Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp hàng hải tại buổi hội thảo “Lịch sử thương cảng Sài Gòn và phát triển cảng trung chuyển quốc tế ở cửa ngõ Cần Giờ” do Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn tổ chức ngày 10/2.
TP.HCM đặt nhiều kỳ vọng vào kế hoạch xây dựng siêu cảng trung chuyển container tại Cần Giờ
Dự án Cảng cửa ngõ trung chuyển quốc tế Sài Gòn tại khu vực quy hoạch khu bến Cần Giờ hiện đang được liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) – Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn cùng đối tác Tập đoàn MSC/TIL (tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới) nghiên cứu, đề xuất. Dự án có quy mô khoảng 7,2 km cầu cảng, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus), công suất thông qua 10 – 15 triệu teus, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỉ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn đầu tư.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Huỳnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Sài Gòn, cho biết hiện nay, các đơn vị vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, cố gắng trong quý 1/2023 trình Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi của dự án cho Bộ Kế hoạch – Đầu tư cũng như UBND TP.HCM. Mục tiêu bắt đầu triển khai thi công xây dựng giai đoạn 1 của siêu cảng trung chuyển này vào năm 2024 và đưa vào khai thác năm 2027.
“Chúng tôi kỳ vọng việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ giúp Cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn, góp phần giúp TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á, đưa Việt Nam – rồng biển thức giấc”, ông Cường nói về sự kỳ vọng của cảng Cần Giờ.
Hiện nay, vấn đề xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có tác động thế nào đến khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ hay không đang là vấn đề được dư luận quan tâm và cần sự giải đáp của nhà đầu tư.
Vị trí đề xuất xây dựng “siêu” cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đánh giá không ảnh hưởng đến khu dự trữ sinh quyển quốc gia
Làm rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển Portcoast cho biết, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ thuộc vùng đệm Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, nằm trong vùng chuyển tiếp trên 2 cù lao cách vùng lõi Khu dự trữ bằng sông Thêu. Khu vực này khá biệt lập, không ảnh hưởng tới Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Bên cạnh đó, với tính chất cảng trung chuyển container, phương thức được sử dụng chủ yếu là vận tải đường biển, không cần đầu tư quá nhiều về hạ tầng đường bộ kết nối, giảm tác động đến môi trường. Chưa kể, nhà đầu tư chiến lược MSC cam kết xây dựng theo mô hình cảng xanh, cảng tự động, phát thải cực ít.
“Tôi tin tưởng dự án không ảnh hưởng nhiều tới môi trường của Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ. Chắc chắn trong quá trình thực hiện, các đơn vị sẽ xây dựng đánh giá tác động môi trường, có tham vấn, báo cáo UNESCO để tìm ra những giải pháp xây dựng, vận hành giảm thiểu tối đa các tác động”, ông Phạm Anh Tuấn thông tin thêm.
Ông Tuấn nhấn mạnh, những tác động và lợi ích lớn mà cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ mang lại chính là thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính như Singapore, Hong Kong. Đồng thời, đóng góp nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh, thu hút thêm các doanh nghiệp lớn đến đầu tư.
Nhấn mạnh đây không chỉ là dự án có ý nghĩa rất quan trọng với TP.HCM mà đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển kinh tế toàn vùng cũng như cả nước, TS Trần Du Lịch (Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia) nhận định TP phải cấp tốc đưa dự án Cảng trung chuyển Cần Giờ vào Quy hoạch cảng biển số 4. Nếu làm được như đề án, cảng này sẽ biến Đông Nam bộ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế số 1 Đông Nam Á.
“Phát triển Cần Giờ thành cảng biển số 1 đã tới lúc phải làm, không thể chậm thêm được, nhà đầu tư không ở đó chờ ta hoài. Khi triển khai, TP cần đề nghị Bộ Chính trị giao UBND TP.HCM là cơ quan chủ trì, nắm quyền chủ động. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh quan điểm xây dựng Cảng Cần Giờ không cạnh tranh, làm lép vế các cảng hiện hữu như Cái Mép – Thị Vải mà bổ sung thêm tiềm năng cho cả vùng. Đồng thời làm rõ vấn đề môi trường, hệ thống giao thông kết nối như thế nào, có ảnh hưởng tới Khu dự trữ Cần Giờ hay không…”, TS Trần Du Lịch lưu ý.
Trước đó, trong văn bản báo cáo Thủ tướng đề xuất nghiên cứu dự án này, VIMC cho rằng dịch vụ trung chuyển container quốc tế từ lâu đã trở thành chiến lược cạnh tranh quốc tế tại các quốc gia có biển. Tại khu vực Đông Á, định hướng phát triển dịch vụ trung chuyển quốc tế đã được thực hiện thành công tại một số quốc gia và vùng lãnh thổ ven biển như Singapore (PSA), Malaysia (Tanjung Pelepas, hợp tác với Maersk), Thái Lan (Laem Chabang), Trung Quốc (Ninh Ba, Thâm Quyến, Quảng Châu, Thanh Đảo, Thiên Tân, Thượng Hải, Hồng Kông, Diêm Điền…)… Tại Việt Nam, tỷ trọng hàng trung chuyển quốc tế còn khá thấp. Đây là tiềm năng, dư địa quan trọng để nghiên cứu phát triển dịch vụ này.
VIMC nhìn nhận, việc hình thành một trung tâm dịch vụ logistics quy mô lớn dự kiến mang lại những tác động tích cực, lan tỏa, tạo điều kiện phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ, sản xuất, tài chính, các loại dịch vụ hàng hải… tại địa phương. Đây là giải pháp hiệu quả nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển logistics trở thành lĩnh vực mũi nhọn của TP.HCM, tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á, mở ra hướng đi mới góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của khối dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM và Việt Nam.