Trong khuôn khổ chuyến công tác tại châu Âu, ngày 30/9 (giờ địa phương), đoàn đại biểu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh dẫn đầu đã có buổi làm việc với Hội đồng Đầu tư và Thương mại Thụy Điển. Bà Emma Broms – Giám đốc phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á (Hội đồng Đầu tư và Thương mại Thụy Điển) tiếp và làm việc với đoàn.
Tham gia đoàn đại biểu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có đại diện lãnh đạo Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Vụ Nông nghiệp, Vụ Công nghiệp và đại diện lãnh đạo các Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Tham dự buổi làm việc, về phía Thụy Điển, có đại diện Cơ quan Tài chính Xuất khẩu Thụy Điển (EKN), Tổ chức tài chính Swedfund, Hội đồng Công nghiệp Thụy Điển, Tập đoàn ADB, Công ty Tư vấn hàng không LFV, Tập đoàn Ericsson…
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao quà lưu niệm tặng bà Emma Broms – Giám đốc phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á (Hội đồng Đầu tư và Thương mại Thụy Điển)
Mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Điển đã có một lịch sử phát triển lâu dài và bền vững, trải qua hơn 55 năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1969. Thụy Điển là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, đồng thời cũng là một trong những nước có phong trào ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam mạnh mẽ nhất.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh và đoàn đại biểu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nghe giới thiệu về Hội đồng Đầu tư và Thương mại Thụy Điển
Trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, thương mại, đầu tư đến văn hóa, giáo dục. Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2020 đã tạo ra một động lực mới cho hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Về hợp tác kinh tế, Thụy Điển là một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Các công ty Thụy Điển đã có mặt tại Việt Nam từ lâu và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, và sản xuất. Đầu tư từ Thụy Điển vào Việt Nam cũng tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây, tập trung vào các ngành công nghiệp có tiềm năng cao.
Phát biểu tại buổi làm việc, bà Emma Broms, Giám đốc phụ trách khu vực Nam Á và Đông Nam Á của Hội đồng Đầu tư và Thương mại Thụy Điển, đã nhấn mạnh tiềm năng hợp tác lớn giữa hai nước và bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng phát triển của mối quan hệ đối tác này. Bà Emma Broms cho biết, các công ty Thụy Điển đang rất quan tâm đến các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp xanh.
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại buổi làm việc
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hội đồng Đầu tư và Thương mại Thụy Điển trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước. Với mạng lưới rộng khắp gồm gần 50 văn phòng và hơn 500 nhân viên trên toàn cầu, Hội đồng đã và đang kết nối hiệu quả các doanh nghiệp Thụy Điển với các đối tác tại Việt Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của Hội đồng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cũng cho biết đoàn đại biểu của Ủy ban đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác sâu rộng hơn với các doanh nghiệp Thụy Điển, tập trung vào các lĩnh vực tiềm năng như viễn thông, công nghệ thông tin, hàng không và hàng hải.
Buổi làm việc giữa hai bên đã tạo ra một diễn đàn quan trọng để các doanh nghiệp của hai nước trao đổi thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác và thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương ngày càng phát triển.
Phó Tổng giám đốc VIMC, Lê Quang Trung thuyết trình tại phiên thảo luận với các doanh nghiệp Thuỵ Điển
VIMC đã có phiên thảo luận riêng với các doanh nghiệp đối tác bên phía Thụy Điển, tập trung vào lĩnh vực hàng hải. Trong phiên thảo luận này, Phó Tổng giám đốc VIMC, Lê Quang Trung đã giới thiệu về hoạt động của Tổng công ty, trình bày chi tiết về hệ thống logistics, đội tàu, mạng lưới cảng biển và các dự án phát triển cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế. Đại diện VIMC cũng nêu bật tiềm năng phát triển của ngành hàng hải Việt Nam, đặc biệt là nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng biển, nâng cao năng lực dịch vụ logistics, ứng dụng công nghệ thông minh cho ngành Hàng hải.
Phía Thụy Điển cũng chia sẻ kinh nghiệm và trình bày những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực hàng hải, đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác với VIMC trong các dự án đầu tư phát triển cảng biển, nâng cao năng lực quản lý và khai thác cảng biển, ứng dụng công nghệ xanh trong lĩnh vực hàng hải, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Buổi làm việc đã kết thúc với nhiều đề xuất cụ thể và cam kết từ cả hai phía về việc đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quan hệ kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Thụy Điển, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới cho VIMC cũng như các doanh nghiệp Việt Nam khác trong lĩnh vực hàng hải.