‘Vươn ra biển lớn’ bằng con tàu mang tên VIMC

3/11/20 9:04 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Thương hiệu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã xuất hiện được 25 năm. Tuy nhiên, những doanh nghiệp thành viên trụ cột của Tổng công ty ở ba ngành nghề kinh doanh chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải như Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO), Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng, cảng Sài Gòn hay Công ty cổ phần Đại lý Hàng hải Việt Nam (VOSA) đều là những thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải có truyền thống từ 60 đến hơn 100 năm.

 

Trong một phần tư thế kỷ trưởng thành và phát triển đến nay, đội tàu của Tổng công ty chiếm khoảng 25% tổng trọng tải và gần 20% tổng sản lượng vận tải của đội tàu biển Việt Nam. Tổng công ty đang quản lý và khai thác khoảng 27% tổng chiều dài cầu cảng cả nước với sản lượng hàng hóa thông qua hơn 15% tổng sản lượng quốc gia.

Cải tổ để đáp ứng với tình hình mới

Trước yêu cầu của tình hình phát triển mới, năm 2014, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã triển khai Đề án cổ phần hóa. Sau gần năm năm chuẩn bị, năm 2018 là năm công ty mẹ – Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã IPO và chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, đồng thời sử dụng thương hiệu mới VIMC từ tháng 9/2020. Điều này tạo ra kỳ vọng thay đổi tư duy và cách làm trong giai đoạn mới, giúp tăng nguồn lực cho công ty mẹ tiến hành đổi mới hoạt động quản trị, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Về vốn sở hữu sau khi cổ phần hóa, VIMC nắm giữ vốn tại 19 công ty con và 16 công ty liên kết, hiện sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000m cầu bến (chiếm khoảng 30% tổng số m cầu bến quốc gia). Với phần vốn nhà nước chi phối tại Công ty mẹ, VIMC cũng sẽ nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên tại các công ty cổ phần: Cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn. Đây là những cảng biển quan trọng hàng đầu của cả nước và đều có tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua. Có thể xem đây là một điểm tựa vững vàng của Tổng công ty trong giai đoạn sắp tới, giai đoạn có nhiều FTA quan trọng có hiệu lực.

Phát triển thị trường dựa trên ba “chân kiềng”

Thời gian tới, trọng tâm kinh doanh của VIMC vẫn là ba lĩnh vực: Cảng biển – Vận tải biển – Dịch vụ hàng hải. Trong lĩnh vực cảng biển, xu hướng sử dụng tàu cỡ lớn để tiết kiệm thời gian và chi phí sẽ ngày càng gia tăng khi tỷ lệ sức tải lượng tàu đặt đóng mới cỡ siêu lớn (18.000 Teus) chiếm tới 37%. Trên cơ sở đó, VIMC sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hai bến container tại Lạch Huyện (Hải Phòng) và tiếp tục nâng cao năng lực và cơ cấu lại các cảng liên doanh tại Cái Mép – Thị Vải xứng tầm vai trò trung chuyển container quốc tế.

Đối với lĩnh vực vận tải biển, VIMC sẽ tiếp tục thanh lý và “trẻ hóa” đội tàu, phát triển đội tàu container và tuyến vận tải dưới thương hiệu chung, chuyển hướng đầu tư bằng việc thuê/mua tàu để khai thác khi thị trường thuận lợi, tiến tới tham gia các liên minh về vận tải biển quốc tế để hiện diện là một đơn vị trung chuyển hàng container trong khu vực.

Với xu thế ngày càng chuyên môn hóa, VIMC cũng sẽ thiết kế các dịch vụ tích hợp nhằm tạo ra chuỗi dịch vụ cung ứng trọn gói, gồm: Dịch vụ vận chuyển bằng đường biển/đường bộ/sà lan, dịch vụ kho bãi, thực hiện phân phối cho các hệ thống bán lẻ. Đặc biệt, để “đón sóng” EVFTA, VIMC đã nghiên cứu dự án thành lập một trung tâm logistics “Việt Nam House” tại châu Âu.

Những năm tới, trong ba lĩnh vực kinh doanh chính của VIMC, vận tải biển và dịch vụ hàng hải sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức, trong khi lĩnh vực khai thác cảng biển tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, VIMC đặt mục tiêu đến năm 2025, sản lượng vận tải biển đạt hơn 18 triệu tấn, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 139 triệu tấn (tăng trưởng bình quân hơn 5%/năm), doanh thu đạt hơn 10.700 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất hơn 1.200 tỷ đồng.

Tăng cường hợp tác quốc tế

Là một doanh nghiệp chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam, VIMC đã tích cực tham gia cùng Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam trong việc hoạch định chính sách phát triển và hội nhập quốc tế của ngành giao thông vận tải, trong đó có lĩnh vực hàng hải. Ngoài ra, VIMC cùng với Cục Hàng hải Việt Nam và trường Đại học Hàng hải hợp tác toàn diện trong công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Phái đoàn của TĐ Suzue và Tập đoàn Kanematsu tới thăm VIMC

VIMC luôn xác định việc tham gia các hiệp hội và tổ chức chuyên ngành của quốc gia và quốc tế đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao vị thế, uy tín và khả năng hội nhập của VIMC nói riêng và ngành hàng hải Việt Nam nói chung tại các diễn đàn khu vực và quốc tế. VIMC cũng tích cực tham gia vào các hoạt động của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Giao nhận Kho vận Việt Nam. Là thành viên chủ đạo và tích cực của các hiệp hội, Tổng công ty đã cùng các Hiệp hội đóng góp tiếng nói của ngành hàng hải Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như Hiệp hội Chủ tàu ASEAN, Diễn đàn Chủ tàu châu Á, Hiệp hội Cảng biển châu Á…

VIMC cũng có quan hệ và tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế khác trong việc bồi dưỡng và đào tạo cán bộ nhân viên như NORAD của Na Uy, STC/IMTA, NUFFIC của Hà Lan, PSA của Singapore…

Hằng năm, VIMC đều cử cán bộ đi đào tạo và tái đào tạo tại các trung tâm đào tạo quốc tế và đang phối hợp với các tổ chức hàng hải quốc tế nói trên xúc tiến việc tổ chức các lớp đào tạo tại Việt Nam nhằm đào tạo nhanh hơn, nhiều hơn đội ngũ cán bộ chuyên môn, quản lý cho ngành. Chính vì vậy, trình độ của người lao động tại VIMC, đặc biệt là lớp cán bộ công nhân viên trẻ, ngày càng được củng cố và nâng cao.

Tại đầu cầu châu Âu, VIMC đã đàm phán với đối tác chiến lược và lựa chọn Bỉ làm nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa. Từ đây sẽ hình thành một mạng lưới các đơn vị đại lý, đơn vị vận tải đường bộ và đường hàng không tham gia vào chuỗi cung ứng. Hệ thống này sẽ thu gom hàng hóa xuất khẩu từ châu Âu, đưa về “Việt Nam House” làm thủ tục xếp lên tàu đưa về Việt Nam và ngược lại. Dịch vụ door to door này sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho hàng hóa thông thương giữa hai khu vực, tạo động lực cho kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng trưởng.

…. chú trọng đối tác truyền thống

Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam. Các dự án ODA của Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nói chung và cảng biển nói riêng đạt hiệu quả cao. Những cảng lớn như Cái Lân (Quảng Ninh), Chùa Vẽ (Hải Phòng), Tiên Sa (Đà Nẵng), Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu) đều được xây dựng bằng nguồn vốn từ Nhật Bản. Đối với lĩnh vực vận tải biển, trong 25 năm qua, Tổng công ty đã phối hợp với Công đoàn Thuỷ thủ toàn Nhật Bản (JSU) thực hiện Dự án nâng cao chất lượng thuyền viên (VSUP). Đây là dự án nhằm nâng cao chất lượng cho đội ngũ hơn 2.500 sỹ quan, thuyền viên của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế.

Tháng 5/2017, lãnh đạo Tổng công ty và Tập đoàn NYK’Line (Nhật Bản) đã ký MOU phát triển logistics về thúc đẩy hợp tác đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than và kết hợp vận tải phục vụ các nhà máy nhiệt điện tại Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký Hợp đồng liên doanh về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải và logistics giữa VIMC và Suzue.

Ngày 1/7/2019 tại Tokyo, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và quan chức hai nước đã chứng kiến lễ ký kết Hợp đồng liên doanh về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực vận tải và logistics giữa VIMC và đối tác Suzue của Nhật Bản. Suzue là một “ông lớn” trong lĩnh vực vận tải và logictics. Hai bên bày tỏ mong muốn hợp tác không chỉ trong lĩnh vực logistics mà còn trong lĩnh vực vận tải biển vì đó là một thế mạnh của VIMC.

Trên nền tảng những kết quả tốt đẹp đạt được giữa Việt Nam và Nhật Bản nói chung, giữa các đối tác tin cậy trong lĩnh vực hàng hải nói riêng, VIMC tin tưởng sâu sắc sự hợp tác với các đối tác Nhật Bản sẽ thành công trong những năm tới.