“Gỡ khó” cho hoạt động xuất nhập khẩu

25/04/23 10:06 PM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Xuất khẩu giảm mạnh do yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu.

Tại Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua Việt Nam đã ký các Hiệp định thương mại song phương, đa phương nhằm thuận lợi hóa thương mại để thúc đẩy sản xuất trong nước.

Khủng hoảng, lạm phát… là nguyên do

Tuy nhiên, một số nước phát triển đã dựng lên các rào cản kỹ thuật như chuyển đổi năng lượng xanh sạch, sản xuất cacbon thấp… Tất cả những chính sách này mới nghe có vẻ rất nhân văn nhưng đây là “luật chơi mới” trong cuộc đua không cân sức, bởi những nước phát triển đã đi trước chúng ta rất xa, có điều kiện hơn chúng ta rất nhiều.

Trong bối cảnh như vậy người sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp trong nước là những đối tượng chịu sự tác động nhiều nhất

Theo Tổng cục thống kê, quý I/2023 báo cáo của Chính phủ đã đánh giá mặc dù nỗ lực rất cao nhưng tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32%, nhiều địa phương trong đó có những địa phương được xem là đầu tàu, là động lực của nền kinh tế đất nước lại có mức độ tăng trưởng thấp như TP. Hồ Chí Minh chỉ tăng 0,7%. Như vậy tốc độ tăng trưởng kinh tế cả nước cũng như nhiều địa phương trong cả nước thấp hơn so với kế hoạch và thấp xa so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, nếu chúng ta không kịp thời tìm những giải pháp để tháo gỡ thì khó có thể đạt được mục tiêu cho năm nay và cho cả chu kỳ 5 năm, 10 năm tiếp theo.

Trên thực tế, báo cáo của Cục Xuất Nhập khẩu đưa ra tại Hội nghị cũng cho thấy, kết quả xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2023 đều ghi nhận mức giảm so với cùng kỳ, đạt 79,3 tỷ USD, giảm 11,8%; kim ngạch nhập khẩu đạt 74,5 tỷ USD, giảm 15,4%. Xuất khẩu, nhập khẩu giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực doanh nghiệp FDI.

Xét về thị trường, xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ đạt 24,6 tỷ USD, giảm 19,4%; sang thị trường châu Âu đạt 12,4 tỷ USD, giảm 9,7%. Xuất khẩu sang thị trường châu Phi giảm 11,2%, châu Đại Dương giảm 3,7%. Xuất khẩu sang thị trường châu Á đạt 38,7 tỷ USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ.

Xét về nhóm hàng, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp đạt 67,8 tỷ USD, giảm 12,7% so với cùng kỳ; nhóm nông, thủy sản đạt 6,8 tỷ USD, giảm 7,8%; nhóm nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,03 tỷ USD, giảm 1,6%.

Đáng lưu ý, trong quý I/2023, một số ngành hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu giảm như ngành hàng điện tử, máy tính: Xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 13,4 tỷ USD, giảm 12,2%; điện tử, máy vi tính và linh kiện đạt 12 tỷ USD, giảm 9,3%. Xuất khẩu hàng may mặc đạt 7,2 tỷ USD, giảm 17,7%; xơ sợi dệt đạt 941 triệu USD, giảm 35%; vải mành, vải kỹ thuật đạt 178.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương nguyên nhân sản xuất, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua sụt giảm, đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng là khác nhau. Những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU,.. như dệt may, da giày, gỗ, thuỷ sản là những ngành sụt giảm nhiều nhất; trong khi đó các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều,… ít chịu tác động hơn.

Ngoài ra, chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro. Chi phí nhân công, bao bì, vận chuyển,… cũng tăng cao.

Yếu tố hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại một số ngành hàng như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Yếu tố cạnh tranh trên thị trường ảnh hưởng đến giá hàng hoá xuất khẩu.

Nguyên nhân chủ quan vấn đề nguồn nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu: Khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước đang là khó khăn của một số ngành xuất khẩu chủ lực như mặt hàng gỗ, mặt hàng thuỷ sản, mặt hàng hạt điều. Chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước sẽ giúp đảm bảo nguồn cung ổn định, cùng mức giá cạnh tranh cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% – tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, do tình hình lạm phát khiến tiêu dùng tại các nước này suy giảm. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp dù đã ký hợp đồng nhưng khách hàng dời lại thời gian khiến lượng hàng tồn kho nhiều, gây ảnh hưởng đến xuất khẩu. Ngoài ra, việc xuất khẩu giảm khiến dòng tiền chậm về, trong khi nguồn vốn tín dụng hạn hẹp khiến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu không có nguồn vốn xoay vòng để mua nguyên liệu đúng thời hạn, đúng giá cho nông, ngư dân. Điều này khiến nông, ngư dân hạn chế mở rộng sản xuất.

Đề xuất cơ chế “cảng mở”

Do đó, ông Nguyễn Hoài Nam nhận định, về lâu dài, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, cần giảm lãi suất vay USD để dòng tiền hỗ trợ không bị nghẽn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có gói tín dụng khoảng 10.000 tỷ đồng lãi suất thấp để phục vụ thu mua nguyên liệu, kích thích tâm lý để nông ngư dân duy trì việc sản xuất.

Dưới góc độ ngành gạo, mặc dù xuất khẩu đang có thuận lợi khi cầu thế giới tăng, giá gạo ở mức cao, tuy nhiên theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, dù đạt nhiều kết quả ấn tượng song hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, người dân chưa tương xứng. Về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Ngọc Nam, các doanh nghiệp trong ngành chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên nguồn tài chính hạn chế, khi tới mùa vụ thường thiếu vốn để thu mua lúa gạo. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế chính sách tín dụng cho ngành gạo.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ngành đang gặp niều khó khăn về nguồn vốn vì ngành kiến nghị Ngân hàng Nhà nước coi sản phẩm trồng trên đất là tài sản để được thế chấp, vay vốn. Ví dụ như sầu riêng, nhãn… “Bởi tính ra, sầu riêng mỗi năm người dân phải đầu tư khoảng 50 triệu/ha…. nhưng không được coi là tài sản để thế chấp nên doanh nghiệp rất khó tiếp cận các nguồn vốn ữu đãi để mở rộng sản xuất nói gì đến chuyện hướng đến xuất khẩu”, ông Nguyễn Đình Tùng cho biết thêm.

Cho biết cũng như các ngành hàng đang gặp khó khăn, doanh nghiệp logistics cũng đang có nhiều khó khăn do lượng hàng hóa sụt giảm, ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh, đối với doanh nghiệp logistics quốc tế, mức sụt giảm trung bình là hơn 15% trong quý 1/2023 và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tuy nhiên, VLA tin tưởng với những điểm sáng đến từ các FTA và tận dụng những cơ hội đến từ việc khai thác hiệu quả những thị trường trọng điểm nay, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp cũng sẽ sớm được cải thiện.

Kiến nghị giải pháp cho sự phát triển của doanh nghiệp logistics, góp phần cắt giảm chi phí logistics, hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu, ông Đào Trọng Khoa đề xuất tăng cường kết nối giữa VLA và các Hiệp hội ngành hàng.

Đồng thời mong muốn hệ thống thương vụ hỗ trợ thông tin, kết nối để doanh nghiệp logistics chủ động mở rộng, tăng cường sự hiện diện tại các thị trường, đặc biệt ở những thị trường trọng điểm như các thị trường có 17 FTA.

VLA cũng kiến nghị Bộ Công Thương với vai trò quản lý nhà nước về logistics hỗ trợ chính sách đối với ngành logistics trong việc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, để các doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể tham gia và chuỗi giá trị toàn cầu, không bị mất ưu thế với doanh nghiệp nước ngoài.

Đề xuất thêm kiến nghị hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp logistics, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Phó Chủ tịch VLA đề xuất phát triển các trung tâm logistics qua đó hàng hoá thông qua sẽ được hưởng ưu đãi về thủ tục, thuế, phí, lệ phí.

Đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp logistics mở rộng đầu tư kho bãi, phương tiện trang thiết bị. “Trong đó đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 86/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 171/2016/NĐ-CP về đăng ký, xoá đăng ký và mua, bán, đóng mới tàu biển, hiện đang là điểm nghẽn cho các doanh nghiệp phát triển đội tàu thương hiệu Việt.

Ông Lê Quang Trung cũng kiến nghị vấn đề giảm chi phí Logistics tại hệ thống cảng Việt Nam. Theo đó, ông Trung đánh giá, mặc dù Việt Nam đã có hệ thống cảng biển khá hoàn thiện, nhưng thực tế vấn đề hàng hoá xuất nhập khẩu trung chuyển giữa các cảng vẫn còn rất phức tạp, phát sinh chi phí lớn.

“Do đó, đề nghị Bộ Tài chính, Tổng Cục Hải quan sớm ban hàng quy chế về cảng mở (open port), trước mắt áp dụng cho hệ thống cảng tại khu vực Cái Mép Thị Vải để tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá xuất nhập khẩu, quá cảnh lưu thông giữa các cảng mà không phát sinh chi phí, thủ tục nhiều lần”, Phó Chủ tịch VLA nhấn mạnh.

Báo DĐDN