Dự kiến, sau khi được Quốc hội phê chuẩn, Hiệp định Thương mại tự do (Việt Nam-EU) sẽ có hiệu lực sớm nhất từ tháng 7/2020. Để sẵn sàng tận dụng cơ hội mở ra, Chính phủ cũng như các bộ, ngành xác định nhanh chóng hoàn thiện thể chế, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ, giúp các DN từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu…
Dự kiến khi có hiệu lực, EVFTA sẽ giúp XK hàng hóa của Việt Nam sang EU tăng ngay 20% trong năm 2020 so với không có Hiệp định
Kịp thời hoàn thiện thể chế
Theo Bộ Công Thương, nghiên cứu cho thấy Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch XK của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 – 3,25% (năm 2019 – 2023); 4,57 – 5,30% (năm 2024 – 2028) và 7,07 – 7,72% (năm 2029 – 2033).
Ở góc độ này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, Bộ Tư pháp đã chủ trì việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở cấp Trung ương đến thời điểm ngày 30/9/2019. Ở cấp độ luật, tổng số văn bản được kiến nghị sửa đổi, bổ sung là 2 văn bản bao gồm Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 và Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010.Lợi ích thấy rõ nhưng để tận đụng được cơ hội mở ra ngay khi Hiệp định có hiệu lực, không ít quan điểm cho rằng, công tác chuẩn bị, trước hết là khâu hoàn thiện thể chế cần được đặc biệt chú trọng.
Cụ thể, đối với Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (bao gồm cả các nghĩa vụ theo cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA) dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ hai năm 2021 của Quốc hội khóa XV. Bởi vậy, Chính phủ kiến nghị áp dụng trực tiếp các nghĩa vụ của EVFTA trong thời gian kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua và chính thức có hiệu lực.
“Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2010, hiện Chính phủ đang đề xuất trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ hai năm 2021 của Quốc hội khóa XV nên kiến nghị Quốc hội đồng ý đưa Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Dự án luật này bao gồm cả những sửa đổi để thực thi các cam kết trong Hiệp định CPTPP và EVFTA”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Trong quá trình thẩm tra, một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần xem xét sửa đổi cả Luật Dược và Luật Đấu thầu để bảo đảm hành lang pháp lý phù hợp và minh bạch với Hiệp định EVFTA. Về vấn đề này, Chính phủ cũng đã rà soát kỹ lưỡng để kiến nghị phương án sửa đổi pháp luật cho phù hợp. Theo cam kết trong Hiệp định EVFTA, các gói thầu thuộc diện điều chỉnh của Hiệp định chỉ mở cho các nhà thầu của EU. Do vậy, Chính phủ dự kiến sẽ ban hành một nghị định hướng dẫn riêng với những gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định này thay vì phải sửa luật. Cách làm này cũng tương tự như Hiệp định CPTPP mà hiện Chính phủ đã và đang triển khai.
“Trong trường hợp Quốc hội quyết định phê chuẩn EVFTA với phương án sửa luật như trên, các nội dung sửa đổi kèm theo lộ trình cụ thể sẽ được đưa vào Nghị quyết để Quốc hội thông qua. Trên cơ sở Nghị quyết này, Chính phủ sẽ giao các bộ, ngành triển khai việc dự thảo luật và trình Quốc hội thông qua để đảm bảo việc thực hiện theo đúng quy định của Hiệp định”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Nâng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Trao đổi với báo Hải quan, ông Vũ Anh Quang, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại công quốc Luxembourg, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) cho biết: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và EU đánh giá EVFTA là hiệp định “thế hệ mới, toàn diện”, gắn với “các tiêu chuẩn về xã hội, lao động, môi trường”. EVFTA có mức cam kết cao so với các FTA mà Việt Nam đã ký, như: Các quy định về xuất xứ hàng hóa và hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, vấn đề pháp lý-thể chế, phát triển bền vững…
TS. Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách công thương (Bộ Công Thương) cũng nhận định, với những cam kết sâu rộng về mở cửa thị trường cả về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư…, EVFTA sẽ tác động hầu khắp ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế của Việt Nam. Ngoài câu chuyện các hàng rào kỹ thuật, với EVFTA, lo ngại còn đến từ việc hàng hoá XK giá rẻ của Việt Nam vào EU có nguy cơ bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá; hàng hoá XK có lợi thế của Việt Nam, nếu XK ồ ạt cũng có nguy cơ bị điều tra tự vệ vượt ngưỡng… Điều này dẫn đến việc EU tăng thuế trở lại hoặc ngừng cắt giảm thuế đối với mặt hàng đó.
Để có thể hoá giải thách thức, tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, một số chuyên gia cho rằng, ở thời điểm hiện tại, giải pháp quan trọng là tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng thị trường (xu hướng cung cầu và giá cả,…); xu hướng áp dụng các rào cản kỹ thuật (về kiểm dịch, môi trường, an toàn thực phẩm, lao động và công đoàn,…) trong thương mại từ các nước EU để có thể đưa ra cảnh báo sớm cho tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất hàng XK (đặc biệt là hàng nông, thủy sản) của Việt Nam. Điều này giúp các DN XK chuẩn bị sẵn sàng vượt qua được các rào cản kỹ thuật.
Trên thực tế, tham gia các FTA thế hệ mới như Hiệp định EVFTA có nghĩa là Việt Nam bước vào “sân chơi” lớn, chấp nhận đương đầu với các khó khăn, thách thức mới để cạnh tranh với các nước lớn. Được biết, để thích ứng được với bối cảnh này, Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA ngay sau khi Quốc hội xem xét phê chuẩn Hiệp định.
Đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, một trong những nội dung điển hình trong Kế hoạch thực hiện này tập trung vào tăng cường phổ biến về EVFTA cho các đối tượng có liên quan dưới các hình thức đổi mới sáng tạo hơn; thiết lập và tăng cường liên kết đầu mối thực thi EVFTA tại các bộ, ngành và địa phương… Về công tác xây dựng pháp luật, thể chế sẽ thực hiện rà soát pháp luật trong quá trình thực thi Hiệp định, báo cáo Chính phủ sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành theo đúng với lộ trình đã quy định của EVFTA.
Ở góc độ nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực, Chính phủ xác định xây dựng các chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho các ngành hàng, DN, đặc biệt là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ, nông dân, phù hợp với cam kết quốc tế; đồng thời, chuẩn bị những giải pháp ứng phó, hỗ trợ đối với những ngành hàng, mặt hàng chịu tác động lớn, trực tiếp từ việc thực thi Hiệp định; hỗ trợ DN Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu…
“Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, căn cứ vào các nhóm công việc lớn này, khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện của đơn vị, địa phương mình cũng như tăng cường việc giám sát thực hiện để bảo đảm việc thực thi của Việt Nam được đầy đủ, hiệu quả và đồng bộ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ở góc độ bộ, ngành cụ thể, ngày 20/5 vừa qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã ban hành Kế hoạch triển khai thực thi Hiệp định EVFTA trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu sẽ triển khai 25 nhiệm vụ, chia thành 5 nhóm công tác trọng tâm. Một là, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Cục Xuất nhập khẩu tập trung xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Thông tư quy định về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA trong tháng 6/2020. Hai là, công tác tận dụng Hiệp định EVFTA để thúc đẩy hoạt động XK; ba là, công tác theo dõi, đánh giá việc tận dụng Hiệp định EVFTA; bốn là, công tác truyền thông, tuyên truyền và phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và năm là tăng cường quản lý nhà nước về công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ và chống gian lận xuất xứ hàng hóa.