Miền Trung sơ tán hơn 90.000 dân, 102 người chết

19/10/20 5:26 PM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Mưa lũ và sạt lở đất khiến số người tử vong ở 10 tỉnh miền Trung và Tây nguyên tăng lên 102, số người mất tích là 26.

Tối 19/10, Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai thông tin, ba tỉnh thiệt hại về người nhiều nhất là Quảng Trị 48 người, Thừa Thiên Huế 27 người và Quảng Nam 11 người.

Đến 16h chiều nay, ba tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có 166.780 hộ dân đang bị ngập, đã sơ tán hơn 28.900 hộ với khoảng 90.900 người.

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều cùng ngày, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói, trong hai tuần qua đã “xảy ra 2 đợt mưa lớn chưa từng thấy”.

Ngập lụt đã diễn ra trên diện rộng, lúc cao nhất vào ngày 12/10 và 18/10 với 260.322 hộ dân bị ngập tại 6 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam. “Thiệt hại về hạ tầng rất lớn”, Bộ trưởng Cường nói và cho hay 2 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn mưa lớn, do đó, cần tập trung đảm bảo an toàn hồ chứa, sơ tán người dân ra khỏi vùng ngập trũng nguy hiểm.

Theo dự báo, mưa lũ còn kéo dài và đang mở rộng ra phía Bắc. Ngoài ra, hiện nay đã hình thành áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông; theo thông tin từ một số đài dự báo thời tiết, cơ quan quốc tế và khu vực, vào cuối tuần này bão gây mưa lớn nhiều khả năng sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến đất liền các tỉnh miền Trung.

Công an, quân đội đang huy động cano và các phương tiện chuyên dụng đến điểm ngập lụt sơ tán dân và tài sản ở TP Hà Tĩnh. Ảnh:Lê Hoàng.

Công an, quân đội huy động cano và các phương tiện chuyên dụng đến điểm ngập lụt sơ tán dân và tài sản ở TP Hà Tĩnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, với tinh thần không được để dân đói, dân rét, không có chỗ ở; tích cực triển khai công tác cứu hộ, đảm bảo an toàn cho lực lượng tham gia.

Ông giao Bộ Tài chính hỗ trợ ngay 5 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo; tạm cấp cho mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện cứu hộ, cứu nạn và an sinh xã hội.

Tại Hà Tĩnh, lũ trên sông dao động ở mức cao, lúc 15h chiều 19/10, sông Ngàn Sâu tại trạm Chu Lễ vượt mức báo động 3 (mức cao nhất) là 0,50 m, sông Ngàn Phố, sông La dưới mức báo động 1.

Hồ Kẻ Gỗ bắt đầu xả tràn lúc 13h ngày 18/10, hiện xả với lưu lượng 940 m3/s. Hồ thủy điện Hố Hô xả tràn lưu lượng 85 m3/s; hồ thủy điện Hương Sơn xả lưu lượng 15 m3/s. Các hồ thủy lợi khác trên địa bàn cũng đang xả tràn.

Toàn tỉnh có 28.418 hộ dân bị ngập tập trung chủ yếu tại TP Hà Tĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Hương Khê, Lộc Hà.

Đường phố biến thành sông ở TP Hà Tĩnh, ngày 19/10. Ảnh: Lê Hoàng

Đường phố biến thành sông ở TP Hà Tĩnh, ngày 19/10

Tại Quảng Bình, ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, chiều nay lũ xuống chậm. “Huyện Tuyên Hóa, khu vực gần sông Gianh, vẫn ngập sâu, chúng tôi đang tập trung cứu trợ cho người dân ở đây. Sơ tán họ theo phương án tại chỗ, di chuyển sang những ngôi nhà cao hơn”, ông Minh cho hay.

Mưa lũ đã làm chết 3 người, làm bị thương 4 người. Các thiệt hại về tài sản do mưa lũ gây ra đặc biệt lớn và hiện chưa thể thống kê.

Lúc 16h, lũ trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy, vượt mức báo động 3 là 2,18 m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1979 (3,91 m) là 0,97 m; sông Gianh tại (Tuyên Hóa) vượt mức báo động 3 là 2,18 m.

Ngập lụt tiếp tục chia cắt tại 3 điểm trên Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Bình và một vị trí trên đường Hồ Chí Minh; nhiều tuyến đường nội tỉnh đang ngập lụt, chia cắt.

Tại Quảng Trị, 53.750 hộ dân tại 9 huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, TP Đông Hà, Vĩnh Linh, Gio Linh, Quảng Trị, Triệu Phong, Hải Lăng đang bị ngập. Chính quyền đã sơ tán 11.083 hộ với hơn 34.000 người.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ, từ nay đến ngày 20/10, các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình mưa to, nhiều nơi lượng mưa 150-300 mm, có nơi trên 300 mm; ở Nghệ An từ 20-50 mm, riêng phía Nam có nơi trên 70 mm.

128 người chết và mất tích, miền Trung lại đón áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão - Ảnh 4.

Vnexpress/Tuổi trẻ


Cán bộ, đoàn viên, người lao động Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt

Phát huy truyền thống ‘Tương thân tương ái’, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam và truyền thống “Năng động, văn minh, sống nghĩa tình” con người Hàng hải, trong những ngày qua, nhiều đơn vị và công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Tổng công ty đã có nhiều hoạt động thiết thực ủng hộ đồng bào Miền Trung, chia sẻ với những mất mát, đau thương, thiếu thốn như quyên góp tiền, vật dụng thiết yếu… Trước đó, Công đoàn Tổng công ty đã đóng góp với Tổng Liên đoàn LĐVN 50 triệu đồng; trích từ Quỹ XHTT Công đoàn Tổng công ty 100 triệu đồng trong Chương trình Cả nước chung tay vì người nghèo do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức để kịp thời chuyển đến người dân miền Trung.

Tiếp nối tinh thần ấy, từ lời kêu gọi của đồng chí Tổng bí thư – Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ngày 19/10, Tổng giám đốc và Ban Thường vụ Công đoàn Tổng công ty đã ban hành công văn liên tịch kêu gọi toàn thể CNVCLĐ các đơn vị ủng hộ, chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của thiên tai.

Mỗi cán bộ, đoàn viên, NLĐ các đơn vị trong toàn Tổng công ty đóng góp một phần nhỏ bé của NLĐ ngành Hàng hải đến với khúc ruột miền Trung với mong muốn nhân dân miền Trung sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.