Sáng ngày 26/9, tại Hà Nội, Báo Đầu tư phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức “Tọa đàm Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới” nhân dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng dự và phát biểu tham luận tại Toạ đàm.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm
Tham dự Tọa đàm có ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng đại diện các cơ quan ban, ngành, các chuyên gia, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC).
Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại Tọa đàm
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng chia sẻ, sau 5 năm hoạt động, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã khẳng định mô hình và chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh công tác quản lý vốn nhà nước một cách minh bạch, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Đây là dấu mốc đặc biệt, để lại dấu ấn rõ ràng trong tiến trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước.
Trong 5 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ được giao.
Sau khi chuyển về Ủy ban, 19 Tập đoàn, Tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục, ổn định; thể hiện được vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; đóng góp đáng kể vào nguồn thu của ngân sách nhà nước. Trong bối cảnh hệ quả từ đại dịch Covid-19 và những biến động phức tạp trong khu vực và quốc tế, các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu đã chủ động nhận diện tình hình, xây dựng nhiều phương án, kịch bản gắn với những giải pháp cụ thể, bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tình hình thế giới; triển khai đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hoàn thành nhiệm vụ, duy trì đầu tư phát triển, qua đó, góp phần không nhỏ vào phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
So với năm 2018 (thời điểm chuyển về Ủy ban), theo báo cáo tài chính của các Tập đoàn, Tổng công ty đến thời điểm cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1 triệu 055 nghìn tỷ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng; tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2 triệu 360 nghìn tỷ đồng lên 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của DNNN trong cả nước). Về cơ bản, các chỉ tiêu SXKD đạt được hàng năm có sự tăng trưởng.
Tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1 triệu 871 nghìn tỷ đồng chiếm 20% GPD cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018). Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng công ty đạt đạt 103 nghìn 310 tỷ đồng, tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227 nghìn 990 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các Tập đoàn, Tổng công ty góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động địa phương và trên cả nước với mức thu nhập bình quân năm liên tục cao hơn mức thu nhập trung bình cả nước; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và thực hiện chính sách an sinh, xã hội nhất là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam
Tại toạ đàm, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) – Lê Quang Trung đã chia sẻ những kết quả tích cực trong hành trình 5 năm có sự đồng hành của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước.
“Sự đồng hành của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước đối với các doanh nghiệp nói chung và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nói riêng là rất to lớn. Các dự án mà chúng tôi triển khai, dù ngắn hạn hay dài hạn, đều có dấu ấn hỗ trợ của Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước để tháo gỡ, vượt qua khó khăn. Chẳng hạn, Uỷ ban đã hỗ trợ dự án tái cơ cấu tài chính và sản xuất kinh doanh tại một trong những cảng liên doanh quan trọng của Tổng công ty, hay cùng chúng tôi đàm phán với các ngân hàng và thành công tái cơ cấu khoản vay mang về lợi nhuận tài chính”, ông Trung cho biết.
Phó tổng giám đốc VIMC cho biết, nền tảng hoạt động của Tổng công ty dựa trên 3 trụ cột là khai thác 16 cảng biển, khai thác đội tàu tương đương 25% sức vận tải quốc gia và khai thác hệ thống logistic. Doanh thu trong những năm vừa qua chỉ tăng khoảng 4-5% nhưng lợi nhuận tăng 152%, đây có thể xem là kỷ lục của VIMC.
Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng cho biết một trong những nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên trong những năm tiếp theo của Ủy ban để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đó là cần tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban; giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho Ủy ban phù hợp hơn. Tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; về nguyên tắc không được can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp.
Giải pháp căn bản, lâu dài là phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69/2014/QH13) làm cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu; tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp và Ủy ban…
Tọa đàm là cơ hội để các chuyên gia, nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp nhìn lại chặng đường 5 năm vừa qua của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, qua đó khẳng định vai trò của khu vực kinh tế nhà nước. Từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp để thúc đẩy khu vực kinh tế quan trọng này.
Tại tọa đàm, các đại biểu là đại diện từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã cùng phân tích, đánh giá rõ hơn về tình hình thực hiện đầu tư và hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua; những kết quả đạt được của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; xác định được những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ; đề xuất giải pháp theo hướng trọng tâm, đột phá về quản lý phần vốn nhà nước nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước…