Thách thức từ Hiệp định RCEP đối với doanh nghiệp Việt

23/11/20 7:44 AM

Được ký kết vào ngày 15/11 vừa qua, “siêu” Hiệp định RCEP được nhận định sẽ mang lại cơ hội “vàng” cho xuất khẩu. Tuy nhiên, đi kèm với đó sẽ là không ít thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp, ngay cả trên “sân nhà”.

Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan

Chia sẻ với báo giới về Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay, nhờ vào cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư, quy tắc xuất xứ giá trị trong khu vực địa lý RCEP cùng các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, FTA này sẽ tạo cơ hội để mở rộng thị trường, xuất khẩu tăng trưởng và phát triển các chuỗi cung ứng mới cho DN.

“Nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm bởi dịch bệnh bùng phát và đầy rẫy biến động, chuỗi cung ứng xáo trộn, đứt gãy thì trong sân chơi RCEP, Việt Nam sẽ có thị trường xuất khẩu ổn định, dài hạn”, Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Công thương cũng cho biết, trong suốt quá trình đàm phán Hiệp định RCEP, Bộ Công thương đều tham vấn chặt chẽ các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu kết quả đàm phán phải đảm bảo lợi ích cao nhất của Việt Nam.

Ngoài ra, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng một quy tắc xuất xứ thay vì năm bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hơn nữa, thực tế quá trình tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua. Vì vậy, việc thực hiện hiệp định RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam. “Không những vậy, RCEP còn hướng đến tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ với nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới”.

Cạnh tranh gay gắt trên “sân nhà”

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương), bên cạnh những thuận lợi thì Hiệp định RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam.

“Đến nay, chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm xuất khẩu nước ta đều ở mức độ khá khiêm tốn. Trong khi đó, các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự như nước ta nhưng lại có năng lực cạnh tranh mạnh cao hơn chúng ta. Điều đó dẫn đến khi thực thi hiệp định này thì sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng”, ông Thái nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, mặc dù nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm xuất khẩu. Song đến nay, “đầu vào” của nền sản xuất vẫn phải nhập khẩu. Yếu tố này cũng là rào cản để DN Việt có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thị phần khốc liệt ngay chính tại “sân nhà”.

Đơn cử, đánh giá của các chuyên gia cho thấy, đối với một số ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như da giày, dệt may…Hiệp định RCEP mang đến không ít thách thức do phụ thuộc phần lớn nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Ngoài ra, cam kết trong RCEP sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc. Các DN Việt Nam sẽ buộc phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc. Điều này sẽ buộc DN phải giảm giá và giảm lợi nhuận để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu từ một chuỗi cung ứng lớn hơn và lâu đời hơn. Mặc dù hạn chế, có một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này.

Thêm vào đó, Nhật Bản và Trung Quốc lần đầu tiên tham gia chung hiệp định thương mại tự do giữa hai bên. Bằng cách giảm thuế quan và cạnh tranh đối với hàng hóa Trung Quốc tại Nhật Bản, những hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc sẽ cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản.

Ở một khía cạnh khác, nhiều chuyên gia cũng lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Tuy nhiên, giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Công thương đã khẳng định: “Chúng ta không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Không những thế, các DN Việt Nam chủ yếu là DN vừa và nhỏ nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng và tăng trưởng xuất khẩu, khai thác triệt để lợi ích Hiệp định mang lại./.

Thời báo tài chính