Các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu lại cơ chế mua, bán, đóng mới tàu biển sử dụng vốn nhà nước.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam sẽ khó có cơ hội mua được tàu tốt với chất lượng tốt và giá cả hợp lý
Liên quan đến việc mua, bán tàu biển, trao đổi với Báo Giao thông, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, Nghị định 86/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định 171/2016 của Chính phủ quy định về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển có hiệu lực từ ngày 15/9/2020 đã có những quy định chặt chẽ trong việc quản lý, chống lãng phí và những hướng dẫn cụ thể về thủ tục, hồ sơ trong đầu tư tàu biển.
Tuy nhiên, điểm bất cập tại Nghị định mới này là việc dự án mua, bán, đóng mới tàu biển sử dụng vốn nhà nước phải thông qua hình thức đấu thầu. Theo đó, để mua được tàu, từ thời điểm xây dựng tiêu chí đến lúc phê duyệt dự toán, lập hồ sơ, phát hành hồ sơ mời thầu, lựa chọn thầu mất ít nhất hai tháng (đối với đấu thầu trong nước). Nếu đấu thầu quốc tế, thời gian sẽ kéo dài hơn. Điều đó, đồng nghĩa “cánh cửa” mua được tàu tốt của doanh nghiệp vận tải biển sẽ bị thu hẹp.
Chưa kể, với việc phải phối hợp với chủ tàu Việt Nam để hoàn thiện hồ sơ đấu thầu. Người bán sẽ ưu tiên những chủ tàu khác (ở những quốc gia khác) để tránh thủ tục phiền phức và kéo dài thời gian”, đại diện Tổng công ty Hàng hải VN chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, trong một báo cáo về các giải pháp phát triển đội tàu biển Việt Nam, Cục Hàng hải VN cũng nhận định việc mua, bán, đóng mới tàu biển phải thông qua hình thức đấu thầu sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn được loại tàu phù hợp với giá cả hợp lý của chủ tàu, doanh nghiệp vận tải do quy trình thủ tục đấu thầu thường mất thời gian.
Trên cơ sở đề xuất của các doanh nghiệp, Cục Hàng hải đã đề xuất các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 86/2020 theo hướng cho phép doanh nghiệp khi mua, bán, đóng mới tàu biển có sử dụng vốn nhà nước được lựa chọn hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế để chủ tàu Việt có thể “chớp” thời cơ sở hữu những con tàu chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, thông lệ hàng hải thế giới, việc mua tàu thường được giao dịch trên những trang môi giới. Ở đó, chủ tàu có thể truy cập tìm cỡ tàu, tính năng tàu theo mong muốn. Kế đó, chủ tàu lại phải đóng vai trò như “đăng kiểm viên” đi kiểm tra các vấn đề về pháp lý (giấy tờ đăng kiểm của tàu còn đầy đủ không, khuyến cáo của đoàn kiểm tra đăng kiểm trước còn khiếm khuyết gì chưa khắc phục…
Sau khi có ý kiến từ người giám định, chủ tàu sẽ so sánh giá cả và lựa chọn ra một con tàu tốt nhất và xuống tiền ngay để có được phương tiện ưng ý nhất.