Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời có nhiều nỗ lực thực thi công ước trên Biển Đông.
Chiều 14.11, Bộ Ngoại giao đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) có hiệu lực và Việt Nam trở thành thành viên UNCLOS.
Phát biểu và chủ trì lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định vai trò của Công ước trong việc duy trì trật tự trên biển, khai thác, sử dụng và bảo tồn biển và đại dương suốt 25 năm qua.
“Là một quốc gia ven biển với bờ biển dài trên 3.260 km và hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, hơn ai hết, Việt Nam nhận thức rõ những giá trị và đóng góp của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982” – Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
“Trong 25 năm qua, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời có nhiều nỗ lực thực thi Công ước trên Biển Đông” – Thứ trưởng nói thêm.
Cụ thể, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý và sử dụng biển trên cơ sở phù hợp với UNCLOS. Trong đó, quan trọng nhất là Luật Biển Việt Nam năm 2012 – cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển, đảo.
Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, Việt Nam chủ trương kiên trì giải quyết các bất đồng trên biển bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
“Việt Nam cũng thúc đẩy hợp tác quốc tế về biển với hình thức hợp tác đa dạng và nội dung ngày càng đi vào chiều sâu nhằm khai thác tối đa các tiềm năng của biển cũng như giải quyết, xử lý các thách thức đặt ra nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định tại Biển Đông” – Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng lưu ý.
Trong các lĩnh vực chuyên ngành, đại diện của Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chia sẻ nỗ lực của Việt Nam như bảo vệ chủ quyền biển, đảo, quản lý tài nguyên và nguồn lợi biển, bảo vệ môi trường biển…
Nỗ lực của các Bộ, ngành không chỉ phản ánh qua các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật mà còn qua các hành động cụ thể, ở tất cả các cấp. Điều này cho thấy, việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ Công ước Luật biển là ý chí và hành động chung của Chính phủ, các Bộ ngành và chính quyền ở tất cả các cấp của Việt Nam.
Thời gian qua, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, vi phạm nghiêm trọng các quyền của Việt Nam và các nước trong khu vực được quy định tại Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Việt Nam kiên trì quan điểm tôn trọng và tuân thủ đầy đủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không có những hành động diễn giải sai trái hay cố tình hạ thấp ý nghĩa, vai trò của Công ước.
Bất cứ yêu sách nào về biển cũng phải được xây dựng trên cơ sở và trong phạm vi cho phép của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước, các bên liên quan cần giải quyết thông qua thương lượng hoặc các biện pháp hòa bình khác, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Trong khi chưa giải quyết được bất đồng, các bên cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ngày 4.11.2002 (DOC), kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực; tham gia đàm phán một cách thiện chí, xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Báo Lao động