Kiến nghị siết chặt công tác quản lý phụ phí với hãng tàu nước ngoài

26/02/24 8:35 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Nhiều doanh nghiệp bức xúc trước tình trạng các hãng tàu nước ngoài tự ý thu và tăng các loại phí và phụ phí khác nhau đối với hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam.

Gần đây, đại diện nhiều doanh nghiệp logistics có ý kiến cho rằng do chưa có quy định về chế tài đối với việc tăng giá của hãng tàu nước ngoài, nên vô hình trung đã làm lợi cho các hãng tàu nước ngoài tăng phí; đồng thời, khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước phải chịu thiệt hại.

Tổng thư ký Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, ông Phan Thông đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan về việc tăng cường quản lý phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.

Đại diện Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cũng đồng thời đề xuất cần có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để kiểm soát hành vi điều chỉnh phí THC (phụ phí xếp dỡ hàng hóa tại cảng), phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.

Trước vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) Lê Duy Hiệp bày tỏ sự đồng tình và cho biết hiện nay, các hãng tàu nước ngoài chỉ cần niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc từ các quy định nào của cơ quan chức năng.

Hệ quả là các hãng tàu tăng thu phụ phí gây bức xúc cho các doanh nghiệp, song đến nay vẫn chưa giải quyết được triệt để.

Theo ông Hiệp, đã đến lúc siết lại công tác quản lý phụ phí đối với hãng tàu nước ngoài. Muốn vậy, cần nghiên cứu về mặt pháp lý cũng như thông lệ quốc tế.

“Có thể yêu cầu họ muốn tăng phí phải được sự đồng thuận từ cơ quan quản lý, từ phía hiệp hội, sau đó mới được ban hành,” ông Hiệp đề nghị.

Trong văn bản gửi Thủ tướng cùng các bộ, ngành liên quan mới đây, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam nêu ra 3 đề xuất để tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài.

Thứ nhất, bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, tránh trường hợp các hãng tàu tùy ý tăng giá và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng xuất nhập khẩu.

Hãng tàu cần có báo cáo về cơ cấu phí THC, trong trường hợp các phụ thu này siêu lợi nhuận thì đề xuất cơ quan chức năng xem xét áp dụng các chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thứ hai, sớm rà soát và ban hành cơ chế quản lý việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế, yêu cầu chủ tàu ngừng ngay việc thu các loại phí không hợp lý; đồng thời kiến nghị Thủ tướng sớm ban hành các cơ chế phù hợp quản lý việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Thứ ba, tham khảo kinh nghiệm quản lý các hãng tàu nước ngoài từ các quốc gia lân cận để xây dựng, hoàn thiện các giải pháp tăng cường kiểm soát hoạt động của các hãng tàu nước ngoài, tránh thất thu ngân sách nhà nước, bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp trong nước.

Khoảng 15 triệu container hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng biển Việt Nam mỗi năm và tạo nguồn thu khoảng 3 tỷ USD, đây là “nguồn lợi” quan trọng mà các hãng tàu nước ngoài không thể bỏ qua. Do đó, theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp logistics, cơ quan quản lý cần sớm tính đến việc tăng cường hoạt động kiểm soát đối với các hãng tàu nước ngoài để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho doanh nghiệp và đất nước.

“Mấu chốt là quản lý được phí THC phải phù hợp thông lệ chung cũng như pháp luật Việt Nam,” Chủ tịch VLA nhấn mạnh./.

Vietnamplus