Thuyền viên, những “người lao động thầm lặng” trên biển đang vận hành bộ máy khổng lồ của nền kinh tế toàn cầu. Hiện có trên 90% khối lượng hàng hóa thương mại trên thế giới được luân chuyển thông qua ngành vận tải biển.
Minh chứng cho tầm quan trọng và khẳng định mức độ ảnh hưởng, vị thế quan trọng của ngành vận tải biển chúng ta có thể nhớ tới vụ việc con tàu chở hàng Ever Given (của Công ty vận chuyển Evergreen) bị mắc cạn trên kênh đào Suez. Chỉ ít ngày bị mắc cạn nhưng những thiệt hại về kinh thì vô cùng lớn, giá cả các mặt hàng bị tăng vọt, kinh tế thế giới cũng “nghiêng ngả” theo.
Vận hành những con tàu thời đại dịch, với các doanh nghiệp là rất khó khăn
Ngành Hàng hải Việt Nam với sự đóng góp của thuyền viên đã góp một phần lớn trong sự nghiệp phát triển nền kinh tế thế giới cũng như giá trị ảnh hưởng của lực lượng lao động này đến cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới chìm trong bóng đen của đại dịch Covid-19. Tàu vẫn hành hải, đa số các bến cảng vẫn mở để xếp dỡ hàng hóa thiết yếu. Nhưng đại dịch đã đẩy thuyền viên vào những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Đó là khó khăn trong việc lên bờ, cung ứng thuyền viên, thay thế thuyền viên và hồi hương, nguy cơ lây nhiễm cao khi phải tiếp xúc với nhiều người trong quá trình thực hiện các thủ tục xếp dỡ hàng hóa tại cảng, không được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế kịp thời… Và bất chấp những điều này, thuyền viên vẫn làm việc 24/7.
Thuyền viên di chuyển qua nhiều khu vực trên thế giới nên nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao
Vậy là đã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Với những bất ổn của thị trường vận tải biển về giá cước, giá nhiên liêu, giá cho thuê tàu; hiệu lực thi hành các công ước quốc tế về môi trường làm gia tăng chi phí cho chủ tàu, và hơn hết là phải chiến đấu với một kẻ thù vô hình nhưng hết sức nguy hiểm – đó là virus corona trong đại dịch Covid-19 mà chúng ta còn chưa biết khi nào mới kết thúc. Đó là lý do tại sao chúng ta nói Thuyền viên là những lao động chủ chốt nhưng yếu thế trong mùa dịch.
Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cũng đã phải kêu gọi đối xử với thuyền viên một cách “tôn trọng và nghiêm túc” trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19
Các thuyền viên không được lên bờ khi chưa đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19
Ở trong ngành, được đi nhiều, tiếp xúc nhiều, nghe nhiều những câu chuyện, những chia sẻ, tâm sự của thuyền viên, chúng tôi mới thấu hiểu được hết những nỗi nhọc nhằn, vất vả, những chịu đựng, hy sinh của thuyền viên và kể cả gia đình họ để góp phần duy trì chuỗi vận chuyển hàng hóa lưu thông trên toàn cầu. Và trong mùa dịch này, anh em sỹ quan, thuyền viên vẫn luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn, đồng hành với chủ tàu, chủ hàng thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, mong mỏi cũng là nguyện vọng hết sức chính đáng của anh em là sớm được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 để anh em yên tâm công tác, cống hiến.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) – một trong những doanh nghiệp hàng hải hàng đầu của cả nước với đội tàu biển hơn 70 chiếc hoạt động trên toàn thế giới, hơn 5.000 thuyền viên, trong hơn 1 năm qua chịu không ít ảnh hưởng vì dịch Covid-19.
Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết: “ Việc ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho thuyền viên sẽ góp phần đảm bảo cho việc lưu thông hàng hóa xuất nhập khẩu, ổn định nền kinh tế và cũng phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải hoàn thành mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế”.
Trong thời gian qua, VIMC đã liên tục làm việc với các cơ quan chức năng để tìm kiếm nguồn vắc-xin cho lực lượng thuyền viên nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng.
Việc ưu tiên tiêm phòng Covid-19 cho các thuyền viên sẽ tránh làm đứt gẫy hoạt động vận tải biển
Thực hiện nhiệm vụ chính trị và trách nhiệm xã hội, VIMC đã thiết lập “Cầu Hàng hải” để vận chuyển miễn phí hàng hóa thiết yếu đến các tỉnh miền Nam với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của đội ngũ sỹ quan, thuyền viên. Để “Cầu Hàng hải” trong mùa dịch nói riêng và chuỗi vận chuyển hàng hóa nói chung được vận hành an toàn, hiệu quả, kịp thời, rất cần có sự chia sẻ và vào cuộc của các địa phương, ngành y tế trong phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 cho đội ngũ sỹ quan, thuyền viên không chỉ của VIMC mà còn của toàn ngành Hàng hải.