Vận tải biển thiếu thuyền viên

25/10/21 8:26 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Vận tải biển đang lên ngôi, nhưng các doanh nghiệp vận tải biển trong nước lại lâm cảnh thiếu thuyền viên trầm trọng do các doanh nghiệp nước ngoài thu hút thuyền viên bằng mọi cách. Theo nhiều ý kiến, nếu không có chiến lược dài hơi, các doanh nghiệp vận tải biển trong nước sẽ thua ngay trên sân nhà.

Khan hiếm thuyền viên

Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, 8 tháng đầu năm 2021, sản lượng hàng container thông qua cảng biển Việt Nam tăng trưởng 18% so với cùng kỳ năm 2020.

Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thiếu và “chảy máu” nguồn nhân lực, các doanh nghiệp đua nhau tìm nguồn nhân lực thuyền viên. Nhiều hãng tàu nước ngoài đã trả mức lương ngất ngưởng lên gấp 2 hoặc hơn 2 lần so với trước đây. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trả mức lương 120 triệu đồng/tháng cho chức danh thuyền trưởng (CAPT) tàu 7.000DWT chạy tuyến Đông Nam Á, tăng hơn gấp đôi so với năm 2019.

Tương tự, cũng size tàu và tuyến hành trình như vậy, những vị trí mới ra trường như thủy thủ trực ca (AB) hiện nay được trả mức lương 30 triệu đồng/tháng mà vẫn “đói” nhân lực. Nếu ở thời điểm trước dịch COVID-19, chức danh này dễ dàng tuyển dụng với mức chỉ 11-12 triệu đồng.

Việc khan hiếm thuyền viên khiến nhiều đơn vị đã tuyển dụng thuyền viên chưa có kinh nghiệm hoặc phải chấp nhận tuyển dụng thuyền viên yếu về chuyên môn, miễn là có đủ bằng cấp, chứng chỉ để đảm bảo đủ định biên an toàn tối thiểu theo quy định để vừa làm việc, vừa đào tạo. Trao đổi với Báo Lao Động, ông Trần Tuấn Hải – Trưởng ban Truyền thông – Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – cho rằng, cần phải tạo nguồn ngay từ đầu, thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tay nghề thuyền viên và đặc biệt là các chế độ đãi ngộ.

Theo ông Hải, sau đại dịch COVID-19, dự báo ngành hàng hải sẽ thiếu lao động, đặc biệt là thuyền viên.

Thuyền viên là ngành lao động đặc thù, phải xa gia đình dài ngày và làm việc trong môi trường khắc nghiệt, nhưng có mức lương cũng hấp dẫn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của suy thoái gần 10 năm nay nên mức lương của thuyền viên có phần chững lại. Trong khi đó, các ngành khác có sự tăng trưởng và có mức lương cũng gần bằng mức lương của thuyền viên, nên đã giảm sự thu hút lao động học nghề thuyền viên. Cùng với đó, yêu cầu về trình độ của thuyền viên hiện nay đang tiệm cận với các quy định của tổ chức hàng hải quốc tế, đòi hỏi thuyền viên phải luôn học tập, nâng cao trình độ thường xuyên nếu không sẽ bị đào thải.

Đáng lo ngại, hiện đang có sự cạnh tranh mạnh giữa các doanh nghiệp vận tải biển với việc thu hút lao động thuyền viên khiến thuyền viên “tự nâng giá”, tìm nhiều lý do để đề nghị tăng lương nếu không được đáp ứng thì xin chấm dứt hợp đồng trước hạn để “nhảy” sang các hãng tàu khác, nhất là những tàu “đánh thuê” có mức lương cao hơn.

Ông Hải cho hay, để giải quyết vấn đề thiếu thuyền viên, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đã liên kết với các trường đào tạo nghề đào tạo học viên với các chế độ đãi ngộ như tạo học bổng, cam kết ra trường sẽ bố trí việc làm ngay, nâng cao chế độ đãi ngộ và tiền lương… kể cả giai đoạn khó khăn nhất cũng không giảm lương thuyền viên.

Phải xây dựng môi trường làm việc tốt

Khó khăn nhất đối với doanh nghiệp nội hiện nay là phải cạnh tranh nhân lực với các hãng tàu ngoại, đặc biệt các hãng tàu Trung Quốc.

Theo một đơn vị cung ứng dịch vụ tàu biển tại Hải Phòng cho biết, hiện nay các hãng tàu Trung Quốc có nhu cầu tuyển dụng các thuyền viên rất lớn. Ngoài mức lương rất hấp dẫn, các điều kiện đi kèm cũng được nới lỏng. Cụ thể, trước đây các ứng viên phải trải qua quá trình phỏng vấn bằng tiếng Anh chặt chẽ thì hiện nay, những chức danh thấp chỉ cần có đầy đủ hồ sơ, chứng chỉ chuyên môn là có thể đáp ứng yêu cầu và đi làm. Thậm chí, nhiều chủ tàu nước ngoài cũng “khoán trắng” việc phỏng vấn thuyền viên cho đơn vị cung ứng tại Việt Nam chứ không trực tiếp thực hiện.

Đối với khối tàu nhỏ (5.300 tấn) chạy tuyến Bắc Á, lương của các chức danh tăng đến 20 – 30% so với đầu năm 2021. Đơn cử, chức danh quản lý hiện đã ở mức hơn 2.000 USD/tháng. Có những chủ tàu cần thuyền viên gấp hoặc đề nghị thuyền viên quay vòng, mức lương có thể cao hơn nữa. Như mới đây, có tàu hơn 80.000 tấn, lương thủy thủ lên đến 1.800 USD/tháng trong khi trước đây chỉ dao động từ 1.000 – 1.200 USD/tháng.

Công ty CP Vận tải biển và Hợp tác lao động quốc tế (Inlaco Sài Gòn) cho biết, việc gia tăng nhu cầu nhân lực thuyền viên với mức lương cao gấp 2 – 3 lần thị trường trong nước khiến đơn vị này đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong đội thuyền viên chạy tàu, số thuyền viên công ty phải tuyển mới đến 40% để bù đắp sự thiếu hụt khi một lượng lớn người lao động dịch chuyển sang “đánh thuê” cho chủ tàu nước ngoài.

Hiện mức lương các chức danh trên tàu đều được tăng gần 30% so với năm 2020. Riêng khối thủy thủ thợ máy đang có sự biến động mạnh, lương đã điều chỉnh tăng đến 35% nhưng vẫn rất khó tìm người.

Đại diện Công ty CP Vận tải biển Vinaship cho biết, hiện có khoảng 30% thuyền viên chấm dứt hợp đồng, một phần không nhỏ trong số này bỏ đi “đánh thuê” để lấy lương cao. Từ đầu năm đến nay, Vinaship đã hai lần tăng lương cho thuyền viên với chức danh thủy thủ mới (OS) từ 12 – 13 triệu đồng lên 14 – 15 triệu đồng/tháng.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam – ông Hoàng Hồng Giang cho hay, việc thu hút và duy trì nguồn nhân lực phục vụ là trách nhiệm của chủ tàu, doanh nghiệp khai thác.

Theo ông Giang, muốn có nhiều thuyền viên, phải trả lương thật tốt và cải thiện môi trường làm việc. Lương thấp, điều kiện làm việc kém rất khó giữ chân thuyền viên.

Giống như các công việc trên bờ, ông chủ đối xử kém thì ắt người lao động sẽ chuyển sang một môi trường làm việc khác tốt hơn, lương cao hơn.

Báo Lao động