Sau một năm kể từ khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, đã có vô số biện pháp trừng phạt được áp dụng nhằm hạn chế nguồn thu của Nga. Nga thực sự đã phải đối mặt với những thách thức to lớn đối với xuất nhập khẩu hàng hoá. Tuy nhiên, dòng chảy thương mại hàng hoá trên thế giới không vì thế mà bị đình trệ, hàng hoá đã được vận chuyển theo nhiều lộ trình mới, dài hơn hoặc được thay thế bởi những tuyến đường mới. Năm đầu tiên của cuộc chiến đã làm rung chuyển thị trường vận tải biển đối với tất cả các phân khúc chính, bao gồm tàu chở container, tàu chở dầu, tàu hàng rời và tàu chở khí gas, nhưng không thể làm gián đoạn hoạt động thương mại.
Thị trường vận tải container
Ở các phân khúc của thị trường vận chuyển container, việc ngừng phục vụ khách hàng Nga bắt nguồn từ nhiều lý do khác nhau. Có thể là rủi ro tài chính do các biện pháp trừng phạt đối với Nga, hoặc thể hiện sự không đồng tình với các hành động của Nga, rủi ro từ việc các con tàu bị chậm trễ – một vấn đề lớn đối với vận chuyển container do các yêu cầu kiểm soát xuất khẩu để kiểm tra hàng hoá có thể được sử dụng với mục đích kép (dân sự và quân sự) bị cấm. Bên cạnh đó là liên quan đến khía cạnh đạo đức, một số giám đốc điều hành hãng tàu không cho phép các công ty của họ phục vụ Nga vì họ tin rằng đó là việc làm sai trái. Và còn có những lý do chính đáng khác để từ chối như: hậu quả liên quan đến tài chính nếu như bị khách hàng coi là ủng hộ Nga.
Hầu hết các hãng vận tải container lớn đã ngừng tất cả các dịch vụ chuyên chở đến các cảng của Nga ngay sau khi chiến tranh nổ ra và vẫn chưa nối lại hoạt động. Hãng tàu Maersk và CMA CGM đã thoái vốn khỏi các cảng của Nga. Tuy nhiên, công ty vận tải biển Địa Trung Hải (MSC), hãng vận chuyển container lớn nhất thế giới, vẫn duy trì cung cấp hoạt động vận chuyển cho Nga. MSC đăng tải dòng trạng thái 1 cách tự hào trên trang web của mình: “Kết nối Nga với thế giới, MSC đã giúp khách hàng vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Nga kể từ năm 1998 đến nay”. MSC chiếm hữu thị phần vận tải lớn nhất tại khu vực Biển Đen, đang tiếp tục cung cấp dịch vụ vận tải đến cảng Novorossiysk của Nga. Sau khi các hãng vận tải lớn khác ngoài MSC rút khỏi Novorossiysk, thì các hãng vận tải biển tuyến ngắn của Thổ Nhĩ Kỳ như Arkas, Admiral, Akkon và Medkon đã tăng cường các dịch vụ của riêng họ để lấp đầy khoảng trống.
Theo báo cáo tháng 12 của Alphaliner, hãng tàu MSC đã mở rộng thêm các chuyến vận chuyển đến Nga hàng tuần trên các tuyến mới kết nối giữa Nam Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Vào thứ 6 ngày 24/02/2023, sau đúng một năm diễn ra cuộc chiến, dữ liệu vị trí tàu của MarineTraffic (trang web theo dõi và cung cấp thông tin vị trí tàu) hiển thị tàu MSC Eloise 2.598 TEU đang nằm tại cầu cảng St. Petersburg trên Biển Baltic. Tàu MSC Antwerp III 2,490-TEU cập cảng ở Novorossiysk. Tàu MSC Rhiannon 2.024 TEU và MSC Jenny II 2.045 TEU vừa mới rời khỏi cảng của Nga.
Không có điều luật hoặc quy định nào yêu cầu MSC hay bất kỳ hãng vận tải biển khác ngừng cung cấp dịch vụ vận tải cho Nga.
Vào ngày 01/3/2022, hãng tàu MSC đã thông báo tạm thời dừng tất cả các dịch vụ vận tải đến và đi từ Nga, ngoại trừ thực phẩm, thuốc men và hàng hóa nhân đạo. Tuy nhiên, theo báo cáo hồi tháng 7 của hãng tin Bloomberg, MSC vẫn tiếp tục cung cấp các dịch vụ vận chuyển tới Nga. Khi được hỏi rằng liệu quyết định tạm dừng cung cấp dịch vụ vận tải tới Nga đã được dỡ bỏ hay chưa, người phát ngôn của MSC đã nhắc lại thông báo ngày 01/3/2022 của hãng.
Trong khi một số hãng vận tải tiếp tục cung cấp các tuyến vận chuyển đến các cảng của Nga ở khu vực biển Baltic, Biển Đen và Thái Bình Dương, lượng hàng container đến Nga bằng đường bộ cũng đồng thời tăng đột biến. Những chiếc xe tải xếp dài hàng dặm ở biên giới Georgia và Nga, trên đường từ Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia. Thời báo New York đưa tin rằng các sản phẩm công dụng kép (dân sự và quân sự) hiện đang tràn vào Nga thông qua Trung Quốc, Kazakhstan và Belarus, và tổng lượng hàng hóa nhập khẩu vào Nga đã trở lại mức trước chiến tranh xảy ra kể từ tháng 12 năm 2022.
Hàng hóa vận chuyển bằng container đã tìm được cách để vượt qua các chướng ngại.
Thị trường vận tải tàu dầu
Tác động của cuộc chiến đối với thị trường vận tải tàu container là không đáng kể, do Nga là một thị trường tương đối nhỏ. Tuy nhiên, điều này không hề đúng đối với thị trường vận tải tàu dầu.
Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu dầu diesel. Thị trường vận tải tàu dầu đã chịu ảnh hưởng nặng nề do chiến tranh. Jon Chappell, nhà phân tích của Evercore ISI, gọi cuộc chiến là “một sự kiện địa chính trị mang tính thế hệ, đã làm thay đổi dòng chảy hàng hải của mặt hàng quan trọng nhất thế giới trong nhiều năm”. Ông tin rằng “việc vẽ lại bản đồ thương mại toàn cầu mới chỉ bước vào giai đoạn đầu.”
Châu Âu đã áp dụng lệnh cấm nhập khẩu đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga kể từ ngày 05/12/2022 và đối với các sản phẩm dầu mỏ của Nga kể từ ngày 05/02/2023. Cùng ngày, Liên minh châu Âu, các nước G-7, Nhật Bản và Úc đã cấm cung cấp dịch vụ vận chuyển (bao gồm cả bảo hiểm) đối với tàu chở dầu có giá trị hàng cao hơn giá trần đến các nước ngoài Châu Âu. Kế hoạch áp giá trần được tính toán đặc biệt để buộc Nga phải bán xăng dầu với giá chiết khấu nhưng vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa “để giữ cho cánh cửa của lâu đài vẫn được mở ra”, theo lời của Bugbee.
Hầu hết hàng hóa của Nga không được xếp lên các tàu chở dầu quy chuẩn có bảo hiểm tiêu chuẩn của Vương quốc Anh mà đang được chuyên chở trên các tàu chở dầu trong “hạm đội bóng đêm” – những con tàu có nguồn gốc sở hữu không rõ ràng và chỉ hoạt động bên rìa của các hệ thống tài chính và bảo hiểm phương Tây. Kevin Mackay – Giám đốc điều hành của hãng tàu Teekay Tankers (NYSE: TNK ), cho biết: “Việc dịch chuyển của các tàu từ hoạt động chính thống vào hạm đội bóng đêm đã giảm nguồn cung tàu.”
Ngoài sự xuất hiện của hạm đội bóng đêm, hậu quả lớn khác gây ra bởi cuộc chiến là hành trình chuyên chở hàng lỏng kéo dài nhiều hơn so với trước đây. Khi quãng đường vận tải dài hơn thì những tàu có khả năng chứa càng nhiều dầu sẽ có càng có giá cước cao. Dầu thô của Nga đã từng vận chuyển trên quãng đường ngắn đến Châu Âu, thì giờ đây hầu hết phải đi chặng đường rất dài để đến được Trung Quốc và Ấn Độ. Dầu diesel của Nga thường chỉ được vận chuyển đến châu Âu thì giờ đây cũng phải đi quãng đường rất xa đến các nơi khác.
Ông Reid I’Anson, nhà phân tích hàng hóa cao cấp tại Kpler cho biết: “Châu Phi và Châu Mỹ Latinh có thể sẽ là điểm đến quan trọng cho các sản phẩm dầu mỏ của Nga trong tương lai, đặc biệt là dầu diesel và khí gas”. Kpler đã cung cấp cho hãng tin American Shipper dữ liệu mới nhất của họ về các luồng hàng đi bằng đường biển ra khỏi Nga và các luồng hàng vào châu Âu bao gồm cả mức trung bình từ đầu tháng 02/2022 cho đến thời điểm hiện tại. Sau khi lệnh trừng phạt của Châu Âu được áp dụng vào tháng 12 năm 2022, xuất khẩu dầu thô bằng đường biển của Nga đạt trung bình 3,5 triệu thùng mỗi ngày (b/d) trong tháng 01/2023 và 3,3 triệu thùng/ngày trong tháng 02/2023. Con số này tăng 6 % so với khối lượng trung bình trong 02 tháng trước khi cuộc chiến tranh xảy ra.
Thống kê lượng dầu thô xuất khẩu của Nga và lượng dầu thô Châu Âu nhập khẩu từ Nga
Nhập khẩu dầu thô bằng đường biển từ Nga giảm xuống mức nhỏ giọt sau lệnh cấm vận được áp dụng vào tháng 12, nhưng nhập khẩu dầu thô của châu Âu hiện đang cao hơn so với mức trước khi chiến tranh xảy ra. Theo dữ liệu của Kpler, Châu Âu đã nhập khẩu 9,6 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, vận chuyển bằng đường biển trong tháng 01/2023 và 9,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 02/2023, tăng 9% so với mức trung bình trong hai tháng trước khi chiến tranh xảy ra.
Thống kê lượng dầu thô Châu Âu nhập khẩu từ Nga và từ các nguồn khác ngoài Nga
Lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm từ Nga của châu Âu mới chỉ được ban hành chưa đầy một tháng, vì vậy vẫn còn quá sớm để biết về cục diện tương lai. I’Anson nói với American Shipper, “Nói chung, Nga sẽ khó tìm được người mua thay thế cho dầu thô, đặc biệt là đối với sản phẩm chưng cất như VGO (dầu khí chân không) và Naphtha. Việc thông báo cắt giảm sản lượng có thể chỉ là phản ứng đối với suy giảm hoạt động của nhà máy lọc dầu trong tương lai.”
Theo dữ liệu của Kpler chỉ ra rằng xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu của Nga giảm trong tháng 2, trùng hợp với lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga của Châu Âu. Dầu sản phẩm xuất khẩu của Nga đạt trung bình 1,6 triệu thùng/ngày trong tháng 02/2023. Con số này giảm 14% so với mức cao nhất gần đây vào tháng 12/2022 và giảm 11% so với tháng 01/2022, một tháng trước khi chiến tranh xảy ra.
Thống kê lượng dầu sản phẩm xuất khẩu của Nga và lượng dầu sản phẩm Châu Âu nhập khẩu từ Nga
Nhập khẩu các sản phẩm chưng cất trong tháng 2 vào Châu Âu trung bình là 3,3 triệu thùng/ngày. Con số này giảm so với những tháng gần đây, nhưng nguyên nhân có thể là do châu Âu tăng lượng hàng tồn kho trước lệnh cấm nhập khẩu áp dụng vào ngày 05/02/2023. Theo dữ liệu của Kpler, trong 12 tháng kể từ khi chiến tranh xảy ra, nhập khẩu các sản phẩm tinh chế trung bình của châu Âu tăng hơn 11,5% so với 12 tháng trước chiến tranh.
Thống kê lượng dầu sản phẩm Châu Âu nhập khẩu từ Nga và từ các nguồn khác ngoài Nga
Thị trường vận tải LNG (khí tự nhiên hóa lỏng)
Cũng như dầu thô và dầu sản phẩm, thị trường vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chiến tranh. Trước cuộc xâm lược, các nước Châu Âu – đặc biệt là Đức – phụ thuộc rất nhiều vào đường ống dẫn khí đốt của Nga. Nga dường như sử dụng việc cố ý cắt giảm nguồn cung cấp khí gas bằng đường ống để đe dọa Châu Âu không hỗ trợ hoàn toàn cho Ukraine. Cho đến tháng 9 “ai đó” đã làm cho đường ống Nord Stream bị nổ.
Việc mất đường ống dẫn khí khiến cho châu Âu phải chủ động trong việc tìm nguồn cung cấp thay thế. Một đội tàu vận chuyển khí hóa lỏng đã vận chuyển khí hóa lỏng từ Vịnh Hoa Kỳ vào châu Âu từ đầu năm ngoái. Khi thị trường ở mức đỉnh điểm, thu nhập ngày tàu của tàu chở khí hóa lỏng lên đến 500.000 đô la Mỹ mỗi ngày, đây là mức giá cao nhất lịch sử đối với bất kỳ loại tàu chuyên chở hàng hóa nào.
Theo báo cáo triển vọng LNG hàng năm của Shell được công bố vào tháng 02/2023, gã khổng lồ năng lượng cho biết Châu Âu đã tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng từ các quốc gia khác thêm 60% trong năm 2022 để thay thế khí đốt của Nga. Nhu cầu mạnh mẽ của châu Âu đã thu hút nguồn cung từ các quốc gia khác như Bangladesh, Ấn Độ và Pakistan.
Shell nhấn mạnh: “Cuộc xâm lược Ukraine của Nga không chỉ ảnh hưởng đến châu Âu. Nó đã tác động đến các thị trường năng lượng trên toàn thế giới. Năm 2022 có thể là năm định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu. Các sự kiện trong năm đã kích hoạt sự thay đổi cấu trúc trong động lực của thị trường, có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo dài hạn của ngành công nghiệp khí hóa lỏng.”
Thị trường vận tải hàng rời
Thị trường vận chuyển hàng rời cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh. Thế giới đang đặc biệt quan tâm đến sự thiếu hụt các lô hàng ngô và lúa mì xuất khẩu từ Ukraine cũng như sự ảnh hưởng của chúng tới nạn đói toàn cầu.
Trong cuộc họp mới nhất của công ty Star Bulk (NYSE: SBLK) Giám đốc điều hành Petros Pappas cho biết thương mại ngũ cốc toàn cầu đã giảm 3,1% vào năm ngoái “do chiến tranh đã ngăn chặn xuất khẩu của Ukraine trong 6 tháng, vốn chiếm 10% tổng thương mại ngũ cốc. Từ tháng 8 trở đi, việc xuất khẩu đã được nối lại một phần thông qua Sáng kiến Ngũ cốc ở Biển Đen”
Vào tháng Giêng, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã đưa ra một báo cáo về tác động của chiến tranh. USDA cho biết nhờ Sáng kiến Ngũ cốc ở Biển Đen mà các tàu chở hàng được phép vận chuyển qua Biển Đen (sẽ hết hạn vào ngày 18/3/2023 nếu không gia hạn), việc này đã giúp cho tổng khối lượng lúa mì và ngô xuất khẩu của Ukraine trong tháng 9/2022 và tháng 10/2022 cao hơn mức trung bình 5 năm, còn khối lượng xuất khẩu tháng 12/2022 ngang bằng với mức trung bình.
Thống kê sản lượng lúa mì và ngô xuất khẩu của Ukraine trước và sau khi Sáng kiến Ngũ cốc ở Biển Đen được áp dụng
USDA dự kiến Ukraine sẽ xuất khẩu 13,5 triệu tấn lúa mì trong niên vụ 2022-2023, giảm 28% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, dự kiến xuất khẩu toàn cầu sẽ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái do xuất khẩu từ Nga tăng mạnh. USDA dự đoán Ukraine sẽ xuất khẩu 22,5 triệu tấn ngô trong năm 2022-2023, giảm 17% so với năm trước, xuất khẩu ngô toàn cầu sẽ giảm 13% trong năm nay nhưng chủ yếu là do sự sụt giảm từ Mỹ chứ không phải từ Ukraine.
Tác động chiến tranh đối với hàng rời không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine. Kể từ tháng 8/2022, Châu Âu đã cấm nhập khẩu than của Nga – nước xuất khẩu than lớn thứ ba thế giới. Theo Mark Nugent, nhà phân tích cao cấp tại công ty môi giới tàu biển Braemar, khi giá khí đốt đột nhiên tăng mạnh vào năm ngoái, Châu Âu đã tăng cường nhập khẩu than từ các nguồn không phải của Nga (Colombia, Nam Phi, Mỹ, Úc) ở mức cao lên tới 12,7 triệu tấn trong tháng 12/2022. Nhập khẩu than của Châu Âu đã tăng 30,5% so với cùng kỳ trong tháng Giêng. Xuất khẩu hàng rời của Nga giờ đây cũng đang diễn ra theo kịch bản tương tự như xuất khẩu dầu thô, hàng hóa bị từ chối bởi Châu Âu đang thực hiện các chuyến đi đường dài đến Trung Quốc và Ấn Độ.
Nugent cho biết tổng xuất khẩu hàng rời của Nga (than đá, ngũ cốc, thép, phân bón, v.v.) đạt trung bình 23,8 triệu tấn mỗi tháng trong giai đoạn hậu chiến từ tháng 3 năm 2022 đến tháng 01 năm nay, về cơ bản không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng hàng rời của Nga đến Trung Quốc tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái và khối lượng đến Ấn Độ “tăng gần gấp ba”. “Đặc biệt, Ấn Độ đã thể hiện rõ ý định sẵn sàng mua hàng hóa rẻ của Nga, nhất là than đá để thay thế các nguồn đắt đỏ từ các nơi khác như Úc”
Nhìn lại dòng chảy vận chuyển hàng rời trong năm đầu tiên của cuộc chiến, công ty môi giới tàu biển BRS đã kết luận: “Điều mà chúng tôi học được cho đến nay là mặc dù phát sinh nhiều trở ngại, nhưng thị trường hàng hóa và những người tham gia thị trường đã cực kỳ linh hoạt trong thời gian qua. Điều này đã khiến cho hiệu quả mong muốn của việc cấm vận Nga khó đạt được.”
Bugbee cũng đưa ra quan điểm tương tự. “Tôi cảm thấy bối rối với những câu hỏi của nhà đầu tư như “Nga sẽ làm gì tiếp theo?”. Đây là cách nhìn hoàn toàn sai lầm bởi Hoa Kỳ, Châu Âu, Úc và Nhật Bản có thể trừng phạt nguồn cung từ Nga, nhưng không ai cấm nhu cầu từ Nam Mỹ, Châu Phi, Đông Á, Châu Âu và Bắc Mỹ. Sẽ rất đơn giản nếu chúng ta nhìn nhận thị trường từ góc độ nhu cầu chứ không phải từ góc độ nguồn cung. Hàng hóa sẽ tìm ra cách để đến nơi có nhu cầu”.
Theo Freightwaves | Vosco dịch, biên tập