Sáng 12/6, tại Phú Yên, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Phú Yên đã tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam năm 2022. Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tới dự, chỉ đạo và điều hành Diễn đàn.
Chủ tịch HĐQT Lê Anh Sơn đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam(VIMC) tham dự hội nghị và có một số đề xuất, kiến nghị trong tham luận tại Diễn đàn.
Diễn đàn đã đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế, yếu kém sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Hội nghị TW 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”, đồng thời đề ra một số giải pháp, biện pháp phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về bảo vệ biển đảo quê hương của Đảng, Nhà nước, các thông điệp của Liên hợp quốc đến các cấp, ngành, địa phương, tạo sự lan tỏa trên diện rộng góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, chủ quyền biển, đảo; trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường biển, đảo trong cộng đồng; tạo điều kiện và quyền hợp pháp cho mọi người dân tham gia các hoạt động đóng góp chung vào những nỗ lực của quốc gia về bảo vệ môi trường biển, đảo bằng hành động cụ thể, thiết thực.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn.
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, đồng chí Trần Tuấn Anh nêu rõ, Việt Nam là quốc gia ven biển với gần 50% dân số sinh sống ở vùng duyên hải tại 28 tỉnh, thành, kinh tế biển đã đóng góp 60% GDP. Đảng và Nhà nước luôn đặc biệt chú trọng vai trò của biển trong bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Từ khi ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW đến nay, các cơ quan TW và địa phương ven biển đã triển khai thực hiện Nghị quyết với kết quả tích cực, toàn hệ thống chính trị và người dân nâng cao nhận thức vị trí, vai trò biển, đảo trong phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền quốc gia; hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển chủ động triển khai toàn diện; kinh tế biển đang trở thành động lực phát triển của đất nước; hoạt động nghiên cứu khoa học, điều tra cơ bản, phát triển nguồn nhân lực về biển đạt được nhiều kết quả, công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường biển, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng được chú trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế TW cho biết sau hơn 10 năm thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam”, dù có nhiều tiềm năng, quy mô kinh tế biển vẫn còn khiêm tốn, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý. Đồng thời, môi trường biển biến đổi theo chiều hướng xấu, đa dạng sinh học và nguồn lợi thuỷ sản đang giảm sút nghiêm trọng.
Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cho rằng những hạn chế trên chủ yếu đến từ nguyên nhân chủ quan như tổ chức bộ máy phát triển kinh tế biển còn nhiều bất cập. “Các phương thức quản lý biển mới còn chậm áp dụng như quản trị theo không gian, quản lý tổng hợp vùng bờ biển, chưa bố trí nguồn lực phát triển phù hợp”, ông Tuấn Anh đặt vấn đề.
Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC, Lê Anh Sơn phát biểu tại diễn đàn
Là một doanh nghiệp nhà nước với vai trò nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam luôn vươn lên vị trí dẫn đầu, dẫn dắt sự phát triển của ngành, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) nhấn mạnh: Một trong những chủ trương lớn và khâu đột phá tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là ưu tiên kinh tế hàng hải đứng thứ hai trong việc phát triển các ngành kinh tế biển.
Nhằm gia tăng năng lực khai thác, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW “Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng logistics và các tuyến đường giao thông, kết nối liên thông các cảng biển các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế”, Tổng công ty tập trung đầu tư phát triển để hình thành ít nhất 03 trung tâm logistics lớn tại khu vực miền Bắc (Hải Phòng, Hà Nội), miền Trung (Đà Nẵng, Quy Nhơn), miền Nam (khu vực Cái Mép – Thị Vải, ĐBSCL).
Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động đầu tư phát triển hệ thống ICD, kho bãi mới còn chậm do khả năng tiếp cận quỹ đất tại các vùng kinh tế trọng điểm gặp nhiều khó khăn vì hạn chế về quỹ đất và giá đất tăng cao. Các doanh nghiệp rất khó xác định, tìm kiếm được khu vực vừa có quỹ đất phù hợp, vừa đảm bảo khả năng kết nối giao thông thuận lợi, vừa nằm gần nguồn hàng, có đủ quỹ đất để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài, có diện tích tối thiểu 05 ha đối với các cảng cạn hình thành mới theo quy định. Vì vậy, VIMC rất mong những khó khăn, vướng mắc này sớm được giải quyết trong thời gian tới.
Cũng theo Chủ tịch HĐQT VIMC xu hướng của thế giới là phát triển vận tải container vì tiết kiệm thời gian và chi phí. Ở Việt Nam, đến nay mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình container hóa để hòa nhập với thế giới.
“Chúng ta chưa phát triển được đội tàu container chuyên nghiệp có thể cạnh tranh với nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam được hưởng lợi ít vì hầu hết hàng xuất nhập khẩu đều do các hãng tàu quốc tế đảm nhận” – ông nói. Theo đó, ông Sơn đề nghị Việt Nam cần phải đầu tư các đội tàu mạnh để đủ sức cạnh tranh.
Các đại biểu trao đổi thông tin tại diễn đàn.
Cũng tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: Kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; giải pháp phát triển khoa học và công nghệ thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh ven biển; đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển…
Sáng cùng ngày, Triển lãm cộng đồng giới thiệu các tranh, ảnh với chủ đề bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học biển, đảo, đại dương đã diễn ra bên lề diễn đàn./.