“Sau hơn một năm đã đưa vào khai thác, cảng Sóc Trăng đã đạt sản lượng hàng hóa thông qua hơn 110.000 tấn, đáng chú ý, lượng hàng container từ đầu năm 2019 đến nay liên tục tăng”, ông Nguyễn Văn Phương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ phấn khởi cho biết.
Đẩy mạnh kết nối dịch vụ logistics
Cũng theo ông Nguyễn Văn Phương, Cảng Sóc Trăng được đưa vào vận hành từ tháng 4/2018, cảng có tổng diện tích 4 ha, kinh phí đầu tư trên 114 tỷ đồng, cầu cảng dài 200m, công suất thiết kế lượng hàng hóa thông qua cảng là 750.000 tấn/năm; cảng có kho chứa hàng 1.306 m2 và bãi chứa hàng gần 11.000 m2, có dịch vụ bốc xếp, cung cấp nhiên liệu tại chỗ…
Ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, cảng Sóc Trăng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hoạt động vận tải đường thủy nội địa của tỉnh Sóc Trăng.
“Khi cảng Sóc Trăng đi vào khai thác sẽ giảm được chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đầu tư cho hạ tầng giao thông. Trong thời gian tới cảng Sóc Trăng sẽ trở thành mắt xích quan trọng để phát triển hoạt động vận tải đường thủy nội địa khu vực”, ông Lê Thành Trí nói.
Bổ xung thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phương đánh giá, việc cảng Cần Thơ đưa cảng sông Sóc Trăng vào hoạt động nằm trong chiến lược phát triển mở rộng các chuỗi dịch vụ vận tải đường thủy nội địa và logistics trọn gói do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đang cung cấp nhằm kết nối hàng hóa từ tỉnh Sóc Trăng và các tỉnh khu vực hạ lưu sông Hậu với hệ thống các cảng biển trực thuộc Công ty CP Cảng Cần Thơ nói riêng và cũng như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung.
“Ngoài ra, việc đưa cảng vào khai thác còn tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư tham gia vào Khu công nghiệp An Nghiệp, cụm công nghiệp Sóc Trăng và khu dịch vụ cảng sông thành phố Sóc Trăng”, ông Phương cho hay
Cần Thơ sẽ trung tâm logistics khu vực ĐBSCL
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tại Quyết định số 1012/QĐ ngày 3/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL sẽ phát triển một trung tâm logistics hạng hai quy mô tối thiểu 30 héc ta đến năm 2020 và trên 70 héc ta đến năm 2030.
Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam dự báo nhu cầu vận tải khu vực ĐBSCL sẽ gia tăng nên nhu cầu có địa điểm tập kết hàng hóa và thực hiện các dịch vụ tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm như đóng gói, bao bì, dán nhãn, thậm chí phân phối để tạo ra tiện ích trong hoạt động logistics là chính đáng.
Với kết nối giao thông, vị trí chiến lược và khả năng cung cấp nguồn nhân lực, việc chọn Cần Thơ để xây dựng trung tâm logistic và tạo nên nhiều chuỗi logistic là rất cần thiết.
Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Tại cụm cảng Cái Cui, vị trí đắc địa nhất để làm cảng ở Cần Thơ hiện tại, đã có hai nhà đầu tư cảng đang khai thác là Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ và Tân cảng Cái Cui với 540m cầu tàu.
“Hiện nay, Chính phủ đã cho phép thành phố Cần Thơ quy hoạch nơi đây thành Trung tâm logistics hạng II với diện tích 242ha , cầu tàu dài 1.200m. Địa phương đang xúc tiến và làm trung gian để hai đơn vị đang khai thác hợp lực, khai thác Trung tâm logistics này sao cho có hiệu quả tốt nhất”.
Bên cạnh đó, theo báo cáo từ VIMC, hiện cảng Cần Thơ là một trong những cảng biển quốc gia, đầu mối khu vực loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Với lợi thế là cảng biển quốc tế, cảng có thể tiếp nhận các tàu biển quốc tế có tải trọng đến 20.000 DWT tại 4 cầu cảng, tổng chiều dài 667m, và 14 bến phao trải dài trên Sông Hậu.
Ngoài 2 chi nhánh là cảng Hoàng Diệu và cảng Cái Cui, Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ còn có thêm 3 trạm đại diện tại Hòn chông-Kiên Giang, Vàm Cái Sắn – Cần Thơ và Duyên Hải – Trà Vinh. Ngoài ra, với “cánh tay nối dài” là cảng Sóc Trăng, sẽ giúp tập trung nguồn hàng để phát triển tuyến container cho khu vực này.
“Như vậy, về tương lai gần, Cần Thơ xứng đáng trở thành trung tâm logistic khu vực ĐBSCL”, lãnh đạo VIMC đánh giá.
Vietnamfiance