Trình Thủ tướng đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ngay quý I-2024

3/02/24 12:23 PM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Sáng 3/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo 850) chủ trì Hội nghị lần thứ hai của Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị lần thứ hai Ban Chỉ đạo 850

Cùng tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo; ông Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Tổ trưởng Tổ công tác của Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thẳng thắn, không nể nang để Nghị quyết 98 thiết thực, hiệu quả-thu-tuong-nghi-quyet-98

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với lãnh đạo TP.HCM trước Hội nghị

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 (ngày 24/6/2023), chưa đầy nửa tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với TPHCM triển khai Nghị quyết. Thủ tướng sau đó ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98.

Tại phiên họp đầu tiên (ngày 26/11/2023), Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành và TP.HCM trong thực hiện Nghị quyết 98. Tại phiên họp thứ hai lần này, Ban Chỉ đạo sẽ đánh giá công việc đã làm sau phiên họp lần thứ nhất, nguyên nhân, kinh nghiệm và các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới.

Theo chương trình phiên họp, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến Nghị quyết 98 và một số giải pháp thực hiện thời gian tới. Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, Tổ trưởng Tổ công tác của Ban Chỉ đạo báo cáo tình hình thực hiện các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 98, các vướng mắc, kiến nghị, đề xuất giải pháp thực hiện thời gian tới; lãnh đạo cá bộ ngành báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Đối với các nhiệm vụ khác, các Bộ đang tích cực phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để triển khai các cơ chế, chính sách và các nhiệm vụ đã được giao, như: Bổ sung chức năng Cảng trung chuyển quốc tế đối với khu bến cảng Cần Giờ; Nghiên cứu, thực hiện trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất rừng khu vực Cần Giờ theo quy định của pháp luật;; Hoàn thiện Đề án phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam; Đầu tư mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM – Trung Lương; Nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây; Hoàn thiện Đề án Trung tâm Tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh…

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại buổi làm việc

Tại Hội nghị, báo cáo về Dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: TP. Hồ Chí Minh có vai trò đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó vận tải và cảng biển là một lĩnh vực có đóng góp quan trọng. Các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra mục tiêu phát triển hệ thống cảng biển đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; tạo cơ sở để nhanh chóng đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Ủy ban nhận thấy việc VIMC hợp tác cùng các đối tác có tiềm năng hàng đầu thế giới sẽ là điều kiện rất tốt giúp gia tăng hiệu quả và tính khả thi của Dự án.

Từ đó, Ủy ban kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó bổ sung quy hoạch Cảng biển trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào trong cảng biển TP. Hồ Chí Minh. Ủy ban đề nghị Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh quan tâm ưu tiên, tạo điều kiện hỗ trợ cho VIMC là nhà đầu tư tham gia, thực hiện Dự án.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết hội nghị lần thứ hai được tổ chức nhằm kiểm tra xem Chính phủ, bộ, ngành và TP.HCM đã làm được việc gì, chưa làm được việc gì để rút kinh nghiệm và đưa ra bài học cụ thể. Từ đó định hướng các công việc từng tháng, từng quý, từng năm trong thời gian tới.

Theo Thủ tướng, tinh thần triển khai Nghị quyết 98 trong thời gian tới phải nhanh, kịp thời, sát với tình hình và hiệu quả hơn nhằm thực hiện thành công Nghị quyết này.

“Cái gì vướng, cái gì chưa phù hợp, cái gì cần bổ sung thì tiếp tục đề nghị” – Thủ tướng nói và nhấn mạnh tinh thần là phải rất thẳng thắn với nhau, không nể nang để cuối cùng công việc chậm trễ, hiệu quả thấp, tính thiết thực của nghị quyết giảm đi.

Đối với dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết dự án không chỉ là quyết tâm để có một công trình tầm vóc mà cao hơn là một tầm nhìn chính sách, khi đã nhìn ra lợi ích lớn cho đất nước.

Thủ tướng yêu cầu công tác truyền thông về dự án phải được thực hiện bài bản, khoa học, trực quan cho người dân và đối tác quốc tế hiểu rõ dự án được triển khai vì lợi ích phát triển của cả khu vực Đông Nam Bộ, với mục tiêu cạnh tranh và nâng tầm khu vực, thế giới. Dự án có biện pháp bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo đảm việc làm, sinh kế cho người dân. Quá trình thực hiện dự án tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch.

Việc thực hiện tốt công tác truyền thông sẽ tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và trong xã hội, huy động sự tham gia của các nhà đầu tư vào dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, đồng thời đảm bảo dự án được thực hiện đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các bộ ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện tờ trình, trình Thủ tướng phê duyệt Đề án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ ngay trong quý I -2024.


Với vị trí gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đánh giá là có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như Campuchia, Thái Lan, Brunei, Philippines, khu vực phía nam Trung Quốc…

Thống kê cho thấy, gần 60% khối lượng vận tải container đi qua Biển Đông. Dự báo đến năm 2030, thông qua các cảng khu vực Đông Nam Á, sản lượng hàng container trung chuyển quốc tế sẽ chiếm trên 30%. Hiện nay, hàng hóa tại các khu vực trên chủ yếu được trung chuyển tại Singapore và Malaysia. Nếu hàng hóa trung chuyển tại Cần Giờ thì cự ly vận chuyển giảm khoảng 30 – 70% so với đến Singapore.

Trong thời gian vừa qua, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và đối tác Mediterranean Shipping Company (MSC)  liên tục tổ chức các phiên làm việc để chuẩn bị nguồn lực, xây dựng mô hình, các phương án, tiến độ, lộ trình để sẵn sàng triển khai đầu tư dự án ngay sau dự án được chấp thuận chủ trương và được lựa chọn nhà đầu tư. Ngày 13/7/2022, lãnh đạo MSC đã có buổi gặp gỡ với Thủ tướng tại Việt Nam.

Đến tháng 9/2023, VIMC và MSC đã có buổi làm việc cấp cao giữa hai bên tại Thụy Sĩ, khẳng định cam kết và quyết tâm của hai bên trong việc thực hiện Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, quyết tâm khởi công và tiến hành đầu tư dự án vào cuối năm 2024, đầu năm 2025.