mạnh rằng VIMC sẽ tập trung xây dựng một hệ sinh thái logistics tích hợp, dựa trên ba trụ cột: cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải. Trong đó, cảng biển đóng vai trò cốt lõi, còn vận tải biển, đặc biệt là vận tải container, giữ vai trò kết nối, tạo ra chuỗi dịch vụ logistics toàn diện. Để hiện thực hóa chiến lược này, VIMC đang đẩy mạnh đầu tư vào cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế, phát triển đội tàu container sử dụng nhiên liệu xanh và xây dựng các trung tâm logistics hiện đại.
Đánh giá cao tiềm năng hợp tác giữa VIMC, VSA và các doanh nghiệp Đan Mạch, Phó Tổng giám đốc Lê Quang Trung bày tỏ kỳ vọng buổi làm việc này sẽ là bước khởi đầu quan trọng để chuyển hóa các cơ hội hợp tác thành những dự án cụ thể, góp phần vào sự phát triển chung của ngành hàng hải cả hai nước
Đại diện Hiệp hội Hàng hải Đan Mạch, ông Bjarke Wiehe Bøtcher đã giới thiệu về vai trò của tổ chức này như một đại diện cho ngành vận tải biển của Đan Mạch, một trong những nền kinh tế hàng hải lớn nhất thế giới với hơn 2000 tàu thương mại. Đặc biệt, ông nhấn mạnh vào các thành tựu về công nghệ hàng hải tiên tiến và thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp Đan Mạch. Với thế mạnh này, Hiệp hội Hàng hải Đan Mạch mong muốn tham gia vào lĩnh vực đóng mới, nâng cấp và sửa chữa tàu biển tại Việt Nam, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường quốc tế.
Phó Tổng Thư ký VSA,Trần Mạnh Hà đã chia sẻ về cấu trúc và hoạt động của Hiệp hội. Các hội viên của VSA bao gồm các doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong nhiều lĩnh vực hàng hải như vận tải biển, đào tạo nhân lực, và dịch vụ kỹ thuật… VSA đang nỗ lực thực hiện các biện pháp để phát triển đội tàu Việt Nam và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia các công ước quốc tế, Hiệp định vận tải song phương, đa phương và hỗ trợ thủ tục pháp lý để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đại lý ra nước ngoài.
Theo ông Trần Mạnh Hà, khi Việt Nam mở rộng mạng lưới đại lý ra nước ngoài, các hãng tàu trong nước mới có cơ hội mở rộng các tuyến vận tải vươn ra nước ngoài.
Tại buổi làm việc các bên thống nhất đây là bước khởi đầu quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác phát triển giữa Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam,VIMC và Hiệp hội Hàng hải Đan Mạch. Các bên cam kết sẽ tiếp tục tổ chức, phối hợp các hoạt động giữa các hội viên, nhằm gia tăng lợi ích chung và góp phần phát triển bền vững cho ngành vận tải biển và kinh tế hàng hải của cả hai quốc gia.
Sự hợp tác này không chỉ hứa hẹn mang lại những lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp thành viên của hai hiệp hội, mà còn mở ra tiềm năng hợp tác rộng lớn giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt là trong việc phát triển công nghệ hàng hải xanh và thân thiện với môi trường.