Ngày 28/6/2021, tại thành phố Hải Phòng, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) – doanh nghiệp thành viên hàng đầu trong lĩnh vực vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã được tổ chức.
Hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển, VOSCO có bề dày kinh nghiệm trong vận hành và khai thác đội tàu biển có trọng tải lớn (12 tàu, tổng trọng tải hơn 400.000 tấn DWT) đa chủng loại (tàu hàng khô, tàu chở dầu sản phẩm, tàu container), hoạt động trên các tuyến vận tải toàn cầu, hàng năm vận tải hơn 5 triệu tấn hàng hóa, đóng góp rất lớn cho chiến lược phát triển chuỗi dịch vụ logistics trọn gói của VIMC. Đội ngũ thuyền viên và cán bộ quản lý kỹ thuật, quản lý khai thác của VOSCO là những người có kinh nghiệm với trình độ chuyên môn hàng đầu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nói riêng và ngành hàng hải Việt Nam nói chung, đã tạo nên thế mạnh riêng của VOSCO.
Đại hội cổ đông năm 2021 của VOSCO đánh dấu những bước chuyển, những thay đổi mạnh mẽ trong kế hoạch kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025. Trong 10 năm (2010 – 2020), ngành vận tải biển Việt Nam và thế giới đã phải đối mặt với một chu kỳ suy thoái ngành sâu và dài nhất trong lịch sử. Chỉ số tàu hàng khô khu vực Bantic (BDI) là chỉ số thể hiện mức giá cước thuê tàu đã tụt xuống mức thấp nhất lịch sử (290 điểm). Các công ty vận tải biển trong đó có VOSCO đã phải vật lộn để tồn tại và duy trì hoạt động của đội tàu, chờ đợi cơ hội phục hồi của thị trường vận tải biển. Từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021, dù vẫn chịu tác động rất lớn của đại dịch Covid 19 nhưng thị trường vận tải biển đã có dấu hiệu phục hồi (chỉ số BDI đã đạt cột mốc trên 3.000 điểm) và được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng trưởng này đến hết năm 2021 và năm 2022.
Làm tốt công tác dự báo và kịp thời nắm bắt diễn biến tích cực của thị trường, VOSCO đã triển khai những giải pháp thị trường, quản trị doanh nghiệp và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển nhằm đưa VOSCO bước vào một giai đoạn phát triển mới. VOSCO là doanh nghiệp đã phát triển mạnh hoạt động thuê tàu đưa vào khai thác bên cạnh đội tàu mà Công ty sở hữu, nhằm tận dụng lợi thế của hệ thống quản lý kỹ thuật, quản lý khai thác có nhiều kinh nghiệm, đạt tiêu chuẩn quốc tế để tăng quy mô hoạt động của doanh nghiệp. VOSCO đã tăng cường công tác thị trường với trọng tâm phát triển các hợp đồng vận tải dài hạn với chân hàng lớn (hợp đồng COA); tích cực đàm phán để điều chỉnh giá cước hợp đồng theo diễn biến tích cực của thị trường; phát triển các tuyến vận tải có hiệu quả kinh tế cao (Atlantic, Nhật Bản, Châu Âu, Úc …); áp dụng và triển khai các giải pháp công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tàu (áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát tiêu thụ nhiên liệu, vật tư, phụ tùng thay thế, kiểm soát tốc độ khai thác, v.v…)
Tại Đại hội, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2020 và kế hoạch kinh doanh năm 2021 của VOSCO cho thấy: sản lượng vận tải năm 2020 đạt 6,67 triệu tấn (124,3% kế hoạch), doanh thu đạt 1.362 tỷ đồng (106,24 % kế hoạch), lợi nhuận (lỗ) 187 tỷ đồng. Năm 2021, VOSCO đặt ra mục tiêu, sản lượng vận tải đạt 05 triệu tấn, doanh thu đạt 1.227 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 30 tỷ đồng. Đây là mục tiêu có phần khiêm tốn và thận trọng trong bối cảnh thị trường vận tải biển có nhiều diễn biến tích cực, đồng thời VOSCO và VIMC đã có nhiều biện pháp và chiến lược phát triển đối với doanh nghiệp.
Để đảm bảo cho VOSCO phát triển bền vững, đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe trong hoạt động vận tải biển, VIMC đã có chiến lược thanh lý các tàu biển có tuổi tàu cao, khó đáp ứng các điều kiện về môi trường và đầu tư bổ sung các tàu thế hệ mới, tiết kiệm nhiên liệu, đáp ứng điều kiện để hoạt động tại tất cả các vùng biển toàn cầu. Cụ thể, trong giai đoạn đến 2025, VOSCO sẽ bán thanh lý 03 tàu: ĐẠI NAM, ĐẠI MINH, NEPTUNE STAR (tháng 4/2021, VOSCO đã bán thành công tàu ĐẠI NAM, trọng tải 47.102 tấn) và đầu tư 04 tàu (cỡ Supramax với tổng trọng tải khoảng 200.000 tấn) thế hệ ecoship với tổng trọng tải 186.000 tấn để tận dụng thế mạnh của Công ty và cơ hội rất tốt của thị trường trong thời gian tới.
Để đảm bảo nguồn lực cho hoạt động đầu tư và nâng cao năng lực tài chính, VOSCO triển khai các biện pháp mạnh mẽ tái cơ cấu tài chính với các ngân hàng và các tổ chức tín dụng với mục tiêu xử lý nợ dứt điểm với VDB và các ngân hàng thương mại. Năm 2020, VOSCO đã tái cơ cấu nợ với Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam – VCB với doanh thu tài chính ghi nhận tăng thêm 679 tỷ đồng.
Theo chiến lược phát triển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – VIMC giai đoạn 2021 – 2025, VOSCO vẫn là doanh nghiệp hàng đầu trong các doanh nghiệp vận tải biển cùng hệ thống các doanh nghiệp cảng biển, dịch vụ hàng hải tạo nên chuỗi dịch vụ logistics trọn gói (door to door). Để tạo tính chủ động, linh hoạt cho doanh nghiệp, phù hợp với phương án cổ phần hóa VIMC đã được Chính phủ phê duyệt, VIMC sẽ thoái vốn tại VOSCO để chỉ nắm giữ 49% vốn điều lệ (giảm từ nắm giữ 51% vốn điều lệ). VIMC sẽ tiếp tục chỉ đạo VOSCO triển khai việc tái cơ cấu tài chính thông qua việc mua bán nợ giữa Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các tổ chức tài chính với mục tiêu tái cơ cấu xong các khoản nợ trong năm 2021.
Tại Đại hội, các cổ đông cũng đã tiến hành bầu bổ sung, thay thế 05 thành viên HĐQT; sửa đổi, bổ sung Điều lệ doanh nghiệp theo các quy định tại Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14, sửa đổi quy chế quản trị nội bộ và các quy chế có liên quan./.