Ngày 09/2, Đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) do đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) về tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển. Cùng tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ và lãnh đạo Cục Hàng Hải Việt Nam, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam.
Về phía Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, có các đồng chí: Lê Anh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị; Nguyễn Cảnh Tĩnh, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc; các thành viên HĐQT; các PTGĐ; Trưởng Ban Kiểm soát; Chủ tịch Công đoàn TCT; Trưởng các Ban CMNV; Chủ tịch và Tổng giám đốc các đơn vị: Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn, Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam, Công ty cổ phần vận tải biển Vinaship, VIMC Đình Vũ; Công ty vận tải biển VIMC, Trung tâm khai thác container.
Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh báo cáo tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, giai đoạn 2016-2022 là khoảng thời gian VIMC từng bước phục hồi, phát triển. Các hoạt động kinh doanh chính như: cảng biển, vận tải biển dần mang lại hiệu quả, giúp doanh nghiệp ngăn được đà thua lỗ triền miên, thoát khỏi nguy cơ phá sản của giai đoạn trước.
“Nếu giai đoạn 2011-2015, khoản lỗ của Tổng công ty lên tới 18.000 tỷ đồng thì đến năm 2015, doanh nghiệp đã bắt đầu có lãi. Giai đoạn 2015 – 2022, lợi nhuận toàn VIMC ước đạt 9.800 tỷ đồng . Vốn chủ sở hữu hiện tại đã tăng lên 13.800 tỷ đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2015.
Trong đó, lĩnh vực khai thác cảng biển mang lại hiệu quả kinh doanh cao với tốc độ tăng trưởng bình quân năm (từ năm 2020 đến 2022) đạt doanh thu tăng 9,2% và lợi nhuận tăng 4,4% .
Với khối vận tải biển, sau nhiều năm thua lỗ đã đạt mức lợi nhuận tốt khi đạt 1.075 tỷ đồng vào năm 2021 và năm 2022, lợi nhuận toàn khối đạt 1.869 tỷ đồng”.
Hoạt động kinh doanh trên đà khởi sắc, song, lãnh đạo VIMC cũng thừa nhận doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.
Đối với khối cảng biển, khung giá các dịch vụ đang thấp so với các nước trong khu vực (bằng 50 – 70% so với các cảng biển khu vực Đông Nam Á). Trong khi chi phí đầu vào tăng cao khiến biên lợi nhuận của các cảng biển giảm sâu.
Hạ tầng luồng lạch, vùng phao neo và công tác di dời cũng còn nhiều vấn đề khi một số luồng ở khu vực Hải Phòng, Cam Ranh, Nghệ Tĩnh… bị sa bồi.
Từ những khó khăn, Tổng giám đốc VIMC đề xuất Bộ GTVT chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi và ban hành mới Biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam (Sửa đổi Thông tư 54/2018) theo hướng tăng phù hợp với từng loại dịch vụ và từng khu vực, tiệm cận với mức giá của các cảng biển tại khu vực Đông Nam Á, cao hơn so mức độ tăng chi phí bình quân các năm từ 2019 – 2023 nhằm nâng cao hơn hiệu quả kinh tế của tài nguyên biển/luồng lạch/cảng biển quốc gia.
“Cơ chế, chính sách “cảng mở” tại khu vực Hải Phòng và Cái Mép – Thị Vải cũng cần sớm được nghiên cứu, xây dựng nhằm tối ưu hóa chi phí, tiết kiệm thời gian làm thủ tục Xuất nhập khẩu hàng hóa/transist cho các hãng tàu/chủ hàng, qua đó tăng năng lực cạnh tranh quốc gia”, lãnh đạo VIMC đề xuất.
Hiện nay, VIMC cũng đang gặp khó khăn vướng mắc trong đầu tư, phát triển đội tàu khi Nghị định 171 và Nghị định 86 quy định việc đầu tư mua tàu phải thông qua hình thức đấu thầu. VIMC đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu, sửa đổi quy định về mua, bán tàu biển, tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp.
Cũng tại cuộc họp, Phó Tổng giám đốc VIMC Phạm Anh Tuấn đã báo cáo với đoàn công tác về dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam cũng như cập nhật nội dung điều chỉnh quy hoạch khu bến cảng Cần Giờ trong Quy hoạch các nhóm cảng biển và trong Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phối cảnh dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Dự án Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ có công suất thiết kế 18 triệu Teus/năm, chiều dài bến cầu chính khoảng 7,2km, có khả năng tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT (tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay) và tàu feeder trọng tải từ 10.000 – 65.000 DWT. Thời gian thực hiện từ năm 2022 – 2040.
Việc hình thành một trung tâm trung chuyển container tầm cỡ thế giới tại Việt Nam là một lợi thế cho kinh tế Việt Nam thúc đẩy cạnh tranh quốc gia, nâng cao vị thế đối ngoại của Việt Nam, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho hoạt động thương mại xuất nhập khẩu, giảm thiểu các chi phí trung gian, nhất là chi phí logistics.
Phó Tổng giám đốc VIMC Phạm Anh Tuấn báo cáo về dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Hiện VIMC và Cảng Sài Gòn đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để trình Bộ KH&ĐT hồ sơ Đề xuất đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ.
Lãnh đạo VIMC cũng đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan, báo cáo Chính phủ để Tổng công ty và Cảng Sài Gòn được làm chủ đầu tư dự án này.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chúc mừng VIMC đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, tái cơ cấu thành công để có được diện mạo mới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định: VIMC là đơn vị chủ lực trong chiến lược dài hạn về kinh doanh lĩnh vực hàng hải, đóng góp vào sự phát triển KT-XH đất nước.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại buổi làm việc với VIMC
Nhận định thời gian tới lĩnh vực hàng hải còn đối diện với nhiều khó khăn, đặc biệt là khối vận tải biển, Bộ trưởng đề nghị VIMC chủ động đưa ra các giải pháp linh hoạt để kịp thời nắm bắt nguồn lực, triển khai các dự án đầu tư phù hợp nhằm tăng năng lực cạnh tranh, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững trong hoạt động kinh doanh.
Riêng mảng vận tải biển, đây là lĩnh vực kinh doanh quan trọng, VIMC phải tập trung phát triển đội tàu cả về số lượng và chất lượng để nâng cao hơn nữa năng lực vận tải hàng hóa. Việc đầu tư phải làm từng bước, chắc chắn, tính toán thận trọng để giảm rủi ro.
Liên quan tới những vướng mắc trong quy định hiện hành về đăng ký, xóa đăng ký, mua, bán, đóng mới tàu biển tại Nghị định 171 và Nghị định 86, Tư lệnh ngành GTVT cho rằng đây là vấn đề thực tế cần nhìn nhận để sửa đổi.
Bộ trưởng giao Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải ghi nhận đề xuất của doanh nghiệp để có đánh giá, báo cáo cụ thể khi tổng kết Bộ luật Hàng hải Việt Nam, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Đối với đề xuất sửa đổi Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, Bộ trưởng đề nghị VIMC phối hợp với các đơn vị liên quan, đánh giá cụ thể những tác động của việc tăng giá, phí cảng biển đến CPI, đến các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. “Cục Hàng hải cần đăng ký ngay việc nghiên cứu sửa đổi Thông tư 54 trong kế hoạch năm 2023 để sớm thực hiện”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Dự án cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ mà VIMC đang đề xuất đầu tư xây dựng.
Đề nghị VIMC tiến hành sớm các quy trình thủ tục, Bộ trưởng nhấn mạnh: “VIMC phải làm việc với hãng tàu MSC, khẩn trương thực hiện các thủ tục, làm nhanh nhất có thể để sớm hiện thực hóa cảng Cần Giờ”.
Chủ tịch HĐQT VIMC Lê Anh Sơn tặng quà lưu niệm Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng
Lắng nghe ý kiến chỉ đạo từ Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT VIMC Lê Anh Sơn bày tỏ cảm ơn với những quan tâm sát sao của Bộ GTVT, đồng thời nhấn mạnh khát vọng phát triển kinh tế biển, đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển của VIMC. Chủ tịch Lê Anh Sơn, bày tỏ mong muốn Bộ GTVT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để VIMC phát huy được nội lực, khẳng định vị thế là doanh nghiệp hàng hải hàng đầu Việt Nam và ghi dấu ấn thương hiệu, trên bản đồ hàng hải quốc tế.
Đoàn công tác của Bộ GTVT chụp ảnh kỷ niệm cùng đại diện Ban lãnh đạo VIMC và các DNTV