Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam kiến nghị chính sách hỗ trợ thuyền viên

13/12/21 8:48 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA) đã kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước chính sách bảo hiểm và miễn thuế thu nhập cho thuyền viên, sĩ quan tàu biển.

Theo ông Lê Anh Sơn – Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam (VSA), Chủ tịch HĐQT VIMC, Hiệp hội đã tích cực kiến nghị và góp ý với Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam xây dựng và ban hành nhiều chính sách liên quan đến cơ chế bảo đảm quyền vận tải, bảo vệ thị trường nội địa và tạo cơ hội cho đội tàu Việt Nam tham gia vận chuyển, nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Theo khảo sát của Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, đội tàu biển Việt Nam hầu hết đã trên 15 tuổi và là tàu đã qua sử dụng được các doanh nghiệp mua lại trước năm 2008. Những con tàu cũ đang gặp rất nhiều khó khăn trước yêu cầu của thị trường cũng như quy định của tổ chức quốc tế về môi trường. Việc xây dựng chính sách, cơ chế, nguồn vốn phù hợp để phát triển đội tàu biển, khuyến khích tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các chủ tàu đầu tư mới, trẻ hóa đội tàu là rất cần thiết.

Trong các giải pháp để phát triển đội tàu, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quan tâm đến nguồn nhân lực – yếu tố “then chốt” để duy trì các tuyến vận tải biển. Do đó, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam đã kiến nghị nhiều chính sách đãi ngộ, tạo điều kiện cho thuyền viên Việt Nam yên tâm làm việc.

Ông Lê Anh Sơn (bên phải) – Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam

“Hiệp hội đã kiến nghị cơ quan chức năng xem xét quy định về miễn thuế thu nhập cho thuyền viên làm việc trên tàu chạy tuyến nội địa, quốc tế; xem xét bỏ quy định tham gia bảo hiểm y tế đối với thuyền viên trong thời gian làm việc trên tàu; chấp nhận cho thuyền viên được đóng BHXH với mức bình quân theo tháng chia theo tổng mức thu nhập trong một năm” – ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam cho biết.

Hiện nay, bảo hiểm y tế ít phát huy hiệu quả đối với việc chăm sóc sức khỏe thuyền viên. Thuyền viên đi biển trong một thời gian dài. Nếu khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế thì phải xếp hàng chờ đợi tại đúng nơi đăng ký mua bảo hiểm y tế, danh mục thuốc hạn chế nên không phù hợp với đặc thù công việc.

Đối với quy định về miễn thuế thu nhập cho thuyền viên, theo Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Khoản 2, Điều 3 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế đã bổ sung Khoản 15, Điều 4 về thu nhập được miễn thuế của Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2017: “Thu nhập từ tiền lương, tiền công của thuyền viên là người Việt nam làm việc cho các hãng tàu nước ngoài hoặc các hãng tàu Việt Nam vận tải quốc tế”.

Theo quy định này, khi thuyền viên làm việc trên tàu biển chạy tuyến trong nước vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân, trong khi họ phải chi phí hai đầu bến cảng rất đắt đỏ. Điều này ảnh hưởng đến thu nhập của thuyền viên, nhất là thuyền viên nội địa.

Đối với việc đóng BHXH của thuyền viên, hiện nay, mọi thu nhập kể cả tiền làm thêm giờ, tiền phép của thuyền viên đều được chi trả trong khoảng thời gian làm việc trên tàu. Thời gian nghỉ dự trữ (từ 2 – 4 tháng) thường không có bất kỳ một khoản thu nhập nào và thời gian này thuyền viên không được đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Do đặc thù thuyền viên làm việc trên tàu không kéo dài liên tục 12 tháng, những tháng nghỉ không có thu nhập nên nếu đóng bảo hiểm theo thu nhập sẽ dẫn tới tổng thời gian đóng BHXH sẽ ít hơn số năm thời gian công tác. Bên cạnh đó, thuyền viên là một nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định nghỉ hưu ở tuổi 55. Sau khi hoàn thành chương trình học (tính từ bậc trung cấp và được tuyển dụng đi làm ngay đến khi đủ tuổi nghỉ chế độ hưu trí tối đa chỉ được 35 năm. Với cách tính đóng BHXH đối với thuyền viên như hiện nay thì đến tuổi nghỉ hưu, họ sẽ không đảm bảo được thời gian và hưởng đầy đủ các quyền lợi nên rất thiệt thòi.

Do đó, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng liên quan xem xét quy định cho thuyền viên được tham gia đóng BHXH trong thời gian nghỉ dự trữ theo mức bình quân tháng trong một năm của các khoản: tiền lương, phụ cấp lương, các khoản thu nhập khác.

Cũng theo ông Lê Anh Sơn, trong thời gian đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, VSA liên tục báo cáo và kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ tàu, đặc biệt là vấn đề giảm phí dịch vụ hàng hải (hoa tiêu, lai dắt), thay thế thuyền viên, đưa thuyền viên vào danh sách ưu tiên tiêm chủng vắc xin…

CSAT