Sau cổ phần hoá, VIMC đẩy mạnh hợp tác với các hãng tàu lớn

5/08/19 10:28 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

“Minh chứng rõ nét nhất là chỉ sau 1 năm hoạt động, Trung tâm khai thác tàu container của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã khai thác 5 tàu container hoạt động chuyên tuyến nội địa và quốc tế, thông qua các cảng nước sâu, cảng trung chuyển do VIMC quản lý”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q.Tổng giám đốc VIMC cho biết.

Theo VIMC, việc xây dựng trung tâm khai thác tàu container là chủ trương nhằm tập trung nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh đội tàu container hiện có, giành thị phần và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng của VIMC trong hoàn cảnh ngành vận tải biển gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, Trung tâm là kênh trung gian thu hút khách hàng, đối tác nước ngoài cho khối cảng và khối logistics của Tổng công ty, góp phần duy trì ổn định và tăng trưởng nguồn thu, nâng cao hiệu quả tổng thể hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bà Đỗ Ngọc Trang, Giám đốc Trung tâm khai thác tàu container VIMC cho biết: “Hiện tại Trung tâm đang hợp tác khai thác 5 tàu container hoạt động chuyên tuyến nội địa và quốc tế, kết nối ba miền Bắc – Trung – Nam Việt Nam với Hồng Kông, Nam Trung Quốc”.

“Trung tâm sẽ cung cấp dịch vụ vận chuyển container đa dạng với chất lượng ổn định lâu dài về lịch tàu, thiết bị…cũng như các dịch vụ gia tăng khác với mục đích đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng”.

Bà Trang cũng cho biết thêm, “thực hiện chủ trương của VIMC, Trung tâm đã kết nối các hãng tàu quốc tế thuộc nhóm 20 hãng tàu container lớn nhất trên thế giới (ONE, HMM, GSL, HPL, CMA, Evergreen…) với dịch vụ vận tải biển/cảng/depot thuộc VIMC”.

“Cụ thể, Trung tâm đã hợp tác với hãng tàu Huyndai- Hàn quốc triển khai dịch vụ vận tải container chung trên tuyến Hải Phòng- Yantian- Hồng Kông- Đà Nẵng – Thành phố Hồ Chí Minh. Hợp tác với hãng tàu Gold Star Lines/ZIM- Israel triển khai dịch vụ vận tải container chung trên tuyến Hải Phòng –Khâm Châu- Dachanbay – Hồng Kông – Cái Mép Thị Vải- Thành phố Hồ Chí Minh. Ký kết các Hợp đồng nguyên tắc CCA với hãng tàu CMA-CGM, Hapag Lloyd, Cosco, Yangming, PIL…vận chuyển hàng hóa trên các tuyến feeder trong nước và quốc tế”.

Trao đổi với VietnamFinance, Quyền Tổng giám đốc VIMC, Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh khẳng định “Trong chiến lược phát triển vận tải biển sau cổ phần hóa, chúng tôi sẽ tiến hành mở rộng đầu tư, hợp tác với các hãng tàu vận chuyển hàng container giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới thông qua các cảng trung chuyển, hệ thống các cảng nước sâu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, tiến tới tham gia các liên minh vận tải biển quốc tế nhằm có sự hiện diện là một đơn vị trung chuyển hàng container trong khu vực”.

Vinalines sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước với 84 tàu, tổng trọng tải 1.800.625 tấn, tại thời điểm 31/12/2017, chiếm 25% tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia.

Hệ thống cảng biển trọng yếu trải dài Bắc – Trung – Nam với chiều dài 13.000 m (chiếm 1/5 tổng chiều dài cầu cảng cả nước). Hệ thống kho bãi lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích 263 ha.

Hiện Vinalines vận hành 15 công ty cảng trải dài khắp cả nước, tại những khu vực kinh tế trọng điểm, liên kết chặt chẽ với hệ thống vận tải nội địa, khu vực và quốc tế.

Về vận tải biển, tổng công ty chiếm 25% tổng trọng tải đội tàu biển của Việt Nam với tập khách hàng đều là những công ty đầu ngành. Tuổi trung bình của đội tàu sẽ giảm đáng kể sau tái cấu trúc và hoạt động trở nên chuyên biệt hơn.

Vietnamfiance