Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty tăng cường kết nối, xúc tiến thương mại và tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Canada

15/08/24 9:39 PM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Trong chuyến thăm và làm việc tại khu vực Bắc Mỹ, ngày 14/8, đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy dẫn đầu đã phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Canada, Cơ quan phát triển xuất khẩu Canada (EDC) và Hội đồng Doanh nghiệp Canada-ASEAN (CABC) tổ chức buổi tọa đàm tại Toronto nhằm kết nối doanh nghiệp của hai nước cũng như tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, sản xuất và tài chính.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp Canada về cơ hội đầu tư vào Việt Nam

Sự kiện thu hút mối quan tâm của nhiều tổ chức và doanh nghiệp của cả hai nước, trong đó có Hội đồng kinh doanh Canada-ASEAN (CABC) – tổ chức đại diện cho hơn 80 doanh nghiệp hàng đầu Canada hoạt động tại khu vực này. Các doanh nghiệp của Việt Nam đi theo đoàn đã có cơ hội giới thiệu về năng lực cũng như khả năng liên doanh hợp tác với phía Canada nhằm tạo nên sự kết nối giữa hai nền kinh tế trong sản xuất và cung ứng hàng hóa.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy phát biểu tại tọa đàm giữa doanh nghiệp Canada và Việt Nam

Phát biểu tại buổi tọa đàm Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy cho biết: Đến hết năm 2023, Việt Nam có 676 doanh nghiệp nhà nước, trong đó gồm 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng tài sản là khoảng 150 tỷ USD, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước; các doanh nghiệp này đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Đảng và Chính phủ Việt Nam xác định lấy đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước.

Nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước và tách bạch chức năng quản lý nhà nước, chức năng đại diện chủ sở hữu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã được Chính phủ Việt Nam thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong 16 ngành, lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật; trong đó, có 7 doanh nghiệp là công ty cổ phần hóa do Nhà nước nắm giữ tỷ lệ sở hữu chi phối và 12 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Một số lĩnh vực hoạt động chính của các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu nhà nước như năng lượng, viễn thông, công nghiệp và chế biến, hạ tầng giao thông; vận tải; nông nghiệp và tài chính.

Theo Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy, trải qua hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Canada, mỗi quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển, tổng kim ngạch thương mại năm 2023 đạt 6,2 tỷ USD, tổng vốn đầu của Canada sang Việt Nam đăng ký đạt hơn 4,8 tỷ USD. Gần đây nhất tháng 3/2024, bà Mary Ng, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế, Thương mại Quốc tế, và Xúc tiến Xuất khẩu Canađa đã dẫn đầu phái đoàn thương mại Canada lớn nhất nhất từ trước đến nay sang Việt Nam để tìm kiếm phát triển đối tác, thị trường thương mại – đầu tư, với gần 250 thành viên từ gần 200 doanh nghiệp trong các lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm, công nghệ – năng lượng sạch, y tế – chăm sóc sức khỏe và công nghệ thông tin. “Trên tinh thần đó, ngày hôm nay, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức gặp gỡ kết nối giữa các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Ủy ban với các doanh nghiệp Canada để kết nối đầu tư, kinh doanh” – Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Sơn – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) thông tin tại buổi tọa đàm

Thông tin tại buổi tọa đàm, ông Phạm Văn Sơn – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết: Được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động trong 16 ngành, lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật; trong đó, có 7 doanh nghiệp đã được cổ phần hóa và 12 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đến hết năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 47 tỷ USD và chiếm khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước), tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 100 tỷ USD và chiếm khoảng khoảng 65% tổng tài sản của toàn bộ khối doanh nghiệp nhà nước); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (khoảng 74 tỷ USD), Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 75,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD).

Để tăng cường năng lực cạnh tranh, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các Tập đoàn, Tổng công ty, Ủy ban đã có nhiều chỉ đạo nhằm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện cải cách, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; trong đó, việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần với vai trò nhà đầu tư chiến lược là một trong những chính sách quan trọng đã và đang được triển khai thực hiện.

Tọa đàm giữa đại diện doanh nghiệp Canada và Việt Nam

Tại cuộc tọa đàm, ngoài việc kết nối và mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước, đoàn Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có cơ hội trao đổi kinh nghiệm về các mô hình quản lý ngân sách nhà nước cũng như các mô hình hỗ trợ của các cơ quan chính phủ đối với hoạt động của các doanh nghiệp quốc doanh. Đại diện các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam đã phát biểu giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, nhu cầu của mình với phía các doanh nghiệp Canada.

Ông Đỗ Hùng Dương – Thành viên Hội đồng Quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) phát biểu tại buổi tọa đàm

Thông tin tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Hùng Dương – Thành viên Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, với việc sở hữu 20% tổng trọng tải đội tàu Việt Nam, khai thác 16 cảng biển hiện đại và hệ thống kho bãi trải rộng khắp cả nước, VIMC đang đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thương của Việt Nam với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Hệ thống logistics hoàn chỉnh của VIMC không chỉ giúp kết nối hiệu quả giữa các khu vực trong nước mà còn thúc đẩy xuất nhập khẩu, khẳng định vị thế của Việt Nam như một trung tâm logistics quan trọng trong khu vực.

Về chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035, VIMC sẽ tập trung phát triển dịch vụ chuỗi logistics tích hợp trên nền tảng hệ sinh thái cảng biển – vận tải biển – dịch vụ hàng hải. Trong đó, lĩnh vực cảng biển đóng vai trò cốt lõi, trọng yếu; lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là vận tải container đóng vai trò kết nối để hình thành chuỗi dịch vụ logistics tích hợp cung cấp cho khách hàng. Đối với hoạt động đầu tư, VIMC sẽ phát triển các cảng cho tàu trọng tải lớn, cảng trung chuyển quốc tế, hình thành các trung tâm logistics lớn.

Với vai trò là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong lĩnh vực hàng hải, VIMC đang tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành hàng hải Việt Nam. Đánh giá cơ hội hợp tác giữa VIMC và các doanh nghiệp Canada là rất tiềm năng, ông Đỗ Hùng Dương kỳ vọng thông qua các buổi tiếp xúc và chương trình tọa đàm hôm nay, các bên sẽ chuyển hoá những cơ hội hợp tác thành các dự án cụ thể và thiết thực.

Bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm đã mở ra những cơ hội hợp tác mới cho doanh nghiệp Việt Nam và Canada, bà Trần Thu Quỳnh – Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam nhận định, Các doanh nghiệp do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu nói riêng và các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam nói chung sẽ có nhiều cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp Canada tại địa bàn, đặc biệt là trong những lĩnh vực năng lượng sạch, công nghệ sạch và quá trình phi carbon hóa. Đây chính là những thế mạnh của Canada và rất phù hợp với định hướng của hai bên trong việc hướng đến xanh hóa chính phủ và xanh hóa nền kinh tế.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm, cao su, khai thác dầu khí và vận tải hàng hóa của Việt Nam đều được đánh giá có nhiều tiềm năng bởi đây là những lĩnh vực có thể kết nối thành hệ sinh thái hợp tác, bước tiếp theo của sự kết nối chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng giữa hai nền kinh tế.

Bà Saina Fan – Giám đốc EDC khu vực Ontario phát biểu tại buổi tọa đàm

Bà Saina Fan – Giám đốc EDC khu vực Ontario đánh giá buổi tọa đàm thực sự có ý nghĩa, giúp các đại diện phía Canada hiểu thêm về các công ty của Việt Nam và những lĩnh vực tiềm năng. Bà nhận định chắc chắn sẽ có rất nhiều cơ hội cho cả hai bên. Theo bà Saina Fan, các doanh nghiệp Canada có thể hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng phát triển. Canada đang thực hiện chuyển dịch trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong kế hoạch phát triển do khu vực này đang tập trung phát triển những lĩnh vực mà Canada có thế mạnh như năng lượng và công nghệ sạch, công nghiệp thực phẩm công nghệ cao hay công nghệ số…

VIMC/CMSC