Chủ động liên kết doanh nghiệp để “hạ nhiệt” chi phí logistics là giải pháp tối ưu nhằm đẩy nhanh những “bánh xe” trong “cỗ xe” nền kinh tế…
Khảo sát của Vietnam Report thực hiện tháng 10-11/2020 cho thấy năng lực hoạt động của 87% số doanh nghiệp logistics tại thời điểm này đạt mức trên 60% so với trước đại dịch. Điều này cho thấy ngành logistics Việt Nam đang dần hồi phục.
Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam còn cao so với trung bình thế giới. Trong số khoảng 4.000 doanh nghiệp của toàn ngành thì 97% DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ, chất lượng dịch vụ, quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý và công nghệ thông tin- chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế.
Chi phí logistics của Việt Nam còn cao so với trung bình thế giới
Bên cạnh đó, do phương thức mua bán hàng hoá hiện tới 91% xuất khẩu hàng hóa của nước ta theo điều kiện FOB và nhập khẩu theo điều kiện CIF, cho nên các dịch vụ về vận chuyển đối ngoại, bảo hiểm … đều do khách hàng nước ngoài đảm nhiệm và quyết định. Ngay đến dịch vụ vận tải quốc tế cũng do hãng vận tải nước ngoài chi phối.
Cũng theo khảo sát của Vietnam Report, 5 yếu tố quyết định và làm tăng chi phí logistics tại Việt Nam bao gồm:
Thứ nhất là phụ phí tại cảng biển mà chủ tàu container nước ngoài đang thu chủ hàng Việt Nam. Ví dụ mức phụ phí tại cảng Hải Phòng, chặng Hải Phòng-Hongkong là USD 20/TEU và USD 40/FEU; Hải Phòng-Singapore là USD 40/TEU và USD 80/FEU và chặng Hải Phòng-Japan là USD 100/TEU và USD 200/FEU. Việc chủ tàu container nước ngoài thu các loại phụ phí như trên làm tăng cao chi phí logistics hàng hóa XNK.
Thứ hai là thời gian thông quan. Hạn chế nhất trong thông quan hàng hóa XNK là việc kiểm tra chuyên ngành, gây tốn kém về thời gian và làm tăng chi phí logistics. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính vào tháng 9/2020 “Kiểm tra nhiều nhưng phát hiện kết quả rất thấp (chưa đến 0,036%); chi phí kiểm tra chuyên ngành cao”.
Thứ ba là cơ cấu vận tải. Trong nhiều năm qua, thị trường vận tải hàng hóa cả nội địa ở Việt Nam đã và đang phụ thuộc quá mức vào đường bộ, chiếm tới 63,4% thị phần vận tải hàng hoá năm 2019. Trong khi chi phí vận tải đường bộ quá cao. Các phương thức vận tải có năng lực vận chuyển lớn, tốc độ cao và chi phí thấp như đường sắt, đường thuỷ và hàng hải vẫn còn kém phát triển.
Thứ tư, tính kết nối và cơ cấu hạ tầng của các phương thức vận tải chưa cao. Hiện nay do đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm làm cho tính kết nối giữa các phương thức vận tải hay các doanh nghiệp, thậm chí trong cùng một phương thức chỉ mang tính cục bộ, không có sự kết nối. Ngoài ra, đội ngũ xe tải chuyên chở hàng hóa còn chưa sử dụng hết công suất, chỉ dùng khoảng 70-75% công suất chiều về.
Thứ năm là năng lực doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chưa cao. Doanh nghiệp đa phần là nhỏ và vừa, sự liên kết hạn chế và chưa chặt chẽ. Trong khi đó, mức độ ứng dụng KHCN chưa cao, nhân lực có trình độ thiếu hụt trầm trọng.
Phối hợp để đẩy nhanh những “bánh xe” trong “cỗ xe” nền kinh tế
Chủ động liên kết doanh nghiệp để “hạ nhiệt” chi phí logistics là giải pháp tối ưu nhằm đẩy nhanh những “bánh xe” trong “cỗ xe” nền kinh tế.
Theo đó, việc liên kết giữa các doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cụ thể trong việc lựa chọn phương thức vận chuyển, lựa chọn người vận chuyển và hành trình – lịch trình vận chuyển, trong việc kết hợp hiệu quả giữa vận tải đường bộ với các phương thức vận tải khác…
Theo một báo cáo tại Hội nghị Cắt giảm chi phí logistics – Giải pháp tối ưu nhằm nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt, giá cước một container lạnh 40’ từ TPHCM ra Hà Nội bằng đường bộ khoảng 80.000.000 VND thời gian khoảng 3 ngày. Trong khi đó Công ty vận chuyển đuờng sắt Ratraco, cung cấp dịch vụ chuyên chở hàng container lạnh 40’, mỗi tuần 2 chuyến (Thứ 4 và Chủ Nhật), giá cước khoảng 27.000.000 VND /container hoa quả và các loại hàng để nhiệt độ mát, chạy từ Ga Trảng Bom- Đồng Nai đi Yên Viên, mỗi chuyến từ 19-20 Containers lạnh 40’. Thời gian chạy tàu 3 ngày.
Trong khi đó nếu đi bằng đường biển ra Hà Nội là 14.300.000 VND /Container lạnh 40’ (Giá cước là 8.0 triêu đồng/cont 40 lạnh 40’ từ Cảng Saigon ra đến Cảng Hải Phòng, cộng 4,5 triệu, chuyên chở bằng đường bộ (Trucking) từ Hải Phòng lên Hà Nội và 1,8 triêu cộng cả xếp/dỡ hàng), thời gian vận chuyển 4 ngày.
Điều này cho thấy, có nhiều phương thức vận chuyển giúp tiết kiệm chi phí lớn hơn cho doanh nghiệp. Thực tế này chứng minh, cần có sự phối hợp, hợp tác giữa chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics có thể đưa ra các đề nghị giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu và lưu thông phân phối.
Có nhiều phương thức vận chuyển giúp tiết kiệm chi phí lớn hơn cho doanh nghiệp
Ở trường hợp kể trên, việc vận chuyển bằng phương thức vận tải biển và đường sắt ngoài việc giúp giảm đáng kể chi phí logistics còn góp phần giảm tải và an toàn giao thông đường bộ.
“Việt Nam cần tăng cường vận tải đường thủy nội địa và đường biển nhằm thực hiện vận tải đa phương thức thay vì lệch hẳn về đường bộ như hiện nay. Ưu điểm của vận tải thủy nội địa là chuyên chở được khối lượng lớn sẽ giúp giảm chi phí”, ông David John Mavin, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Australia tại Việt Nam chia sẻ với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Việt Nam cần tăng cường vận tải đường thủy nội địa và đường biển nhằm thực hiện vận tải đa phương thức thay vì lệch hẳn về đường bộ như hiện nay.
Việt Nam cần tăng cường vận tải đường thủy nội địa và đường biển nhằm thực hiện vận tải đa phương thức thay vì lệch hẳn về đường bộ như hiện nay.
Cùng với việc chủ động liên kết doanh nghiệp, các doanh nghiệp logisitcs cũng cần thay đổi phương thức mua bán hàng hóa xuất nhập khẩu.
Theo Hiệp hội Logisitcs Việt Nam (VLA), hiện khoảng 91% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam theo điều kiện giao hàng lên tàu (FOB) và nhập khẩu theo điều kiện CIF (tiền hàng, bảo hiểm, cước phí). Các dịch vụ về vận chuyển đối ngoại, bảo hiểm… đều do khách hàng nước ngoài đảm nhiệm và quyết định.
Các doanh nghiệp này có mối liên hệ mật thiết với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên quốc gia thâu tóm và quyết định các hoạt động và chi phí logistics. Điều này dẫn tới, ở góc độ cơ quan quản lý, Nhà nước không thu được nguồn ngoại tệ từ việc cung cấp các dịch vụ logistics đó, bên cạnh đó các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam không nắm được quyền chủ động về thuê tàu, mua bảo hiểm.
“Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất và xuất nhập khẩu nên chủ động chuyển đổi hình thức mua bán phù hợp. Trên cơ sở đó các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics có thể tư vấn việc chọn phương thức vận chuyển, hãng vận chuyển, đàm phán giá cước vận chuyển… do có mối quan hệ tốt với họ, góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu do việc giảm chi phí logistics lâu dài”, VLA khuyến nghị.
Doanh nghiệp logistics cũng cần chuyển đổi số để bắt kịp xu thếChuyển đổi số không chỉ giúp doanh nghiệp logistics nâng cao giá trị cạnh tranh, tìm kiếm đơn hàng mà còn giúp ngành dịch vụ vận tải tận dụng được lợi thế từ các FTA, nhất là khi các FTA như EVFTA, RCEP đang phát huy hiệu quả.