Cảng Quy Nhơn đã hoạt động bình thường sau hơn nửa ngày tạm phong tỏa

28/07/21 8:26 PM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Sau hơn hơn nửa ngày bị tạm phong tỏa do liên quan ca nghi nhiễm Covid-19, đến 10h sáng nay, 28/7, toàn bộ hoạt động của cảng Quy Nhơn đã trở lại bình thường.

Cảng Quy Nhơn có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung – Tây Nguyên nói chung.

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC cho biết, sáng nay, Chủ tịch UBND Tp. Quy Nhơn đã ký Quyết định số 5292/QĐ – UBND về việc dừng phong tỏa cảng Quy Nhơn (địa chỉ: tổ 55, khu vực 10, phường Hải Cảng, Tp. Quy Nhơn) do đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Theo Quyết định số 5292, cảng Quy Nhơn sẽ được dừng phong tỏa từ 10h ngày 28/7/2021. UBND Tp. Quy Nhơn giao Công an thành phố, đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn, Trung tâm y tế thành phố, phường Hải Cảng và các đơn vị liên quan thực hiện việc dừng phong tỏa theo quy định.

Trước đó, vào chiều qua qua, UBND Tp. Quy Nhơn đã có Quyết định số 5264/QĐ – UBND về việc áp dụng biện pháp phong tỏa tạm thời đối với cảng Quy Nhơn từ 16h ngày 27/7/2021 sau khi 1 lái xe tải từng ra vào cảng dương tính với Covid-19.

Cảng Quy Nhơn hiện do VIMC nắm hơn 65% vốn điều lệ, là một trong những cảng biển lớn nhất tại khu vực Nam Trung Bộ. Năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua cảng này lên tới 11 triệu tấn.

Khử khuẩn xe trước khi vào cảng Quy Nhơn

Ông Trần Tuấn Hải cho biết, toàn bộ hệ thống cảng biển thuộc VIMC, trong đó có cảng Quy Nhơn đang thực hiện các biện pháp phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt để đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn, trong đó có việc tiến hành làm việc luân phiên 50% lực lượng lao động.

Tổng giám đốc và Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa ký văn bản liên tịch gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid -19; Bộ Y Tế; Uỷ Ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Bộ GTVT xin ưu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho thuyền viên, công nhân cảng biển.

Cụ thể, VIMC đề nghị 4 cơ quan nói trên xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan quản lý khác có liên quan xem xét khẩn cấp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi đưa thuyền viên Việt Nam, công nhân làm việc tại các cảng biển và dịch vụ hàng hải, một trong những đối tượng lao động đặc thù đã được quy định trong Bộ luật Lao động vào danh sách ưu tiên tiêm chủng vaccine phòng ngừa Covid 19 trong thời gian sớm nhất, để đảm bảo thuyền viên, công nhân làm việc tại cảng được tiêm đầy đủ vaccine để yên tâm công tác làm việc trên tàu và tại các cảng biển của Việt Nam.

“Đây là vấn đề có ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải biển và cảng biển”, lãnh đạo VICM nhấn mạnh.

Được biết, VICM hiện đang hoạt động trên ba lĩnh vực là vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải với khoảng 2,5 vạn lao động đang công tác làm việc tại các doanh nghiệp Tổng công ty cả trên bờ và trên các tàu biển, đây cũng là khâu trọng yếu trong việc vận chuyển, lưu thông hàng hoá phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu đáp ứng cho yêu cầu phát triển kinh tế.

Báo Đầu tư