Gỡ nút thắt hiệu quả quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa

15/10/22 8:18 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Nhìn nhận công tác quản trị tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn hạn chế, lãnh đạo UBQLVNN khẳng định thời gian tới sẽ chú trọng các giải pháp, thay đổi cách nghĩ, cách làm để nâng cao hiệu quả.

Gỡ nút thắt hiệu quả quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa - 3

Chiều 14/10, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) tổ chức hội nghị Đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBQLVNN Hồ Sỹ Hùng cho biết có 7 trong số 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã tiến hành cổ phần hóa. Quá trình cổ phần hóa giúp kết quả sản xuất kinh doanh được nâng cao, bộ máy điều hành linh hoạt hơn. Không ít vấn đề về tài chính đã được tháo gỡ; tính minh bạch trong các hoạt động sản xuất kinh doanh được nâng cao.

Tuy nhiên, thực tế công tác quản trị công ty tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa vẫn còn một số hạn chế: cơ chế lương thưởng và đãi ngộ đối với HĐQT, Ban kiểm soát chưa thực sự thích đáng; cơ cấu cổ đông chưa hợp lý do Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo; một số doanh nghiệp chưa có sự đổi mới thực sự trong quản trị công ty.

05.jpg

Phó Chủ tịch UBQLVNN Hồ Sỹ Hùng cho biết Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước với mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp

Cổ phần hóa 13 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước 20.859 tỷ đồng

Trình bày báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (UBQLVNN), thông tin giai đoạn từ năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp Nhà nước do UBQLVNN làm đại diện chủ sở hữu đã hoàn thành cổ phần hóa 13 doanh nghiệp với tổng giá trị thu về cho Nhà nước là 20.859 tỷ đồng.

Hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hiệu quả hơn, 90% doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh cao, vốn điều lệ và nộp ngân sách đều tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình 3 năm sau cổ phần hóa đạt 15,4%, tăng cao so với trung bình 12,4% của giai đoạn trước đó.

Về quản trị chiến lược, một số doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư hơn với ý thức và tầm nhìn xa, rộng hơn thông qua việc hoạch định các chiến lược từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn; doanh nghiệp đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra các chiến lược với nội dung thực tế, chính xác và phù hợp với hoàn cảnh; các chiến lược mang nặng tính áp đặt, không có tính thực tiễn bị loại bỏ hoàn toàn.

Gỡ nút thắt hiệu quả quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa - 2

Theo Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Phạm Tuấn Anh, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đang làm tốt công tác quản trị tài chính, quản trị chiến lược, quản trị nhân sự

Về quản trị tài chính, việc điều chỉnh tăng lượng vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không còn là yếu tố khó khăn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sau cổ phần hóa không còn quá nhiều tồn tại trong vấn đề vốn vay và nợ xấu. Tính minh bạch và rõ ràng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp được chú trọng và được đưa ra thảo luận, kiến nghị ở các cuộc họp cổ đông thường niên.

Về quản trị nhân sự, nhân lực được mở rộng cả về chất và lượng chính là một trong những yếu tố cốt lõi để hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tăng cao. Quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, các cổ đông tham gia góp vốn cũng được thực hiện tốt hơn.

Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế cần được khắc phục trong hoạt động quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa như: nhiều doanh nghiệp vẫn áp dụng các phương thức, biện pháp quản trị của doanh nghiệp nhà nước trước đây; mặc dù có những doanh nghiệp đã thực hiện và áp dụng các quy trình, cách thức quản trị mới nhưng cách làm còn mang nặng tính hình thức, chưa chú trọng vào chất lượng thực sự.

Tạo động lực cho đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp

Báo cáo tham luận, ông Trần Tuấn Hải, Trưởng Ban Tuyên giáo – Truyền thông Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), cho biết việc thay đổi quy định pháp luật về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, đồng thời phát sinh việc chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu tại tổng công ty nên quá trình cổ phần hóa VIMC đã gặp phải những khó khăn, vướng mắc và kéo dài thời gian thực hiện.

Thứ nhất, khó khăn trong việc xác định vốn điều lệ của công ty cổ phần; thứ hai là khó khăn trong xây dựng phương án cổ phần hóa đảm bảo thu hút được các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần; thứ ba là việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược; thứ tư là việc xác định số cổ phần bán được là số cổ phần phát hành thêm; cuối cùng là khó khăn trong công tác quyết toán tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Đối với khó khăn thứ hai, ông Hải cho biết VIMC vừa trải qua giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ 2012-2015 và còn đang phải tiếp tục thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp, nguồn lực của tổng công ty rất hẹp. Tuy nhiên, doanh nghiệp đã tìm ra những giải pháp phù hợp và năm 2021, sau khi chuyển thành công ty cổ phần, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận của tổng công ty đều tăng trưởng ấn tượng. Doanh thu đạt 14.300 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2020; lợi nhuận đạt 3.640 tỷ đồng, tăng gấp 7,3 lần.

Ông Trần Tuấn Hải – Trưởng Ban Tuyên giáo – Truyền thông Tổng công ty Hàng hải Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị

Để hoàn tất công tác cổ phần hóa, VIMC kiến nghị UBQLV sớm phê duyệt giá trị quyết toán tài chính cổ phần hóa tại thời điểm tổng công ty chính thức chuyển thành công ty cổ phần; đồng thời, đề nghị UBQLV và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tại VIMC để đảm bảo thu hút được nhà đầu tư tham gia, hỗ trợ VIMC trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm theo Chiến lược phát triển của VIMC giai đoạn 2021-2030.

Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tạo động lực tích cực cho đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, nhất là ở những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuần túy theo kinh tế thị trường. Hiệu quả của nó cũng đo lường được rõ ràng thông qua so sánh với doanh nghiệp tư nhân, FDI.

Tuy nhiên, UBQLVNN vẫn cần tiếp tục quan tâm giải quyết các cơ chế chính sách trong quản trị vốn Nhà nước thông qua người đại diện vốn để các doanh nghiệp cổ phần Nhà nước có được tính chủ động và linh hoạt gần tương đương với Nhà nước tư nhân, FDI.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng đánh giá cao những tham luận, ý kiến đóng góp tại Hội nghị. Theo đó, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị đều thống nhất với quan điểm công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp và hoạt động hiệu quả hơn so với trước, tạo nguồn thu cho ngân sách; cơ bản đạt được mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động. Bên cạnh đó, quá trình này giúp tăng cường minh bạch thông tin đối với các doanh nghiệp nhà nước theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với các công ty đại chúng.

Tổng kết lại những chia sẻ về kinh nghiệm cổ phần hóa và quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng khẳng định các tham luận, ý kiến đóng góp tại Hội nghị có ý nghĩa rất lớn đối với các cơ quan quản lý, cũng như các doanh nghiệp đang trong quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Dân trí