Cỡ tàu vận tải biển nào được phát triển tại Việt Nam trong những năm tới?

16/03/21 1:04 PM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Cục Hàng hải VN và đơn vị tư vấn đã dự báo kích cỡ tàu được sử dụng để phát huy hiệu quả đội tàu biển Việt Nam trong những giai đoạn tới.

Đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, trên cơ sở xu thế phát triển đội tàu thế giới, khu vực và thực tế phát triển đội tàu Việt Nam thời gian qua, tại Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đơn vị tư vấn đã đồng thời đưa ra dự kiến cỡ loại tàu hợp lý để phát triển đội tàu.

Cụ thể, trên tuyến quốc tế, hàng rời sẽ sử dụng cỡ tàu 30.000 – 200.0000 DWT. Trong đó, tàu chở than nhập cung ứng cho nhiệt điện, than quặng cho liên hợp luyện kim sử dụng tàu trọng tải 100.000 – 200.000 DWT; Tàu xuất than, quặng, alumin sử dụng tàu trọng tải 30.000 – 50.000 DWT.

Đối với hàng bách hóa, tổng hợp sử tàu trọng tải 5.000 – 50.000 DWT. Trong đó, chặng đi/đến các nước khu vực Đông Nam Á, châu Á sử dụng tàu trọng tải 10.000 – 20.000 DWT; Chặng đi/đến các nước khu vực châu Phi, châu Âu, châu Mỹ dùng tàu 30.000 – 50.000 DWT.

Đối với hàng container, chặng đi/đến các nước châu Á chủ yếu là tàu sức chở 500 – 3000 TEU; Chặng đi/đến các nước châu Phi, châu Âu, châu Mỹ là tàu sức chở 4.000 – 24.000 TEU.

Đối với hàng lỏng, dầu thô nhập ngoại sử dụng tàu trọng tải 100.000 – 400.000 DWT; Sản phẩm dầu nhập ngoại trọng tải 10.000 – 50.000 DWT; Xăng dầu nhập khẩu trung chuyển dùng cỡ tàu từ 10.000 – 50.000 DWT; Khí hóa lỏng LPG sử dụng cỡ tàu từ 1.000 – 5.000 DWT; LNG 50.000 – 100.000 DWT

Trên tuyến nội địa, cỡ tàu xác định sử dụng vận chuyển mặt hàng rời, bách hóa tổng hợp từ 1.000 – 10.000 DWT; Hàng container sử dụng cỡ tàu 200 – 1000 TEU; Tàu chở sản phẩm dầu trọng tải 1.000 – 30.000 DWT; Tàu chở dầu thô 10.000 – 15.000 DWT, dầu sản phẩm từ 1.000 – 50.000 DWT.

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, dự báo của các đơn vị tư vấn được xây dựng tương đối phù hợp với Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo định hướng đến năm 2030, tàu hoạt động trên các tuyến quốc tế sử dụng tàu chuyên dùng hàng rời trọng tải từ 100.000 – 200.000 DWT để nhập khẩu than, tàu trọng tải từ 5.000 – 50.000 tấn chở hàng bách hóa, hàng tổng hợp, tàu trọng tải 30.000 – 50.000 tấn để xuất khẩu than, quặng, alumin, nhập phân bón và clinker.

Tàu hoạt động trên các tuyến nội địa sẽ sử dụng tàu có trọng tải từ 1.000 – 10.000 DWT; sà lan biển chuyên dùng có trọng tải từ 5.000 – 10.000 tấn để vận tải than nhập khẩu từ đầu mối trung chuyển về các bến của nhà máy.


Tính đến tháng 12/2020, đội tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam có 1.576 tàu. Trong đó, đội tàu vận tải là 1.049 tàu.

Dù đội tàu Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN về số lượng, trẻ hơn đội tàu thế giới 5,8 tuổi. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Hàng hải, sức cạnh tranh của đội tàu còn yếu khi đa số các chủ tàu biển phát triển nhỏ, với 1.049 tàu vận tải nhưng có đến 550 chủ sở hữu tàu, trong đó chỉ có khoảng 30 chủ tàu sở hữu đội tàu trên 10.000 DWT.

Đặc biệt, đội tàu container gồm 38 tàu hiện đều có trọng tải nhỏ, sức chở trung bình khoảng 800 Teus/tàu, lớn nhất là gần 1.800 Teus. Trong khi đó, trên thế giới đã phát triển loại tàu container có sức chở trên 20.000 TEUS.


Báo Giao thông