Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc kêu gọi công nhận thuyền viên là người lao động chủ chốt và thực hiện các quy trình thay đổi thuyền viên. Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) thúc giục việc ưu tiên tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho thuyền viên.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên hợp quốc công nhận thuyền viên và các nhân viên hàng hải khác là người lao động chủ chốt và thực hiện các biện pháp liên quan để cho phép các thuyền viên mắc kẹt được hồi hương; những thuyền viên khác được lên tàu làm việc và đảm bảo việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế cho thuyền viên.
Trong một nghị quyết về hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những thách thức mà người đi biển phải đối mặt do hậu quả của đại dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu, được thông qua đầu tháng 12/2020, Liên hợp quốc thừa nhận sự cần thiết phải có phản ứng khẩn cấp và cụ thể từ tất cả các bên liên quan, bao gồm cả khu vực tư nhân, để giải quyết tình trạng thuyền viên bị mắc kẹt trên biển và những thuyền viên khác không thể lên tàu làm việc vì các hạn chế đi lại giữa các quốc gia được áp dụng trên phạm vi toàn cầu do hậu quả của đại dịch.
Nghị quyết cũng khuyến khích Chính phủ và các bên liên quan thực hiện các quy trình được IMO công nhận để đảm bảo việc thay đổi và đi lại an toàn của thuyền viên tàu trong đại dịch Covid-19, qua đó cho phép các thuyền viên mắc kẹt được hồi hương; những thuyền viên khác được lên tàu làm việc, lưu ý đến các biện pháp phòng ngừa cần thiết được thực hiện bởi các quốc gia có cảng nhằm chống lại Covid-19.
Hoan nghênh việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết nêu trên, Tổng thư ký IMO Kitack Lim cho biết: “Rất đáng buồn, hàng trăm nghìn thuyền viên, những người quan trọng để duy trì chuỗi cung ứng, vẫn mắc kẹt trên biển trong nhiều tháng sau khi hợp đồng lao động của họ hết hiệu lực. Điều này gây ra sự căng thẳng, mệt mỏi, kiệt sức và tạo ra tình trạng không bền vững. Tôi hy vọng rằng lời kêu gọi hành động này sẽ tạo ra động lực tích cực để giải quyết cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên”.
Ông Kitack Lim nói thêm: “Tôi biết ơn các quốc gia đã thực hiện các biện pháp để công nhận thuyền viên là người lao động chủ chốt và tất cả các cơ quan của Liên hợp quốc, các đối tác trong ngành vận tải biển đã làm việc không mệt mỏi để tìm cách giải quyết tình trạng khó khăn này. Đây là vấn đề nhân quyền. Cuộc sống của những người đi biển đang bị ảnh hưởng bởi những khó khăn về thay đổi thuyền viên, và tình trạng này càng kéo dài sẽ chỉ tạo ra ảnh hưởng bất lợi cho sự an toàn của tàu và đối với chuỗi cung ứng”.
Nghị quyết của Liên hợp quốc kêu gọi các tổ chức quốc tế và các bên liên quan khác, bao gồm cả các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, hỗ trợ các Chính phủ trong việc thiết lập, thực hiện các biện pháp hưởng ứng và các chính sách nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu và điều kiện sống, làm việc tử tế, quyền con người của thuyền viên.
Tiêm phòng cho thuyền viên
Ghi nhận những tin tức tích cực gần đây liên quan đến việc phát triển vắc xin chống lại Covid-19, ông Kitak Lim cho biết việc công nhận người lao động chủ chốt cần đảm bảo các thuyền viên và lao động trong ngành hàng hải được ưu tiên tiêm phòng, để cho phép họ làm việc và duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng.
Ông Kitak Lim nói: “Tôi hy vọng rằng việc công nhận người lao động chủ chốt sẽ đảm bảo rằng các thuyền viên có thể được tiêm chủng nhanh chóng. Điều này sẽ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên đang diễn ra”.
Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những thách thức mà người đi biển phải đối mặt do hậu quả của đại dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ chuỗi cung ứng toàn cầu đã được thông qua tại phiên họp thứ 74 của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần vào ngày 01/12/2020. Toàn văn Nghị quyết có thể tải về tại liên kết: https://www.undocs.org/en/A/75/L.37.