Ủy ban Quản lý vốn nhà nước và 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024

7/12/24 8:20 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Đây là đánh giá của Phó thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) và 19 Tập đoàn, Tổng công ty chiều ngày 6/12.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 Tập đoàn, Tổng công ty

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó chủ tịch CMSC, năm 2024, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ, thúc đẩy các Tập đoàn, Tổng công ty duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao. Tích cực đổi mới phương thức, lề lối làm việc để nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, điều hành. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các Tập đoàn, Tổng công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và sắp xếp lại, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh báo cáo tại Hội nghị

Công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả đã đạt được những kết quả tích cực với việc vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành các kết luận về định hướng, nguyên tắc, trình tự xử lý đối với 4 dự án, doanh nghiệp: (i) Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2); (ii) Dự án khai thác, tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, Nhà máy gang thép Lào Cai (dự án VTM); (iii) Công ty TNHH MTV công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); (iv) Dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại Lào.

Năm 2024, các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 2.030.572 tỷ đồng doanh thu, bằng 120% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 111.692 tỷ đồng, bằng 158% kế hoạch năm và bằng 156% so với cùng kỳ. Giá trị nộp Ngân sách Nhà nước ước đạt 206.206 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ.

Giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 160 nghìn tỷ đồng, bằng 130% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, các giá trị thực hiện đầu tư của một số dự án lớn, trọng điểm như hoàn thành Dự án đường dây 500 kV Nhà máy Nhiệt điện Nam Định I – Phố Nối, đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối; đang triển khai: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4 (đạt khoảng 73%), dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng (đạt khoảng 87%); Dự án Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng (đạt khoảng 97%); Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I (đạt khoảng 120%); chuỗi dự án điện – khí lô B (đạt khoảng 64%).

Dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (đạt khoảng 81%); Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, 4 tại Lạch Huyện, Hải Phòng (đạt khoảng 54%); Dự án xây dựng nhà ga hành khách T2 – Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi (đạt khoảng 20%); Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 – Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất: Giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành đạt khoảng 78%, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 155%; Dự án thành phần 3 – Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1: Giá trị khối lượng nghiệm thu hoàn thành ước đạt khoảng 23%, giá trị khối lượng thực hiện ước đạt khoảng 67%.

Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc dự và chỉ đạo phương hướng hoạt động của CMSC trong thời gian tới

Cùng với những thành tựu, Phó Thủ tưởng Hồ Đức Phớc đã chỉ ra những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý vốn nhà nước để có biện pháp tháo gỡ.

Cụ thể, Ủy ban Quản lý vốn của nhà nước tại doanh nghiệp và các Tập đoàn, Tổng công ty cần tập tháo gỡ, tập trung thảo luận về sự cần thiết ban hành luật, sửa đổi toàn diện và thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13), từ đó, nâng cao được công tác quản lý vốn đầu tư và để các doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động trong sử dụng vốn đầu tư như vậy mới tăng sự cạnh tranh trong xu thế mới.

Bên cạnh đó, theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban cần phối hợp với các Bộ, ngành và các Tập đoàn, Tổng công ty để có phương án sắp xếp đảm bảo sự hiệu quả, phù hợp.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ

Đồng tình và thống nhất cao chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết, Ủy ban sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty về các Bộ, cơ quan liên quan theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

“Tôi hy vọng rằng dù ở bất kỳ vị trí công tác nào, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty vẫn luôn nỗ lực cố gắng, phát huy tối đã năng lực, trách nhiệm để vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội để đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước”, ông Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.

Báo Đầu tư