Giảm chi phí logistics là một yêu cầu quan trọng nhằm gia tăng cạnh tranh và thu hút đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí logistics tại nước ta hiện nay vẫn rất cao, gặp nhiều khó khăn trong việc giảm giá thành vận chuyển, kho bãi.
Chi phí vận chuyển logistics của Việt Nam gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt cả trong và ngoài nước thì kiểm soát chi phí là một biện pháp hữu hiệu giúp cạnh tranh tốt hơn. Chi phí logistics ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, do đó, chi phí này cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam.
Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được vận tải đa phương tiện
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới World Bank (WB), chi phí vận chuyển logistics của Việt Nam tính theo tỷ trọng GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển và cao hơn 4% mức bình quân toàn cầu.
Ông Trần Đức Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta đánh giá, cơ sở hạ tầng của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện so với trước đây nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Tuyến trục vận tải Nam – Bắc vẫn phụ thuộc rất lớn vào đường bộ, hạ tầng giao thông không được kết nối dẫn đến tăng chi phí, phí BOT cũng chiếm 13 – 15%
Báo cáo logistics Việt Nam của Bộ Công thương chỉ rõ, vận tải hàng hóa bằng đường bộ chiếm tỷ lệ hơn 76% trong khi chi phí đường bộ không hề rẻ. Bên cạnh đó, vận tải đường biển và thủy nội địa, hai phương thức phù hợp với lợi thế địa lý Việt Nam chỉ chiếm 4,9% và 18%. Vận tải hàng không chiếm phần rất nhỏ (0,03%).
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin tạo ra khả năng tối ưu hóa quãng đường và nâng cao hiệu suất vận tải hàng hóa, tuy nhiên hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có đủ công nghệ để làm việc này.
Ngoài ra, việc kết nối giữa các loại hình vận tải, đặc biệt là giữa đường thủy nội địa với đường bộ không đồng bộ. Về nguyên tắc, chi phí vận tải thủy nội địa rẻ hơn nhiều so với đường bộ, nhưng sự kết nối giữa các công đoạn để làm thủ tục thiếu đồng bộ, chờ đợi bốc xếp ở hai đầu quá lâu, kéo dài thời gian dẫn đến giá thành bị đẩy lên cao.
Đa dạng hóa phương thức vận tải
Để giảm chi phí không đáng có khi vận chuyển hàng hóa nội địa và nước ngoài, cần sự phối hợp của các cơ quan ban ngành, hoàn thiện cơ chế phát triển logistics; hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, ứng dụng các công nghệ mới trong logistics, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics… Trong số đó, phải tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không.
Ông David John Mavin – Phó Chủ tịch Phòng thương mại Australia tại Việt Nam chia sẻ, Việt Nam cần tăng cường vận tải đường thủy nội địa và đường biển nhằm thực hiện vận tải đa phương thức thay vì lệch hẳn về đường bộ như hiện nay. Ưu điểm của vận tải thủy nội địa là chuyên chở được khối lượng lớn sẽ giúp giảm chi phí.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, cần xây dựng các trung tâm logistics có vai trò tối ưu hóa mức dự trữ, đảm bảo chất lượng cao dịch vụ khách hàng, tối thiểu thời gian lưu chuyển hàng hóa và giảm chi phí tới mức tối đa. Cùng với đó, cần có các quy định rõ ràng và hợp lý cho hoạt động chuyên môn, chuyên ngành và phải đạt được các tiêu chuẩn và hiệu suất chất lượng tương đương của Châu Âu để cung cấp các giải pháp vận chuyển thương mại mang tính toàn cầu và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác quốc tế để tạo được mạng lưới đối tác rộng khắp trên thế giới. Mạng lưới đối tác nước ngoài sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa Việt Nam thực hiện được các dịch vụ trọn gói theo yêu cầu của các nhà xuất – nhập khẩu. Thông qua hợp tác quốc tế sẽ hình thành các trung tâm logistics ở nước ngoài làm đầu cầu, tập kết và phân phối hàng hóa Việt Nam đến các thị trường quốc tế./.