1.Quy định về đặt cọc mua cổ phần bán lần đầu của DNNN
Ngày 11/04/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 21/2019/TT-BTC hướng dẫn việc bán cổ phần lần đầu và chuyển nhượng vốn Nhà nước theo phương thức dựng sổ.
Theo Thông tư, tiền đặt cọc của nhà đầu tư (NĐT) được quản lý như sau:
– NĐT công chúng phải nộp tiền đặt cọc bằng 10% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá mở sổ.
– Đối với NĐT chiến lược, số tiền đặt cọc, ký quỹ phải bằng 20% giá trị CP đăng ký mua, tính theo giá khởi điểm trong phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt.
– Tiền đặt cọc sẽ được trừ vào tổng số tiền phải thanh toán mua cổ phần; nếu số tiền đặt cọc lớn hơn số tiền cần thanh toán thì phần chênh lệch sẽ trả lại cho NĐT trong vòng 03 ngày sau khi kết thúc thời hạn thanh toán.
– Thời hạn thanh toán là 10 ngày, kể từ ngày công bố kết quả dựng sổ.
– Trường hợp NĐT không thanh toán đủ tiền mua cổ phần đúng hạn, NĐT sẽ không được trả lại tiền đặt cọc.
Thông tư 21/2019/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 03/6/2019 và hướng dẫn cho Nghị định 91/2015/NĐ-CP về việc đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và Nghị định 126/2017/NĐ-CP về chuyển đổi doanh nghiệp Nhà nước.
2.6 trường hợp chứng khoán bị huỷ đăng ký giao dịch trên sàn UpCom
Ngày 15/3/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 13/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán (CK) trên hệ thống giao dịch cho CK chưa niêm yết.
Theo đó, bổ sung 02 trường hợp CK bị huỷ đăng ký giao dịch trên sàn UpCom (nâng tổng số lên thành 06 trường hợp), bao gồm:
– DN cổ phần hóa theo phương thức chào bán CK ra công chúng, đã đăng ký giao dịch trên sàn Upcom và được cấp GCN đăng ký doanh nghiệp sẽ bị hủy đăng ký giao dịch sau 01 năm kể từ ngày không đáp ứng điều kiện sau:
– Điều kiện về vốn hoặc cổ đông theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 25 Luật Chứng khoán hoặc cả hai điều kiện trên.
– DN cổ phần hóa đã đăng ký giao dịch trên sàn Upcom và được cấp GCN đăng ký DN trước ngày 01/5/2019 sẽ bị hủy đăng ký giao dịch trong vòng 01 năm kể từ ngày 01/5/2019 nếu không đáp ứng điều kiện về vốn hoặc cổ đông theo quy định tại điểm đ Khoản 1 Điều 6 Thông tư 180.
Ngoài ra, Thông tư cũng sửa đổi quy định về:
– Thời hạn đăng ký giao dịch: Trong vòng 30 ngày kể từ ngày kết thúc đợt chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định pháp luật về chứng khoán, công ty đại chúng chưa niêm yết chứng khoán phải hoàn tất việc đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch trên Hệ thống giao dịch Upcom.
– Thời hạn chấp nhận đăng ký giao dịch chứng khoán của doanh nghiệp. Cụ thể: Trong vòng 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội yêu cầu cá nhân, tổ chức đăng ký giao dịch sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc cấp Quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch và công bố thông tin ra thị trường. Sở giao dịch phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do nếu không chấp thuận.
Thông tư 13/2019/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/5/2019.
3.04 tiêu chí phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ tư vấn DN vừa và nhỏ
Ngày 29/03/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 06/2019/TT-BKHĐT hướng dẫn Quy chế tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên.
Theo đó, hồ sơ đề nghị hỗ trợ tư vấn được đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa xem xét, phê duyệt dựa trên các tiêu chí:
– Doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng tiêu chí quy định tại Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
– Tổ chức, cá nhân tư vấn thuộc mạng lưới tư vấn viên.
– Kinh phí đề xuất phù hợp với mức hỗ trợ quy định tại Điều 13 Nghị định 39.
– Nội dung Biên bản thỏa thuận dịch vụ tư vấn tuân thủ quy định, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.
Quyết định phê duyệt hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu rõ mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, số tiền miễn, giảm phí tư vấn của hợp đồng tư vấn.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/05/2019 và hướng dẫn cho Nghị định 39/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
4.Tăng lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng/tháng
Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được Chính phủ ban hành ngày 09/05/2019.
Theo đó, lương cơ sở sẽ tăng thêm 100.000 đồng so với quy định hiện hành lên mức 1.490.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2019.
Mức lương này sẽ dùng làm căn cứ tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định đối với các đối tượng sau:
– Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã và viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định;
– Người làm việc theo chế độ HĐLĐ xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP được quy định tại Nghị định 68/2000/NĐ-CP và Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, binh sĩ, chiến sĩ nghĩa vụ,…trong QĐND và CAND;
– Người làm việc trong tổ chức cơ yếu;
– Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn và tổ dân phố.
Nghị định 38/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2019 và thay thế Nghị định 72/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018.
5.Thêm trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ VN
Ngày 29/3/2019, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 03/2019/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 32/2013/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ VN.
Theo đó, thêm trường hợp được sử dụng ngoại hối là nhà đầu tư nước ngoài được đặt cọc, ký quỹ ngoại tệ chuyển khoản khi tham gia đấu giá như sau:
– Mua cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa được TTCP phê duyệt;
– Mua cổ phần, phần vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn được TTCP phê duyệt;
– Mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác thực hiện thoái vốn được TTCP phê duyệt.
Thông tư 03 có hiệu lực từ ngày 13/5/2019.
6.Rút ngắn thời gian bồi dưỡng nghiệp vụ của luật sư từ 05/5/2019
Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BTP về việc quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư ngày 15/03/2019.
Theo đó, thời gian tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư chỉ còn tối thiểu là 08 giờ/năm (hiện hành là 16 giờ làm việc/năm).
Đồng thời, luật sư được tính quy đổi thời gian tham gia bồi dưỡng trong năm đó khi thuộc một trong các trường hợp đơn cử như sau:
– Viết bài nghiên cứu pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong nước hoặc nước ngoài;
– Tham gia giảng dạy các khóa bồi dưỡng hoặc trao đổi kinh nghiệm hành nghề luật sư theo quy định;
01 lần tham gia bồi dưỡng quy đổi và hoàn thành được tính bằng 08 giờ thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/05/2019.
7.Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung
Ngày 22/4/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 24/2019/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 04/2019/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Theo đó, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của Cục, Vụ và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc Bộ, cơ quan trung ương quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định 04 được xác định như sau:
– Đối với nhóm đơn vị có số biên chế
dưới 50 người/01 đơn vị, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được
xác định theo công thức:
Định mức xe = Số lượng đơn vị có số biên chế dưới 50 người (đơn vị) chia
2, nếu có kết quả dư bằng 0,5 thì làm được làm tròn thêm 01 xe.
– Đối với nhóm đơn vị có số biên chế từ 50 người trở lên/01 đơn vị: Định mức xe ô tô bằng số lượng đơn vị.
– Nhóm đơn vị mà trụ sở làm việc không nằm chung địa bàn tỉnh, Thành phố với trụ sở Bộ, cơ quan trung ương, định mức xe ô tô tối đa là 01 xe/01 đơn vị.
Trường hợp trụ sở đơn vị đóng trên địa bàn miền núi, hải đảo, nơi có điều kiện KT –XH ĐBKK hoặc đơn vị có phạm vi quản lý trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên có thể xem xét tối đa 02 xe/01 đơn vị.
Thông tư 24/2019/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 06/6/2019.
8.Quy định về xử lý kỷ luật với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo
Ngày 10/4/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.
Theo đó, hình xử lý kỷ luật với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo trong trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật như sau:
– Xử lý kỷ luật khiển trách:
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc giải quyết tố cáo để thực hiện hành vi trái pháp luật;
+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo dẫn đến việc người tố cáo bị trả thù, trù dập.
– Xử lý kỷ luật cảnh cáo:
+ Tiết lộ họ, tên, địa chỉ, bút tích của người tố cáo và những thông tin khác làm lộ danh tính của người tố cáo;
+ Cố ý không thụ lý tố cáo, không ban hành kết luận nội dung tố cáo; không quyết định xử lý tố cáo theo thẩm quyền hoặc không kiến nghị người có thẩm quyền xử lý tố cáo.
– Xử lý kỷ luật cách chức :
+ Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội;
+ Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; bao che cho người bị tố cáo gây mất ổn định, an ninh, trật tự xã hội.
Nghị định 31/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 28/5/2019.
9. Nợ phải phân loại theo quy định của Ngân hàng phát triển Việt Nam
Ngày 29/3/2019, Ngân hành nhà nước ban hành Thông tư 04/2019/TT-NHNNsửa đổi Thông tư 24/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có và cam kết ngoại bảng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Theo đó, sửa đổi điều khoản quy định về đối tượng điều chỉnh của Thông tư, cụ thể, kể từ ngày 15/5/2019, nợ phải được phân loại quy định tại Thông tư này bao gồm:
– Cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước;
– Cho vay tín dụng xuất khẩu của NN theo hợp đồng ký kết trước thời điểm Nghị định 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước có hiệu lực;
– Cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;
– Ủy thác cho vay;
– Cho vay khác;
– Các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng.
Thông tư 04/2019/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2019.