Vài nét về FIATA
FIATA là tên gọi viết tắt từ tiếng Pháp của Liên đoàn Các hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (Fédération Internationale des Associations de Transitaires et Assimilés), tên chính thức bằng tiếng Anh là “International Federation of Freight Forwarders Associations”. Với nhiệm vụ chính là hình thành tiêu chuẩn nghề nghiệp và nâng cao năng lực quản lý, FIATA đã không ngừng đổi mới và phát triển. Slogan của FIATA là “Global Voice of Freight Logistics”.
Thành lập năm 1926, trong nhiều năm qua, FIATA đã trở thành người đại diện cho giới cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp toàn cầu. Thành viên của FIATA chủ yếu là các Hiệp hội Giao nhận và Logistics của các quốc gia. Hiện tại, Liên đoàn có khoảng 40.000 thành viên tại hơn 150 quốc gia. Ngoài ra, với lịch sử 92 năm hình thành, FIATA hiện đang đảm nhận chức vụ tư vấn cho Hội đồng Kinh tế và Xã Hội (ECOSOC) của Liên hiệp quốc (bao gồm ECE, ESCAP, ESCWA); Hội nghị của Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và Uỷ ban Liên hiệp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL).
Theo thường lệ vào quý 4 hàng năm, FIATA tổ chức hội nghị toàn thế giới của mình. Đây là dịp để đại diện các Hiệp hội Giao nhận Vận tải và Logistics các quốc gia cùng với giới doanh nghiệp giao nhận, vận tải, dịch vụ logistics toàn cầu có dịp trao đổi, thảo luận về các vấn đề chính yếu của ngành, trong đó các chủ đề lớn luôn được quan tâm bao gồm: vận tải hàng không, vận tải đa phương thức, an ninh, luật pháp, đào tạo nghề nghiệp, hàng hóa nguy hiểm và vấn đề hải quan.
Những kết luận của Hội nghị có giá trị pháp lý ở tầm quốc tế và được nhìn nhận bởi các tổ chức liên quan như: Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), Liên hiệp Vận tải Đường bộ Quốc tế (IRU), Liên hiệp Đường Sắt Quốc tế (UIC) và các cơ quan của Liên Hợp Quốc như UNCTAD – Hội nghị Thương mại và Phát triển, UNCITRAL – Ủy ban Luật pháp Quốc tế, ECOSOC – Ủy ban Kinh tế – Xã hội.
Mỗi năm FIATA tổ chức sự kiện long trọng này tại một Châu lục khác nhau, ngoài chức năng giải quyết các vấn đề của ngành một cách chính tắc theo luật pháp quốc tế, đây còn là cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, tạo “network” để hợp tác kinh doanh. Hầu hết các chủ tịch hiệp hội logistics, chủ tịch và CEO của các công ty logistics lớn đều dành thời gian tham gia sự kiện.
FIATA WORLD CONGRESS 2019
FIATA WORLD CONGRESS 2019 (FWC2019) là Hội nghị thường niên của FIATA, được tổ chức từ ngày 1-5/10/2019 tại thành phố Cape Town, Nam Phi với chủ đề “Nơi gặp gỡ của ngành logistics và công nghệ”. Hội nghị năm nay tập trung giới thiệu những phát minh và công nghệ mới tác động sâu sắc đến hoạt động của ngành Logistics và Vận tải giao nhận trên toàn thế giới.
Tham dự sự kiện, đoàn đại biểu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) do Chủ tịch – Lê Duy Hiệp, các Phó Chủ tịch – Đào Trọng Khoa, Đặng Vũ Thành, Tổng Thư ký – Nguyễn Duy Minh dẫn đầu cùng đại diện của các doanh nghiệp hội viên VLA đã tham dự các chương trình của FWC2019.
Các hoạt động chính của Đoàn tại FWC2019 tập trung vào các vấn đề: 1. Tham dự các Phiên họp toàn thể và các phiên thảo luận chuyên đề về: (i) Tăng trưởng toàn cầu và phát triển – Global growth and development; (ii) Hội nhập khu vực thông qua hoạt động logistics – Regional integration through logistics; (iii) Quản lý hợp đồng đối với các nhà giao nhận: giảm thiểu rủi ro trước khi các vấn đề xuất hiện – Contract management for forwarders: mitigate risks before problems emerge; (iv) Mã CTU và an toàn container trên đường bộ, đường sắt và đường biển – The CTU code and container safety on road, rail and sea; (v) Tạo thuận lợi giao thông và logistics: quan điểm toàn cầu và khu vực – Transport facilitation and logistics: global and regional perspective; (vi) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp cho cuộc canhs mạng công nghiệp lần thứ 4 – Upskill your human resources for the 4th industrial revolution; (vii) Kết nối hải quan trong thương mại – Connectivity in customs and trade .v.v…; 2. Tham gia bỏ phiếu bầu đối với địa điểm dự kiến tổ chức FWC 2022 và các vị trí lãnh đạo của FIATA. Hàn Quốc là nước được chọn đăng cai tổ chức FIATA World Congress 2020.
FWC2019 cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ với gần 500 nhà giao nhận vận tải đến từ khắp nơi trên thế giới, là cơ hội để phát triển mạng lưới hợp tác, tìm kiếm cơ hội kinh doanh thông qua các cuộc gặp gỡ, cũng như được đề cập những thông tin và xu hướng mới nhất của ngành.
Trong khuôn khổ FWC2019, VLA cùng một số doanh nghiệp hội viên gồm: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC; Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn – SNP; Công ty cổ phần Kho vận Miền Nam – SOTRANS; Công ty Delta; Công ty VinaFreight; Công ty Transimex v.v… đã tổ chức khu triển lãm giới thiệu về các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực giao nhận, vận tải và logistics. Trong suốt thời gian Hội nghị, các doanh nghiệp đã liên tục có các tiếp xúc tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh tại khu triển lãm với gần 100 gian giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trong nhiều lĩnh vực của các tập đoàn, công ty có thương hiệu khu vực và trên thế giới.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC là doanh nghiệp nòng cốt về ngành hàng hải của Việt Nam. Với cơ sở hạ tầng đồng bộ có quy mô lớn trong các lĩnh vực quản lý và khai thác cảng biển, vận tải biển, dịch vụ logistics, VIMC và 34 doanh nghiệp thành viên đang cung cấp các dịch vụ logisctics trọn gói có chất lượng cao tới các khách hàng trong nước và quốc tế. Với rất nhiều doanh nghiệp là hội viên của VLA (Cảng Hải Phòng, Vosa, Vosco, Vinalines Logisctics, v.v…), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã tham gia và đóng góp chung vào sự phát triển của Hiệp hội trong thời gian qua cũng như tham gia tích cực vào các chương trình của VLA tại FWC 2019 – Cape Town.