Máy trưởng tàu biển – Bác sỹ nội khoa tàu biển

20/06/22 1:42 PM

Đó là cảm nhận của tôi về công việc của Máy trưởng tàu biển sau chuyến thăm tàu Biendong Star và trò chuyện với Máy trưởng Nguyễn Văn Chính.

Gặp anh trong trang phục bảo hộ lao động đã không còn giữ được màu trắng như ngày mới nhận nhiệm vụ xuống tàu, với nụ cười tươi rói khi tiếp đón đoàn công tác của Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông xuống thăm tàu nhân Ngày Thuyền viên 25/6, tôi càng cảm phục và biết ơn hơn nữa đối với những hy sinh của những người đi biển như các anh.

NVC-biendongstar
Anh Nguyễn Văn Chính – Máy trưởng

Tốt nghiệp ngành Khai thác máy tàu biển của trường Đại học Hàng hải Việt Nam năm 1998, sau quá trình miệt mài học hỏi và nỗ lực phấn đấu không ngừng, đến nay anh Nguyễn Văn Chính đã đảm nhiệm chức danh Máy trưởng được hơn 14 năm. Là người chịu trách nhiệm cao nhất đối với toàn bộ hệ thống máy của tàu; vận hành, bảo quản, bảo dưỡng các thiết bị điện và cơ khí của tàu biển, hay nói nôm na là bộ phận thiết bị bên trong con tàu, giống như một “bác sỹ” chăm Tổ Máy theo dõi, lắng nghe từng âm thanh được phát ra từ các thiết bị để “bắt bệnh” kịp thời. Nếu không phải là “bác sỹ” có nhiều năm kinh nghiệm với sự tinh tế hoàn hảo về chức năng của các giác quan thì sẽ không thể phát hiện “bệnh” từ những tiếng ồn, mùi dầu mỡ; cùng với đó là tinh thần trách nhiệm của người Máy trưởng phải luôn bao quát, kiểm tra, chăm sóc, bảo quản, bảo dưỡng các thiết bị máy móc trên tàu để kịp thời phát hiện ra những bất thường, trục trặc của máy móc, thiết bị, báo cáo những phương án sửa chữa cấp thiết, đảm bảo con tàu luôn hoat động theo mệnh lệnh của Thuyền trưởng.

Tau-biendongstar

Tàu Biendong Star

Chia sẻ về những vất vả, khó khăn của nghề, anh Chính vui vẻ kể lại những câu chuyện sóng gió mà mình đã từng trải qua, những kinh nghiệm “xương máu” được đúc kết và truyền thụ lại qua nhiều thế hệ của ngành Máy – Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Với sự phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật, đời sống của anh em thuyền viên đã được nâng lên rất nhiều so với trước đây. Anh khoe với chúng tôi: “Điều kiện làm việc, đời sống của thuyền viên bây giờ khác xưa nhiều rồi. Máy móc thiết bị và việc điều khiển tàu giờ đây đã được tự động hóa nhiều hơn, điều kiện sinh hoạt trên tàu được nâng lên, thông tin liên lạc với đất liền đang dần được thay thế bằng các thiết bị thu phát sóng vệ tinh để có thể kết nối mạng internet 24/7. Giờ đây, chúng tôi có thể liên lạc thường xuyên với gia đình, vợ con bằng cả hình ảnh và giọng nói, giúp vơi bớt đi nỗi nhớ nhà trong thời gian công tác; thêm nữa là nắm bắt được tình hình thời sự trong nước và quốc tế để không bị coi là người lạc hậu như những thời gian trước đây”.

Chia sẻ lạc quan là vậy nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thuyền viên các anh vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi, hy sinh và áp lực rất lớn. Tàu biển hiện nay có thể đã hiện đại hơn, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc các anh lại phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới đáp ứng yêu cầu về các chứng chỉ nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp, kỷ luật, chức trách thuyền viên luôn phải được tuân thủ nghiêm ngặt để có thể “thuần phục” được những con tàu ngày càng lớn và hiện đại hơn. Bên cạnh đó, khoảng thời gian công tác của thuyền viên lênh đênh trên biển, làm bạn cùng sóng nước và chim hải âu là khoảng từ 10 đến 12 tháng thật chẳng dễ dàng. Đặc biệt, trong mùa Covid vừa qua, không phải nói thì ai cũng hiểu nỗi khó khăn, nhọc nhằn, vất vả, yếu tố nguy cơ rủi ro và tâm lý hoang mang lo lắng cho mình, cho gia đình của thuyền viên đi tàu tăng gấp nhiều lần so với trên đất liền.

Ở thời điểm đó, với vai trò là thành viên Ban chỉ huy tàu, anh Chính luôn cùng với Thuyền trưởng quan tâm chăm lo, động viên anh em trên tàu yên tâm công tác, tiếp tục bám biển, bám tàu, cùng nhau đoàn kết, đồng tâm, hiệp lực vượt lên khó khăn để đảm bảo hành hải tàu an toàn, hiệu quả trong mùa Covid, giúp Công ty tận dụng tốt thời cơ khách quan, từng bước tháo gõ khó khăn, ổn định SXKD, đóng góp một phần nhỏ công sức vào sự phát triển chung của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

NVC-biendongstar-1

Hơn 12 năm khó khăn của ngành Vận tải biển là hơn 12 năm khó khăn với anh em sỹ quan, thuyền viên. Nhiều anh em dù vẫn luôn cháy trong lòng ngọn lửa tình yêu với nghề, với biển nhưng vì hoàn cảnh gia đình, vì các điều kiện xã hội khác nên đành tạm nói lời chia tay với lý tưởng mà mình đã chọn của một thời thanh xuân, trai trẻ. Tuy nhiên, vẫn còn đó những con người như Máy trưởng Nguyễn Văn Chính – kiên định với con đường đã chọn, không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, trở ngại, gắn bó với Công ty, chia sẻ khó khăn với Công ty và hơn hết là đi theo tiếng gọi từ trái tim, từ biển để tìm đến với chân lý của cuộc đời. Những nỗ lực của những người như anh Chính đã đóng góp xứng đáng cho nghề, cho doanh nghiệp, cho Tổng công ty và cho đất nước.

Quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống tinh thần cũng như vật chất của sỹ quan, thuyền viên, Công đoàn Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng như của các doanh nghiệp thành viên trong Tổng công ty luôn kịp thời ghi nhận bằng nhiều hình thức như tăng lương, khen thưởng, đầu tư thêm các trang thiết bị nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng và đời sống vật chất, tinh thần cho anh em thuyền viên; xuống tàu thăm hỏi, động viên khi tàu cập cảng trong nước. Đây là những nguồn động viên tinh thần to lớn và kịp thời, tạo động lực để các anh luôn cố gắng hơn nữa với nghề.

NVC-biendongstar-3

Máy trưởng tàu biển Nguyễn Văn Chính – Bác sỹ nội khoa tàu biển

Tiếp xúc với Anh trong một khoảng thời gian không nhiều nhưng tôi thầm cảm ơn và thán phục tinh thần quả cảm, kiên cường của những người như các anh – những người đã cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình cho một ngành nghề đầy “sóng gió” – Nghề Thuyền viên. Chúng tôi xin chúc các anh luôn được thuận buồm, xuôi gió, mạnh khỏe, bình an trong mỗi chuyến đi, mỗi hành trình để là cầu nối giao thương giúp hàng hóa được luân chuyển đi khắp thế giới!

Công đoàn TCT