“Cởi trói” cho cảng biển Hải Phòng

13/05/21 10:58 AM

Sorry, this entry is only available in Tiếng Việt.

Hải Phòng là khu vực có các yếu tố thuận lợi trong quá trình phát triển hệ thống cảng biển, dịch vụ hàng hải và vận tải biển và cùng với thành phố Hồ Chí Minh trở thành 1 trong 2 đầu mối trung tâm giao lưu hàng hải lớn nhất của cả nước, với hệ thống cảng biển cùng mạng lưới các đơn vị dịch vụ hàng hải, vận tải biển và cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu biển hoàn thiện đứng đầu cả nước.

Quy hoạch phát triển cảng biển tạo cơ sở pháp lý, định hướng, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển

Tổng quan hệ thống cảng biển

Cảng biển Hải Phòng là cảng tổng hợp quốc gia, cửa ngõ quốc tế (loại IA), gồm các khu bến chính: khu bến cảng trên sông Cấm, khu bến cảng Đình Vũ, khu bến cảng Lạch Huyện.

Hiện nay, khu vực cảng biển Hải Phòng có 45 bến cảng bốc xếp hàng hóa với tổng chiều dài cầu cảng khoảng hơn 12km. Trong đó có một số bến cảng chuyên dùng tiếp nhận tàu vận chuyển hàng lỏng (sản phẩm dầu khí, khí ga hóa lỏng); có các bến cảng chuyên để xếp dỡ hàng container, hàng tổng hợp; và có các bến cảng có công năng công bố vừa tiếp nhận tàu container và kết hợp tàu hàng tổng hợp. Cụ thể có thể phân ra gồm: 11 bến cảng chuyên dùng hàng lỏng (cảng lớn nhất có khả năng tiếp nhận tàu đến 20.000DWT giảm tải); 22 bến cảng tổng hợp (cảng lớn nhất có khả năng tiếp nhận tàu đến 40.000DWT giảm tải) và 12 bến cảng container (cảng lớn nhất có khả năng tiếp nhận tàu đến 100.000DWT giảm tải).

– Khu vực Sông Cấm: Có 31 bến cảng chạy dọc theo bờ sông Cấm (trong đó có 19 bến cảng tổng hợp, 04 bến cảng container, 08 bến cảng xăng dầu, khí hóa lỏng) có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến từ 10.000 – 40.000DWT giảm tải;

– Khu vực Đình Vũ: Gồm 11 bến cảng được quy hoạch đầu tư mới, hiện đại có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải từ 20.000 đến 48.000DWT giảm tải gồm 03 bến cảng tổng hợp, 07 bến cảng container, 02 bến cảng xăng dầu, khí hóa lỏng;

– Khu vực Lạch Huyện: Gồm 01 bến container (02 cầu cảng) tiếp nhận tàu từ 50.000-132.000 DWT giảm tải;

– Khu vực Phà Rừng gồm 02 bến cảng trong đó 01 bến tổng hợp và 01 bến hàng lỏng cho tàu đến 4.000DWT.

Xác định vai trò quan trọng trong việc vận chuyển lưu thông hàng hóa khu vực Hải Phòng và các tỉnh phía Bắc. Trong những năm qua, các doanh nghiệp cảng đã quan tâm đầu tư trang thiết bị, nâng cấp cải tạo hệ thống cảng cũng như đầu tư áp dụng công nghệ trong điều hành sản xuất, giúp thu hút lượng tàu thuyền, hàng hóa đến cảng biển Hải Phòng làm hàng, hàng năm đều tăng trưởng.

Hàng hóa thông qua cảng biển khu vực Hải Phòng 03 năm trở lại đây

Hiện nay, khu vực cảng biển Hải Phòng có 09 đoạn luồng hàng hải (Lạch Huyện, kênh Hà Nam, Bạch Đằng, Sông Cấm, Vật Cách, Nam Triệu, Phà Rừng, Sông Giá, kênh Cái Tráp) với tổng chiều dài khoảng 92,4 km, trong đó có 04 đoạn luồng chính với tổng chiều dài 46 km (đoạn Lạch Huyện, Hà Nam, Bạch Đằng, Sông Cấm). Với đặc điểm tuyến luồng hàng hải Hải Phòng có chiều dài lớn nằm trong tuyến sông Cấm, sông Bạch Đằng, Lạch Huyện, chịu ảnh hưởng sa bồi với tốc độ sa bồi lớn, độ sâu luồng không đồng đều, thường xuất hiện các dải cạn ảnh hưởng đến khai thác tàu đến và rời cảng, đặc biệt vào mùa mưa lũ.

Cảng biển Hải Phòng nằm trong Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2367/QĐ-BGTVT ngày 29/7/2016. Theo đó, Lượng hàng thông qua dự kiến vào năm 2020 khoảng 109 đến 114 triệu tấn/năm; năm 2030 khoảng 178,5 đến 210 triệu tấn/năm. Trong đó, riêng công ten nơ dự kiến vào năm 2020 khoảng 5,84 đến 6,2 triệu TEU/năm; năm 2030 khoảng 11,2 đến 12,5 triệu TEU/năm, bao gồm các khu bến: Khu bến trên sông Cấm, Khu bến Đình Vũ (bao gồm cả Nam Đình Vũ); Khu bến Lạch Huyện.

Hiện nay, Quy hoạch phát triển cảng biển Hải Phòng đang được nghiên cứu điều chỉnh để phù hợp với phát triển kinh tế của Thành phố và khu vực, cụ thể các nghiên cứu tập trung tại khu vục Lạch Huyện, Cái Tráp, Nam Đồ Sơn, sông Văn Úc,…

Một số khó khăn, tồn tại trong phát triển hạ tầng cảng biển Hải Phòng

Đối với khu vực cảng biển Hải Phòng, thời gian qua có sự phát triển vượt bậc cả về chất và lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; tạo dựng được vị thế, mắt xích quan trọng trong hải trình toàn cầu. Tuy nhiên, hệ thống các cầu bến cảng đa số nằm rải rác trên bờ sông Cấm, sông Bạch Đằng. Ngoài khu bến Đình Vũ, Lạch Huyện (02 cầu cảng thuộc bến Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (cảng HICT) có các bến cảng được đầu tư quy mô lớn, hiện đại, còn nhiều bến cảng quy mô nhỏ lẻ, manh mún, bất cập, đan xen khu dân cư, phân khu chức năng chưa hợp lý; hệ thống kết nối giao thông hạn chế, không tập trung, đồng bộ gây lãng phí tài nguyên đất và phát sinh ùn tắc giao thông sau cảng, ùn tắc hàng hóa tại cảng vào thời gian cao điểm, gây mất trật tự an toàn giao thông trong khu vực.

Cũng trong thời gian qua, quy hoạch phát triển cảng biển tiếp tục được nghiên cứu điều chỉnh để phù hợp với phát triển của Thành phố và khu vực. Đặc biệt là nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch khu bến Lạch Huyện, bổ sung quy hoạch cảng biển khu vực Nam Đồ Sơn, sông Văn Úc, di dời các bến cảng trên sông Cấm. Tuy nhiên, với tầm quan trọng và cấp thiết, các nghiên cứu chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tạo cơ sở pháp lý, định hướng, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển cảng biển khu vực Hải Phòng. Việc sớm phê duyệt các quy hoạch này sẽ giúp Doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong diện quy hoạch di dời trên sông Cấm ổn định sản xuất, sớm có kế hoạch đầu tư, sản xuất kinh doanh khai thác cảng, thúc đẩy hàng hóa thông qua khu vực tạo tiền đề thúc đẩy các ngành lĩnh vực kinh tế sản xuất, dịch vụ liên quan phát trển bền vững.

Đối với hệ thống tuyến luồng hảng hải, các đoạn luồng hàng hải có bề rộng hạn chế nhưng lại có chiều dài lớn, chủ yếu là hành hải một chiều; việc hành hải của các tàu thuyền ra vào cảng phụ thuộc vào độ sâu luồng, vào thủy triều và con nước dẫn đến tình trạng khó khăn cho việc lập kế hoạch điều động tàu ra, vào cảng, hạn chế thu hút tàu có trọng lớn có mớn nước sâu vào cảng và làm tăng chi phí khi các tàu đến phải chuyển tải trước khi vào cảng làm hàng, hoặc phải phụ thuộc thủy triều cao đã ảnh hưởng đến lịch trình khai thác của chủ tàu, chủ hàng, đặc biệt đối với tàu container chuyên tuyến. Việc duy tu nạo vét theo mùa, độ sâu chỉ giữ được theo chuẩn tắc thiết kế từ 4 đến 6 tháng trong một năm cũng chỉ phần nào giảm được những khó khăn.

Cũng do tốc độ sa bồi lớn, hàng năm các doanh nghiệp cảng phải tiến hành nạo vét duy tu vùng nước trước bến, nhà nước phải nạo vét duy tu luồng hàng hải, khối lượng bùn đất nạo vét này hàng năm rất lớn nhưng khu vực đổ thải đang gặp nhiều khó khăn về vị trí, do khó khăn về các quy định môi trường.

Hệ thống giao thông sau cảng, cơ sở hạ tầng kết nối chưa thực sự đồng bộ và tổ chức vận tải chưa hợp lý, phần lớn lượng hàng qua cảng thực hiện bằng đường bộ, đường sông và đường sắt chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ. Điều này dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông, hàng hóa đến cảng không kịp giờ tàu, hệ thống kho bãi dồn tắc, cản trở phát triển dịch vụ logistics.

Khu vực Đình Vũ có tình trạng kho bãi cảng, ICD, depot của các cảng hay các công ty giao nhận, vận chuyển; phát triển nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch, quản lý hợp lý; nằm sát đường bộ, không được quy hoạch phân làn, bố trí các nút giao hợp lý dẫn đến các phương tiện vận tải vào rời cảng, kho bãi quay đầu, nhập làn gây tắc nghẽn đường vào những giờ cao điểm. Việc hình thành các ICD, Depot cũng phát sinh tính cạnh tranh không lành mạnh về giá với kho bãi của cảng; kho bãi nhỏ, lẻ không tập trung gây lãng phí diện tích; vào thời điểm xuất tàu, hàng nghìn xe vận chuyển container từ các bãi ngoài ùn ùn chạy vào cảng xuất cùng lúc, gây ùn tắc giao thông trên đường bộ xung quanh các khu vực cảng và cầu cảng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và trật tự giao thông.

Một số kiến nghị đề xuất

Đề nghị cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt các Quy hoạch phát triển cảng biển liên quan đến khu vực Hải Phòng để tạo cơ sở pháp lý, định hướng, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển cảng biển khu vực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển của đất nước và khu vực.

Đề nghị cấp có thẩm quyền có cơ chế triển khai nạo vét duy tu luồng hàng hải thường xuyên hàng tháng đảm bảo chuẩn tắc thiết kế; đặc biệt quan tâm đến vị trí đổ thải nạo vét duy tu cho tuyến luồng Hải Phòng đang gặp khó khăn.

Đề nghị cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét mở rộng luồng Lạch Huyện, kênh Hà Nam thành 2 chiều để tránh gây ùn tắc cho các tàu vào, rời các bến cảng thượng lưu cảng Lạch Huyện.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistic, phát triển các trung tâm logistic lớn tại khu vực;  rà soát quy hoạch các kho bãi, ICD, depot nhỏ lẻ, không tập trung gây lãng phí diện tích và gây ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm, phát sinh cạnh tranh không lành mạnh.

Đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; ưu tiên kết nối đường thủy nội địa với cảng biển trên cơ sở đầu tư xây dựng bến thủy nội địa hỗ trợ cảng biển trong vùng nước cảng biển, nghiên cứu quy hoạch hệ thống đường sắt kết nối trực tiếp đến các trung tâm logistic, các cảng khu vực Đình Vũ, Lạch Huyện nhằm khai thác hiệu quả hạ tầng cảng biển tại khu vực…

Lê Văn Thuẫn – Phó giám đốc Cảng vụ hàng hải Hải Phòng/Báo Diễn đàn DN