Cảng Đà Nẵng hướng đến cảng xanh: Lộ trình và những giải pháp

15/10/24 9:34 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Bài 1: Cảng Đà Nẵng gắn kết cùng thương hiệu của thành phố đáng sống!

Theo Cục Hàng hải Việt Nam, với các cảng biển, ngoài việc tuân thủ các quy định bắt buộc của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; để đủ điều kiện công bố là cảng xanh, các doanh nghiệp cảng biển cần phải đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Việc đánh giá và công bố đáp ứng các Tiêu chí Cảng xanh sẽ được thực hiện 3 năm/lần.

Lộ trình phát triển cảng xanh ở Việt Nam

Ngày 29.10.2020, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt Đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam và ngay sau đó, Cục Hàng hải Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cảng xanh. Theo Kế hoạch: Giai đoạn 2021 – 2025, nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để thực hiện tiến trình phát triển cảng xanh. Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sạch, thân thiện với môi trường trong hoạt động khai thác cảng biển.

Theo lộ trình đề án, từ năm 2023, mô hình cảng xanh tại một số cảng biển Việt Nam sẽ bắt đầu được thí điểm và đánh giá kết quả thực hiện.

Ảnh: Hằng Nga

Giai đoạn 2023 – 2025, công tác nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng cảng biển, điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển cho phù hợp với các tiêu chí về cảng xanh tại Việt Nam cũng sẽ được triển khai.

Giai đoạn 2025 – 2030, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiêu chí cảng xanh sẽ được xây dựng và ban hành. Công tác triển khai áp dụng tự nguyện tiêu chí cảng xanh ở Việt Nam, tiến tới đề xuất xây dựng, ban hành quy định áp dụng bắt buộc tiêu chí cảng xanh cho hệ thống cảng biển Việt Nam.

Sau năm 2030, tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc.

Các tiêu chí mà Việt Nam xây dựng tập trung về môi trường, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường, những yêu cầu về sử dụng năng lượng được lồng ghép vào các tiêu chí khác. Bao gồm: Cam kết và sẵn sàng (nhận thức và sự sẵn sàng về cảng xanh, thúc đẩy cảng xanh); Hành động và thực hiện (năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng CNTT, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, quản lý xanh); Hiệu lực và hiệu quả (tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường).

Nhìn chung, các tiêu chí trên phù hợp với sự phát triển của thế giới và với cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP26). Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Hàng hải, các doanh nghiệp cảng biển của Việt Nam nhìn chung chưa đủ nguồn lực để đáp ứng được ngay các tiêu chí cảng xanh như của quốc tế đưa ra.

Trong đó, tiêu chí hành động và thực hiện (liên quan tới năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng CNTT, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, quản lý xanh) là một trong những tiêu chí quan trọng nhất, bởi các doanh nghiệp cảng biển phải có những hành động cụ thể trong việc hướng tới mô hình cảng xanh. Ví như, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…); sử dụng nhiên liệu LNG, Hydro, Amoniac…; sử dụng nguồn điện trên bờ để cung cấp cho tàu khi tàu đậu tại cảng; sử dụng phương tiện giao thông và thiết bị xếp dỡ trong cảng bằng điện hoặc nhiên liệu sạch không phát thải khí nhà kính… Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa hệ thống cung cấp điện hoặc các nguồn năng lượng khác.

Trong việc ứng dụng CNTT, là những hành động như: thanh toán trực tuyến, chứng từ điện tử; sử dụng mobile apps cho các phương tiện vận chuyển (xe đầu kéo, sà lan); tự động hóa trong hoạt động của cảng (ứng dụng phần mềm cảng điện tử; sử dụng các phần mềm lập kế hoạch điều hành, phần mềm quản lý container)…

Đồng thời, phải có các phương án giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính; gia tăng năng lượng tái tạo; cải thiện chất lượng không khí; kiểm soát tiếng ồn; kiểm soát ô nhiễm chất thải lỏng và rắn…

Những tiêu chí sẽ là thang điểm để các doanh nghiệp tự tham chiếu, đánh giá và chấm điểm. Bên cạnh đó, để được công nhận, các cảng biển còn phải hoàn thiện biểu mẫu tự đánh giá cảng xanh, trong đó mô tả chi tiết các hoạt động đã thực hiện. Các hoạt động này bao gồm cả tiến trình, kết quả của các hoạt động đã triển khai, các hoạt động dự kiến hoặc bất kỳ hoạt động nào liên quan.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải mô tả các lợi ích kinh tế – môi trường – xã hội đem lại và phải có các tài liệu để minh chứng sự cố gắng, nỗ lực của cảng trong việc đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Đối với mỗi tiêu chuẩn tham chiếu đều có đề xuất các giai đoạn áp dụng khác nhau (như giai đoạn thiết kế – giai đoạn xây dựng – giai đoạn vận hành).

Góc nhìn từ Cảng Đà Nẵng

Phát triển cảng xanh đã trở thành xu thế tất yếu trong lộ trình phát triển ngành hàng hải Việt Nam. Thế nhưng, để thực hiện được mục tiêu này vẫn là bài toán cho các doanh nghiệp cảng biển.

Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng Trần Lê Tuấn cho biết, theo xu hướng phát triển cảng xanh, nguồn vốn đầu tư là một nỗi lo. Không chỉ trang thiết bị xếp dỡ, ngay hệ thống điện bờ cũng tốn kém. Một ổ cắm cung cấp điện từ cầu cảng cho tàu hơn 10.000 tấn cũng khoảng chục tỷ đồng. Riêng hệ thống bàn sàn nâng, băng tải và hệ thống điện của dây chuyền xuất dăm đã có kinh phí là trên 40 tỷ đồng. Chi phí để chuyển đổi cho một thiết bị cẩu khung container tại bãi từ dùng nhiên liệu diesel sang dùng điện cũng tốn khoảng 3 tỷ đồng. Một thiết bị nâng hạ container tại bãi dùng pin điện đắt hơn hai lần thiết bị dùng dầu diesel, chênh lệch mức đầu tư giữa hai thiết bị này lên đến trên 10 tỷ đồng/chiếc. Chi phí đầu tư lớn đang là rào cản với các doanh nghiệp trong việc hướng tới mục tiêu giảm phát thải. Nhưng, các doanh nghiệp không thể còn đường lùi khi theo lộ trình tới năm 2050, Việt Nam cam kết sẽ giảm phát thải ròng về 0. Đồng thời, cảng biển nằm trong mắt xích chuỗi logistics toàn cầu. Khi chuỗi logistics của thế giới “xanh” mà cảng không “xanh” sẽ bị “loại khỏi cuộc chơi”.

Do nhận thức được xu thế cảng xanh nên Cảng Đà Nẵng là một trong những cảng biển rất quyết liệt và đi đầu trong việc số hóa của Việt Nam. Đơn vị này đã có nhiều sáng kiến, giải pháp công nghệ có tính đột phá để chuyển đổi số nhằm tiết kiệm thời gian, xóa bỏ các thủ tục giấy, giúp khách hàng, đối tác thuận tiện giao dịch mọi lúc mọi nơi trên không gian số, vận hành trên một nền tảng – một dữ liệu.

Cảng Đà Nẵng triển khai nhiều phần mềm, giải pháp như cảng điện tử (ePort), sử dụng phần mềm quản lý hoạt động khai thác cảng (TOS), trạm nhiên liệu tự động, đặc biệt là vận hành thành công cổng container tự động (Autogate) đầu tiên trong hệ thống cảng biển Việt Nam. AutoGate sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tự động nhận diện các thông tin phương tiện, container, giấy phép lái xe, căn cước công dân, toàn bộ quá trình xác thực và đóng/mở barie cổng diễn ra tự động chỉ trong vòng 5 – 7 giây, so với 5 – 7 phút như thao tác thủ công trước đây. Phần mềm canh xe tự động (ECPS) và phần mềm điều xe (ETRACTOR) đã tối ưu hóa quãng đường di chuyển, giảm thiểu thời gian vô ích của các phương tiện trung chuyển container trong cảng, qua đó đã góp phần giảm lượng diesel tiêu thụ. Nhiều phương tiện thiết bị tại cảng cũng đã và đang chuyển sang dùng điện như các phương tiện bốc xếp, các loại cẩu, xe nâng, xe buýt nội bộ, xe kéo.

Chuyển đổi xanh là điều doanh nghiệp buộc phải làm. Tuy nhiên, nếu Nhà nước có cơ chế, chính sách như hỗ trợ doanh nghiệp nguồn tài chính, vốn vay ưu đãi, các doanh nghiệp có thể xúc tiến chuyển đổi nhanh hơn.

Hiện tại Cảng Đà Nẵng có một số mặt hàng sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ, Đông Bắc Á… Các thị trường này dần tiến đến yêu cầu các hãng tàu và các cảng mà tàu ghé qua lấy hàng phải “xanh”. Thậm chí, hiện nhiều hãng tàu đấu thầu dịch vụ đều yêu cầu doanh nghiệp cảng cung cấp tín dụng “xanh” mới được tham gia đấu thầu. Nếu các cảng biển của Việt Nam không chuẩn bị, sẽ không thể đón được các tàu lớn trong tương lai, thậm chí là không đủ điều kiện để đón tàu. Thấy rõ điều đó, lãnh đạo Cảng Đà Nẵng đã và đang tập trung mọi nguồn lực cho một cảng xanh đầu tiên tại miền Trung. Và Cảng Đà Nẵng đang phấn đấu để đạt được những tiêu chí ấy.


9 tháng năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các yếu tố về kinh tế – chính trị. Điều đó đã tác động trực tiếp đến hoạt động vận tải, chuỗi cung ứng hàng hóa và giá cả nhiều loại hàng hóa. Song, Cảng Đà Nẵng vẫn tăng trưởng tốt. Các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu, lợi nhuận đều vượt kế hoạch sản xuất kinh doanh do Đại hội đồng cổ đông năm 2024 thông qua.

– Tổng sản lượng thông qua tháng 9.2024 đạt 1.170.864 tấn, lũy kế 9 tháng đạt 10.344.732 tấn, tăng 15,39% so với cùng kỳ và đạt 79,21% kế hoạch năm 2024.

– Tổng sản lượng container thông qua tháng 9.2024 đạt 61.780 teus, lũy kế 9 tháng đạt 561.301 teus, tăng 14,07% so với cùng kỳ và đạt 80,19% kế hoạch năm 2024.

– Tổng doanh thu tháng 9.2024 đạt 120,57 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 1.102,35 tỷ đồng, tăng 16,33% so với cùng kỳ và đạt 79,88% kế hoạch năm 2024.

– Tổng lợi nhuận trước thuế tháng 9.2024 đạt 35 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 285,5 tỷ đồng, tăng 11,87% so với cùng kỳ và đạt 78,21% kế hoạch năm 2024.

3 tháng cuối năm 2024, Cảng Đà Nẵng tiếp tục tăng trưởng thị phần hàng hóa trong khu vực; đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, tìm kiếm khách hàng mới, nguồn hàng, mở rộng vùng hàng hóa cho cảng; bảo đảm tình hình tài chính Công ty an toàn, hiệu quả, tối ưu lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn. Tiếp tục thực hiện quản lý chi phí hiệu quả; tiếp tục nâng cao năng suất lao động và hiệu quả khai thác…

Cảng Đà Nẵng cũng sẽ tận dụng tối đa lợi thế của hệ sinh thái cảng biển – vận tải biển – logistics của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) để triển khai chương trình marketing chuỗi, cung cấp các dịch vụ ngoài bốc xếp, các dịch vụ logistics với định hướng “lấy khách hàng làm trung tâm”.


Báo Đại biểu nhân dân