VIMC ký kết Thỏa thuận Khung Hợp tác với hãng tàu MSC để phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển trung chuyển Cần Giờ, TP.HCM và dịch vụ logistics

5/11/21 9:04 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Ngày 4/11/2021, trong khuôn khổ chương trình kết nối doanh nghiệp tại Cộng hòa Pháp, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (SGP) – đơn vị thành viên của VIMC ký kết và Trao Thỏa thuận Khung Hợp tác với hãng tàu MSC và TIL (đơn vị thành viên của MSC) trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics.

VIMC và MSC ký hợp tác trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thỏa thuận Khung Hợp tác (MOU) đánh dấu bước phát triển mới trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa VIMC & Cảng Saigon, Tập đoàn MSC và TiL, mở ra cơ hội để VIMC và MSC cùng mong muốn hợp tác phát triển các dự án cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics tại Cần Giờ TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung. Bên cạnh đó, việc hợp tác với hãng tàu container lớn thứ hai trên thế giới với sự đảm bảo về sản lượng hàng hóa sẽ là cơ sở để VIMC và Cảng Saigon đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển đặc biệt là các cảng nước sâu, cảng trung chuyển, trung tâm logistics tại Việt Nam.

Trước đó, căn cứ theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. VIMC, Cảng Sài Gòn cùng với hãng tàu container MSC và TIL đã nghiên cứu, có văn bản báo cáo và đề xuất với Bộ GTVT, UBND TP.HCM cùng cơ quan các cấp có thẩm quyền xem xét chấp thuận chủ trương cho Cảng Sài Gòn được triển khai dự án đầu tư bến cảng container tại khu vực huyện Cần Giờ.

Hai vị trí mà VIMC và Cảng Sài Gòn xin xây dựng cảng container tại Cần Giờ được đề xuất là: vùng tiếp giáp luồng Cái Mép – Thị Vải, thuộc địa phận Cù lao Phú Lợi (vị trí số 1) và vị trí số 2 tiếp giáp luồng Sài Gòn – Vũng Tàu, thuộc địa bàn xã Long Hòa.

Đề xuất làm cảng Sài Gòn lớn ngang cảng Singapore, Hong Kong - ảnh 2

Cầu cảng được tính toán xây dựng tại 2 vị trí sẽ có chiều dài cầu là 1.500m. Trong đó, vị trí số 1 dự kiến tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 DWT; vị trí số 2 tiếp nhận tàu trọng tải đến 150.000 DWT.

Dự án đầu tư bến cảng container tại huyện Cần Giờ thực hiện theo chiến lược phát triển Cảng Sài Gòn gắn với hình ảnh trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước phục vụ xuất nhập khẩu và trung chuyển hàng hóa như các cảng Singapore, Hồng Kông, Tanjung Pelepas (Malaysia)

Theo chiến lược phát triển cảng nước sâu tại khu vực phía Nam, VIMC đã hoàn thành đầu tư và khai thác các cảng SSIT, CMIT, SPPSA (Vũng Tàu); cảng Hiệp Phước, cảng Tân Thuận (TP.HCM)…

Các cảng container và cảng tổng hợp này được đầu tư kết cấu hạ tầng, phương tiện thiết bị xếp dỡ chuyên dụng và công nghệ quản lý hiện đại, năng suất khai thác cao, ngang tầm quốc tế, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng là các hãng tàu lớn thuộc các liên minh vận tải container hàng đầu thế giới như Maersk, MSC, CMA CGM, Cosco, ONE, Hapag-Lloyd…

Hiện tại, VIMC đang quản lý hơn 13.000m cầu bến chiếm khoảng 20% tổng chiều dài cầu cảng của cả nước. Sản lượng hàng thông qua cảng đạt hơn 100 triệu tấn chiếm gần 20% cả nước. Trong 9 tháng đầu năm 2021, khối cảng biển thuộc VIMC đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và hoàn thành xuất sắc các mục tiêu đề ra. Sản lượng hàng hóa thông qua các cảng biển thuộc VIMC đạt 98,2 triệu tấn, doanh thu đạt hơn 5.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.550 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước, với các cảng đạt kết quả vượt kế hoạch như: Hải Phòng, Quy Nhơn, Sài Gòn, Đà Nẵng. Các nhóm cảng liên doanh khu vực phía Nam cũng đạt lợi nhuận cao, chiếm 35% thị phần container cụm cảng Cái Mép – Thị Vải.

Trong chiến lược phát triển giai đoạn sắp tới, VIMC xác định tập trung phát triển năng lực cốt lõi cung cấp các giá trị vượt trội cho khách hàng từ việc tích hợp hoạt động Cảng biển – Vận tải biển – Dịch vụ hàng hải trong dịch vụ logistics trọn gói. Đây là yếu tố quan trọng để có được lợi thế cạnh tranh.


MSC là hãng tàu container lớn thứ hai trên thế giới, năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu TEUs/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới, các tuyến dịch vụ kết nối tớn hơn 500 cảng biển toàn cầu. Tại Việt Nam, MSC hiện có dịch vụ tới hệ thống các cảng container tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Cái Mép – Thị Vải… Hàng năm, đội tàu MSC vận chuyển hơn 1 triệu TEUs hàng hóa xuất nhập khẩu từ Việt Nam kết nối với các thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc, Đông Nam Á…..

TiL là công ty thành viên của MSC hiện là một trong những nhà khai thác cảng container lớn nhất và đa dạng nhất có mậ trên trên toàn cầu, với việc sỡ hữu và khai thác 40 cảng biển trên thế giới.

Công ty cổ phần Cảng Saigon (SGP) là công ty thành viên của VIMC, hiện đang khai thác cảng biển tại TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu, và cùng VIMC tham gia liên doanh đầu tư khai thác Cảng SSIT, CMIT và SP-PSA tại khu vực Cái Mép Thị Vải.